Việc hỗ trợ người lao động (LĐ) và chủ sử dụng LĐ gặp khó khăn do dịch Covid-19 được UBND tỉnh yêu cầu phải kịp thời, nhanh chóng. Các địa phương trong toàn tỉnh đang tập trung triển khai nhiệm vụ này.
“Dễ làm trước, khó làm sau”
Triển khai chính sách hỗ trợ người LĐ, chính quyền TP.Hội An đã thực hiện theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”.
Bà Lê Phương Đức - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TP.Hội An cho biết: “Việc thực hiện chính sách trên phát sinh nhiều vướng mắc. Ví như đối với việc hỗ trợ người diện F1 nhưng lại cách ly có thu phí ở khách sạn thì có được không?
Với hộ kinh doanh ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng được bán mang về, sau một thời gian dịch bệnh phức tạp phải ngừng hoạt động hẳn, vậy sẽ tính hỗ trợ họ như thế nào?... Các thắc mắc này chúng tôi hỏi và được Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định”.
Theo trả lời của Sở LĐ-TB&XH, người diện F1 sẽ được hỗ trợ, hộ kinh doanh ngừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan chức năng để phòng chống dịch bệnh sẽ được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 hoặc Nghị quyết 45 tùy theo họ thuộc diện nào. Các địa phương có thể căn cứ vào quy định cụ thể của các chính sách để thực hiện đúng quy định.
Các chính sách hỗ trợ người LĐ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết số 45 của HĐND tỉnh đang được triển khai gấp rút. Theo Sở LĐ-TB&XH, đến ngày 25.8, đã hỗ trợ tổng cộng hơn 848 triệu đồng cho 673 người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, trẻ em dưới 6 tuổi là con người LĐ, người điều trị Covid-19, cách ly y tế, viên chức nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch.
Ngoài ra, đã có 4 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc cho 121 LĐ, số tiền hơn 474 triệu đồng, 1 doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất với số tiền hơn 172 triệu đồng. Đối với Nghị quyết 45 của HĐND tỉnh, LĐ tự do đã được các địa phương thẩm định hồ sơ, giải quyết hỗ trợ là 429 người với số tiền hơn 835 triệu đồng. Toàn tỉnh đã có 2.696 người cách ly tập trung được hỗ trợ tiền ăn hơn 2,1 tỷ đồng.
Tháo gỡ từng vướng mắc
Theo ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm (Sở LĐ-TB&XH), việc thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 45 vẫn còn nhiều vướng mắc ở cơ sở, nên phải vừa làm vừa tháo gỡ khó khăn. Địa phương vẫn thực hiện chính sách theo quy định, cái nào đúng thì áp vào thực hiện trước, cái nào chưa rõ thì điện thoại trực tiếp để Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện.
Đối với những vướng mắc ngoài thẩm quyền của tỉnh thì sẽ tổng hợp, gửi đến Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị. Ví như chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ không có quy định cụ thể cho trường hợp doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo.
Hay như chính sách hỗ trợ người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương, đối với nhiều người LĐ không nghỉ việc liên tục 15 ngày mà làm việc luân phiên lại không được thụ hưởng chính sách, doanh nghiệp cũng không hưởng được cơ chế cho vay trả lương ngừng việc cho người LĐ.
Nhiều chủ sử dụng LĐ không tiếp cận được chính sách cho vay trả lương ngừng việc. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tiến hành khảo sát 2.744 doanh nghiệp, nhưng chỉ có 12 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho 458 LĐ, số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, đối với vướng mắc về quyết toán thuế, Chi cục Thuế đã tháo gỡ theo hướng giải quyết thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, để hồ sơ của họ được giải ngân kịp thời.
Nhưng đối với điều kiện vay vốn khi doanh nghiệp vướng nợ thì vẫn chưa thể tháo gỡ. Vì thế chi nhánh ngân hàng kiến nghị bỏ những điều kiện cho vay vốn như thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, sửa đổi điều kiện không có nợ xấu phát sinh từ năm 2019 trở về trước. Như vậy sẽ hợp lý hơn, bởi dịch kéo dài từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp ít nhiều sẽ dính nợ xấu.