Do khả năng huy động vốn còn hạn chế nên xu hướng vươn khơi khai thác xa bờ của ngư dân Quảng Nam vẫn còn thấp. Bởi vậy, rất cần cú hích về các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy nghề cá của tỉnh phát triển trong thời gian đến.
Xu thế tất yếu
Đến thời điểm này, Quảng Nam đã giải ngân gần 238 triệu đồng hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá công suất lớn, hoạt động trên các vùng biển xa theo Quyết định số 13/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Ngư dân Phạm Văn Châu (thôn 2, xã Tam Hải, Núi Thành) là một trong 9 chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay sau đầu tư từ quyết định này. Ông Châu chia sẻ: “Sản xuất trên biển lâu năm, ngư dân chúng tôi đều biết rằng phải nỗ lực khai thác hải sản tại tuyến khơi mới có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chứ ở tuyến bờ và tuyến lộng, nguồn lợi hải sản ngày một cạn dần. Chúng tôi cũng biết khi đóng tàu có công suất lớn để hoạt động trên các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa thì được Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất vốn vay. Bởi vậy, từ hơn 20 năm qua, gia đình tôi đã chắt chiu mãi để đóng được con tàu QNa 91199 có công suất 520CV”. Gia đình ngư dân Bùi Thế Cả (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) cũng được hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay sau khi đóng được chiếc tàu QNa 90216 có công suất 450CV để khai thác hải sản bằng nghề lưới vây ở quần đảo Trường Sa. Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh cùng mang tâm trạng phấn khởi khi đóng được tàu lớn và được UBND tỉnh hỗ trợ 10% lãi suất vốn vay sắm phương tiện. Điều đó đã cho thấy vươn khơi khai thác xa bờ là xu thế chung, tất yếu của nghề cá Quảng Nam khi nỗ lực của ngư dân đã được cộng hưởng từ sự tiếp sức của tỉnh.
Đội tàu công suất lớn của Quảng Nam phát triển chậm trong thời gian qua. Ảnh: Q.VIỆT |
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 15 chiếc tàu có công suất từ 90CV trở lên được đóng mới. Ông Võ Văn Năm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng con số này rất thấp so với kỳ vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá của tỉnh. Nguyên nhân là khả năng huy động vốn của ngư dân còn thấp, khó đóng mới được tàu công suất lớn. Cùng với Tam Quang và Tam Hải, xã Tam Giang của huyện Núi Thành là một trong 3 địa phương phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản của tỉnh. Thế nhưng từ cuối năm 2011 đến nay chưa có chiếc tàu lớn nào được đóng mới ngoài 2 chiếc tàu được đóng mới từ sự hỗ trợ 50% vốn vay không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam. Ông Ngô Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Thực tế là khát vọng vươn khơi xa của ngư dân trên địa bàn xã rất lớn. Ngư dân nào cũng muốn làm chủ tàu lớn sản xuất trên biển nhưng do khả năng huy động vốn thấp, nhất là hiệu quả sản xuất không cao vào thời điểm hiện tại nên họ không đóng mới được tàu lớn”.
Trợ sức ngư dân
Thêm 4 tỷ đồng ủng hộ Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam Theo Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam (đơn vị trực tiếp quản lý Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam), nhờ thiết lập được nhiều “kênh” thông tin với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế trong và ngoài tỉnh, đến thời điểm này đơn vị đã tiếp nhận thêm được 4 tỷ đồng vào nguồn vốn của quỹ (từ 20 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng). Được biết, Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam vẫn tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục ủng hộ vào nguồn quỹ này. |
Ông Nguyễn Minh Khả - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, điều trăn trở của ngư dân trên địa bàn là làm sao có thể huy động được nguồn vốn khoảng 3 tỷ đồng để đóng mới được tàu công suất lớn bám biển tại Trường Sa, Hoàng Sa. Từ tâm tư, nguyện vọng của ngư dân, huyện đã đề xuất với tỉnh có cơ chế thoáng hơn để tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn với chu kỳ dài hơn, số lượng lớn hơn. Bởi với Quyết định 13/2012/QĐ-UBND, ngư dân mới chỉ được nhận 10% lãi suất vốn vay sau đầu tư phương tiện. Còn Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam thì mới chỉ giới hạn ở mức 20 tỷ đồng. Đề xuất của huyện Núi Thành đã phần nào được đáp ứng. Ông Trà Minh Đấu - Phó Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Núi Thành cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã giải ngân hơn 35 tỷ đồng cho 40 dự án đóng mới tàu lớn khai thác xa bờ của 40 hộ ngư dân trên địa bàn huyện Núi Thành. “Đơn vị của chúng tôi sẵn sàng trợ giúp, đáp ứng nhu cầu vay vốn lớn để đóng mới tàu cá có công suất cao sản xuất trên các vùng biển xa của ngư dân trên địa bàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã áp dụng cơ chế thoáng đối với ngư dân. Trong thời hạn 60 tháng vay vốn, nếu năm nào ngư dân không trả được nợ do mất mùa hay những nguyên nhân bất khả kháng khác thì chúng tôi sẽ cơ cấu lại nợ, tạo điều kiện để ngư dân trả phần nợ này vào năm sau. Nếu hết thời hạn 5 năm vay vốn mà ngư dân chưa thể trả xong nợ, chúng tôi sẽ chuyển phần nợ còn lại vào dạng vốn vay lưu động để ngư dân có thể trả được nợ trong thời gian tiếp theo”.
Hiện tại, TP.Ðà Nẵng đã ưu tiên hỗ trợ ngư dân trên địa bàn đóng mới, cải hoán tàu cá có công suất từ 400CV trở lên để đủ sức vươn khơi, bám biển dài ngày tại các vùng biển xa. Mức hỗ trợ theo quy định cho tàu từ 400 đến dưới 600CV là 500 triệu đồng, từ 600CV đến dưới 800CV là 600 triệu đồng và tàu 800CV trở lên là 800 triệu đồng. Ngay khi có chủ trương này, vào năm 2012, năm ngư dân trên địa bàn đã đóng tàu mới và được hỗ trợ tổng số tiền 3,2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2013 đến nay, tại TP.Đà Nẵng có 4 tàu đang được đóng mới với số tiền hỗ trợ tương ứng là 2,8 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Giỏi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho rằng đó cách làm rất sáng tạo để “chuẩn hóa” nghề cá của Đà Nẵng. Tiếp thu cách làm này, ngành chức năng của tỉnh đang đề xuất UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá xa bờ trực tiếp như vậy chứ không chỉ dừng lại ở mức 10% lãi suất vốn vay sau đầu tư.
NGUYỄN QUANG VIỆT