Bằng hình thức thiết thực, nhiều nơi tại TP.Tam Kỳ đã thực hiện tốt hoạt động giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả…
Phường Tân Thạnh trao phương tiện sinh kế cho người chấp hành xong án phạt tù về lại địa phương. Ảnh: B.Q |
Anh Dương Minh V. (SN 1987, ở phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) trước đây vốn là một thanh niên ngổ ngáo, đua đòi với bạn bè. Năm 2007, trong một lần quá chén, anh lỡ tay đánh người gây thương tích. Sau 2 năm chấp hành xong án phạt, anh V. trở về địa phương quyết tâm làm lại cuộc đời. Anh đã mở tiệm sửa xe kiếm sống, đồng thời tham gia lực lượng bảo vệ dân phố phường An Mỹ. V. chia sẻ: “Nhờ sự động viên của các đồng chí công an tại địa phương, tôi đã tự tin tham gia tổ bảo vệ dân phố, và thấy vui vì đã đóng góp vào sự bình yên nơi mình sinh sống”. Còn anh Võ Ngọc Kh. (SN 1987, ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) đã từng có thời gian 2 năm 6 tháng cải tạo trong trại giam vì tội trộm cắp tài sản. Năm 2015, anh Kh. về lại địa phương và được các hội, đoàn thể cùng Công an phường tạo điều kiện vay vốn 20 triệu đồng làm kinh tế. Anh Kh. chia sẻ: “Có tiền vay tôi đã mua sắm đồ nghề, phương tiện đi lại để theo nghề cơ khí. Nơi tôi làm việc bây giờ cũng nhờ các anh Công an phường giới thiệu. Đến nay, cuộc sống của tôi đã ổn định và luôn cảm phục trước sự hỗ trợ này”.
Từ năm 2002 đến nay, tổng số người chấp hành xong án phạt tù về cư trú, làm ăn sinh sống trên địa bàn TP.Tam Kỳ là 459 người. Trong đó, đa số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định... Trước thực trạng đó, TP.Tam Kỳ đã huy động sự chung tay của toàn xã hội nhằm cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án vững tin hoàn lương. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 13 mô hình tái hòa nhập cộng đồng tại 13 xã, phường. Trong đó có 3 đơn vị thực hiện khá tốt là phường Tân Thạnh, Phước Hòa, Hòa Hương. Tổng số người chấp hành xong án phạt tù tham gia các mô hình là 279 người. Có 213 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm ổn định. Thông qua các cơ quan, đoàn thể ở địa phương đã hướng dẫn người chấp hành xong án phạt tù trong việc cấp, đổi giấy chứng minh nhân dân và các thủ tục đăng ký hộ khẩu, xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp sau khi đã về địa phương.
Anh Nguyễn Văn Bình (khối phố 4, phường Phước Hòa) từng tham gia giúp đỡ nhiều trường hợp hoàn lương thông qua việc thành lập đội bốc vác tại chợ Tam Kỳ, làm ăn hiệu quả. Hay như từ nguồn Quỹ tái hòa nhập cộng đồng do các nhà hảo tâm, cán bộ, nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, Ban chỉ đạo các mô hình đã trao tặng nhiều phần quà và hỗ trợ phương tiện sinh kế cho hàng chục trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Chị Võ Thị Diệu Minh (khối phố 4, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) rất tích cực trong việc hỗ trợ vốn cho Quỹ tái hòa nhập cộng đồng địa phương, chia sẻ: “Thấy mấy em về lại địa phương ban đầu gặp nhiều khó khăn do không có vốn, phương tiện sản xuất nên tôi muốn giúp đỡ. Tôi tin rằng có công việc ổn định, các em sẽ không tái phạm tội nữa”.
Bên cạnh những kết quả khả quan, việc triển khai các kế hoạch, chương trình Tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn TP.Tam Kỳ vẫn gặp không ít khó khăn. Theo Thiếu tá Mai Văn Hiển - Phó Trưởng Công an TP.Tam Kỳ, điều qua trọng nhất để những người lầm lỗi không tái phạm tội chính ở bản thân họ phải thực sự quyết tâm, gây dựng niềm tin với cộng đồng, làm lại cuộc đời. “Hầu hết người mãn hạn tù trở về đều mong muốn được học nghề, vay vốn để làm ăn nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, giải pháp trọng tâm là tích cực hỗ trợ về vốn nhằm phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”.
HOÀNG BIN - TƯỜNG QUÂN