Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách

DIỄM LỆ 21/04/2022 06:28

Toàn bộ 11 chính sách của Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đều được triển khai; trong đó, có 10/11 chính sách đã thực hiện hỗ trợ cho người lao động. Riêng chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động vẫn chưa thể thực hiện được.

Dù trong thực tế doanh nghiệp vẫn liên tục tuyển dụng và đào tạo lao động, nhưng quy định khó khăn nên doanh nghiệp ngại thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ từ chính sách. Ảnh: D.L
Dù trong thực tế doanh nghiệp vẫn liên tục tuyển dụng và đào tạo lao động, nhưng quy định khó khăn nên doanh nghiệp ngại thực hiện thủ tục nhận hỗ trợ từ chính sách. Ảnh: D.L

Vướng trong triển khai

Theo Sở LĐ-TB&XH, đến ngày 15.4, có 10/11 chính sách nêu tại Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 có hồ sơ được hỗ trợ. Cụ thể, có 6.022 doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh với 282.694 người lao động (LĐ) được hỗ trợ, kinh phí hơn 244,7 tỷ đồng; có 22.822 người được hỗ trợ thêm, kinh phí hơn 12,8 tỷ đồng.

Riêng chính sách hỗ trợ người sử dụng LĐ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ (gọi tắt là chính sách số 3) chưa có trường hợp hỗ trợ.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, đơn vị đã trực tiếp liên hệ, hướng dẫn một số công ty có quy mô lớn làm hồ sơ hưởng chính sách nhưng không DN nào đáp ứng đủ điều kiện về giảm doanh thu.

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Sở phối hợp với các ngành đã thực hiện truyền thông về chính sách này đến DN và người LĐ như tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, phát cẩm nang, phát hành các công văn về thực hiện chính sách...

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có DN nào gửi hồ sơ đề nghị được hỗ trợ từ chính sách này, bởi không dễ đáp ứng điều kiện quy định để được hỗ trợ. Điều kiện vướng là quy định “có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020”. Vì thế đến nay vẫn chưa có DN nào gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ”.

Ngoài ra, trong thời gian đầu, hầu hết DN tập trung phòng chống dịch, nhiều DN tạm đóng cửa, tạm dừng sản xuất nên chưa thực sự quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ.

Các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ có quy mô vừa và nhỏ, trong năm 2020, 2021 đều cho người LĐ tạm nghỉ việc và dừng hoạt động nên DN không đảm bảo điều kiện “đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người LĐ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên”.

DN lớn và DN FDI sử dụng nhiều LĐ chưa chủ động hoặc chưa thực sự quan tâm đến việc nhận hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người LĐ, ngại làm thủ tục, phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng phương án để nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, cơ sở đào tạo cũng chưa chủ động phối hợp với DN xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người LĐ.

Phải bám sát, hướng dẫn cụ thể

Trong cuộc làm việc với các sở, ngành, địa phương về thực hiện chính sách số 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng Quảng Nam với 9.000 DN, nhưng không có DN nào đáp ứng đủ điều kiện là điều vô lý.

Vì thế UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải quan tâm hơn nữa đến việc đưa chính sách tới cơ sở sản xuất, DN. Và cần xem lại khâu tổ chức thực hiện chính sách, vì sao chưa có DN nào tiếp cận hay họ chưa có thông tin, khó khăn chỗ nào, có thể tháo gỡ được hay không...

Ngày 30.6.2022 là hạn cuối hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, sau đó triển khai đào tạo và hỗ trợ DN, UBND tỉnh yêu cầu phải khẩn trương thực hiện, không để DN không tiếp cận được chính sách. Các sở, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ bám sát, khảo sát, hỗ trợ DN đủ điều kiện để thực hiện chính sách. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động phối hợp với cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng phương án đào tạo phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn giao Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương cùng giải quyết nhiệm vụ theo tinh thần tích cực, nỗ lực hết sức, với quyết tâm phải thực hiện được chính sách này.

Cần thiết, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh chủ trì, lắng nghe các DN và cơ sở đào tạo cùng ngồi lại, bàn bạc tháo gỡ khó khăn để thực hiện chính sách. Bởi đây là nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước dành cho DN, nên DN phải tiếp cận được với chính sách, có thêm nguồn lực khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19: Giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO