Ra đời từ trước khi có Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng với người chấp hành xong án phạt tù, mô hình “4 trách nhiệm” của phường Thanh Hà, TP.Hội An, ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa tái vi phạm pháp luật. Theo mô hình này, một đối tượng đưa vào diện quản lý thì tùy hành vi vi phạm, giới tính, độ tuổi, lãnh đạo địa phương sẽ phân công trách nhiệm cho 4 ngành, đoàn thể cùng phối hợp giúp đỡ, theo dõi, cảm hóa, trong đó công an và cán bộ khối phố là nòng cốt. Những đối tượng này bao gồm người mãn hạn tù trở về, thanh thiếu niên, học sinh bỏ học đi lang thang, có biểu hiện nghi vấn phạm tội…
Cảnh sát khu vực phường Thanh Hà sâu sát cơ sở để động viên, giáo dục người lầm lỡ. Ảnh: L.H |
Cách đây hơn 16 năm, anh Đ.T. (SN 1974) cứ ngỡ cuộc đời mình đặt dấu chấm hết, còn gia đình anh tưởng như mất đứa con trai đầu lòng khi nghe tòa tuyên án chung thân. Chỉ vì một phút lầm lỡ khi bản năng lấn át lý trí, anh Đ.T. đã phải trả giá cho hành vi tội lỗi của mình bằng những ngày tháng trong nhà giam. Tuy nhiên, nhờ cải tạo tốt, với chính sách khoan hồng của Nhà nước anh đã được giảm án xuống còn 14 năm. Hai mươi lăm tuổi bước chân vào trại giam, đến gần 40 tuổi anh ra tù trở về cuộc sống đời thường với bao khó khăn chồng chất. “Hồi đó trở về tôi thấy cuộc sống có quá nhiều đổi thay. Cái gì cũng thấy mới. Trong lòng trĩu nặng lo lắng. Mặc cảm về lỗi lầm của mình với hàng xóm láng giềng. Không có việc làm. Không biết phải bắt đầu cuộc sống từ đâu” - anh Đ.T. chia sẻ.
Thấu hiểu những khó khăn này, sau khi anh Đ.T. về địa phương, những thành viên trong mô hình “4 trách nhiệm” của phường Thanh Hà mà cụ thể là cảnh sát khu vực, cán bộ khối phố đã tìm đến gia đình để cùng với người thân hỗ trợ, giúp đỡ anh xóa đi mặc cảm, tìm công ăn việc làm để sớm hòa nhập cộng đồng. Ông Trần Văn Phương - Phó Trưởng Công an phường Thanh Hà nói: “Đối với những người chấp hành án phạt tù trở về địa phương, sau khi tiếp nhận chúng tôi phân công cụ thể cán bộ trực tiếp đến theo dõi, gặp gỡ nắm bắt tâm tư tình cảm, phối hợp với gia đình để tìm ra những giải pháp phù hợp với từng đối tượng nhằm hỗ trợ một cách hiệu quả”.
Bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của bản thân, nhờ sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ tích cực của các cán bộ trong mô hình “4 trách nhiệm”, anh Đ.T. đang dần tạo dựng cuộc sống ổn định. Hiện nay, anh sở hữu vườn quật giống hơn 300 cây. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ bạn bè và những người có kinh nghiệm, vườn quật của anh đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ cho những trái ngọt trong mùa thu hoạch đầu tiên vào dịp tết năm nay. Bên cạnh vườn quật, gia đình cũng đã tin tưởng đầu tư gần 40 triệu đồng để anh chăn nuôi bò. Buổi tối anh còn làm bảo vệ ở một khu công nghiệp với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Những nỗ lực làm lại cuộc đời của anh đã nhận được sự đồng cảm, sẻ chia và trân trọng của mọi người. Cách đây 2 tháng, cuộc sống của anh càng ấm áp hơn khi hạnh phúc riêng tư mỉm cười, có người phụ nữ chia sẻ ngọt bùi, tiếp tục đồng hành với anh trên chặng đường phía trước. Nói về đứa con trai cả của mình, bà N.T.T. không giấu được niềm vui: “Từ án chung thân, con tôi được giảm án trở về với gia đình cũng như chết đi mà sống lại, sinh ra lần nữa. Giờ lại thấy con biết tu chí làm ăn, có người chia sẻ cuộc sống, tôi thấy không có chi mừng hơn”.
Những người dân phố cổ và người buôn bán nhỏ ở Hội An đã khá quen thuộc với hình ảnh đôi vợ chồng trẻ bán nước dừa trên đường Trần Phú. Những vết xăm trổ, dấu tích của một thời bồng bột yên hùng vẫn còn đây, nhưng sự chăm chỉ, chịu khó làm ăn của đôi vợ chồng này đã làm cho nhiều người tin tưởng, yêu mến. Trở về với gia đình từ trại giam, mang theo quá khứ của một thời lầm lỗi nhưng anh Đ.T.H.T. đã dần vượt qua mặc cảm, chăm chỉ làm ăn. Mặc dù công việc không ổn định nhưng anh H.T. vẫn đang cố gắng từng ngày, đổi những giọt mồ hôi để kiếm đồng tiền lương thiện nuôi vợ nuôi con. Là người trực tiếp theo dõi, giúp đỡ anh H.T., bà Nguyễn Thị Xuân Năm - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thanh Hà nói: “Cơ bản cháu H.T. là người tốt, chỉ vì bị ảnh hưởng bởi bạn bè xấu nên mới đi vào con đường sai trái. Từ ngày trở về, cháu đã có nhiều biểu hiện tốt, lo làm lo ăn, thương vợ thương con. Tuy nhiên không dừng ở đó, mô hình sẽ tiếp tục theo dõi, giúp đỡ để tạo điều kiện cho H.T. có công việc ổn định lâu dài”.
Ở phường Thanh Hà, không chỉ anh Đ.T. hay H.T. mà còn có rất nhiều cá nhân được giúp đỡ, hỗ trợ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng từ mô hình “4 trách nhiệm”. Ra đời từ năm 2012, sau 3 năm triển khai, tình hình vi phạm pháp luật của các đối tượng trên địa bàn phường Thanh Hà giảm rõ rệt. Trong năm 2014, Ban chỉ đạo mô hình quản lý 42 đối tượng trong đó có 8 đối tượng chưa thành niên thì đến nay đã có 24 trường hợp tiến bộ. Chia sẻ về sự thành công của mô hình, Chủ tịch UBND phường Nguyễn Kim Châu - Trưởng ban chỉ đạo cho biết: “Ngoài trách nhiệm với công việc, mỗi thành viên tham gia đều tâm huyết với việc triển khai thực hiện mô hình, giúp đỡ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, sự nỗ lực của gia đình, sự cố gắng tích cực của đối tượng cũng tạo điều kiện cho ban chỉ đạo thêm phấn khởi, đủ niềm tin để thực hiện tốt công việc của mình. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm những mặt làm được và chưa làm được của mô hình để có những giải pháp thực hiện hiệu quả hơn”.
LAN UYÊN - QUỐC HUY