Ngày 5.12, tại TP.Tam Kỳ, Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa phối hợp với Sở Y tế tổ chức hội nghị tập huấn “Chăm sóc sức khỏe phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học giai đoạn 2018 - 2021”.
Chăm sóc trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Làng Hòa Bình. Ảnh: Châu Nữ |
Phạm vi thực hiện dự án gồm 11 tỉnh/thành phố: Quảng Nam, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Tĩnh. Mục tiêu nhằm cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng; thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm vấn đề sức khỏe và khuyết tật, nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng. Tổng nguồn vốn dự án là 76,16 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là khoảng 95% nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại vùng dự án được sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, xác định nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng. Trung bình mỗi tỉnh có khoảng: 550 người được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng tại các cơ sở khám chữa bệnh; 200 người có chỉ định sử dụng dụng cụ chỉnh hình, dụng cụ trợ giúp từ bác sĩ chuyên khoa được giới thiệu đến ngành LĐ-TB&XH cung cấp dụng cụ phù hợp với dạng và mức độ khuyết tật. Khoảng 880 trẻ khuyết tật vùng dự án được phục hồi chức năng tại nhà và tại cơ sở khám chữa bệnh, phục hồi chức năng... |
Tại Quảng Nam, dự án được triển khai tại huyện Thăng Bình và thị xã Điện Bàn. Được biết dự án này đã triển khai tại huyện Tiên Phước trong hai năm (2014 - 2015). Qua 2 năm triển khai dự án chuyển giao kiến thức, kỹ thuật phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin và người khuyết tật cho cán bộ y tế tuyến xã, thôn và cộng tác viên y tế ở 15 xã thuộc huyện Tiên Phước. Các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đều đã tiến hành tầm soát dị tật cho 100% trẻ mới sinh tại các cơ sở y tế. Trong 2 năm đã phát hiện 106 trẻ có khuyết tật các loại trên 39.317 trẻ sinh ra sống, các cơ sở y tế đã kịp thời tư vấn cho gia đình và tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển tuyến điều trị, để trẻ sớm được can thiệp, phục hồi sức khỏe. Đồng thời cung cấp dụng cụ hỗ trợ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng tại bệnh viện phù hợp nhu cầu trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi là con cháu nạn nhân.
Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, việc triển khai dự án tại Tiên Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do nhiều trẻ khuyết tật là con cháu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng việc hỗ trợ của dự án về viện phí, tiền đi lại, tiền ăn khi nằm viện không thực hiện được vì không đảm bảo các yêu cầu về chứng từ. Kinh phí và kế hoạch hoạt động trong 2 năm phê duyệt chậm nên các cơ sở y tế lúng túng khi thực hiện các quy định về hỗ trợ cho trẻ khuyết tật là con cháu của nạn nhân chất độc hóa học/dioxin. Nhiều cơ sở y tế không lưu giữ chứng từ nên không thể thanh, quyết toán theo quy định. Đội ngũ cộng tác viên và cán bộ y tế phục hồi chức năng ở các tuyến huyện, xã còn mỏng… “Việc nhìn nhận những khó khăn, hạn chế tại Tiên Phước sẽ tạo cơ sở để triển khai dự án lần này tốt hơn. Qua đó góp phần chăm sóc đối tượng nhiễm chất độc hóa học/dioxin ở hai địa phương hưởng lợi từ dự án này là Thăng Bình và Điện Bàn hiệu quả. Đồng thời đề xuất Ban Quản lý dự án Trung ương phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh xây dựng Kế hoạch đào tạo cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho các địa phương và tham mưu Chính phủ sớm có chế độ chính sách phù hợp cho đội ngũ này để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn” - ông Mai Văn Mười nói.
TÂY BÌNH