Hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng: Những mô hình hiệu quả

BẢO LÂM 18/08/2014 11:55

Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) cho người lầm lỗi luôn được các đơn vị, địa phương quan tâm, đặc biệt là Công an tỉnh. Nhiều nơi đã sáng tạo những mô hình hay trong công tác hỗ trợ THNCĐ, tạo ra điểm sáng trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Tuyên dương thanh thiếu niên tiến bộ trong buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Thành đoàn và Công an TP.Hội An với thanh thiếu niên lầm lỗi. Ảnh: Thành đoàn Hội An cung cấp
Tuyên dương thanh thiếu niên tiến bộ trong buổi gặp mặt giữa lãnh đạo Thành đoàn và Công an TP.Hội An với thanh thiếu niên lầm lỗi. Ảnh: Thành đoàn Hội An cung cấp

Việc Trại tạm giam Công an tỉnh tổ chức phát động cho phạm nhân đang chấp hành án viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” tuy không mới nhưng lại có ý nghĩa tốt trong cải tạo, giáo dục phạm nhân. Nhiều bức thư có nội dung xin lỗi chân thành, sâu sắc, bày tỏ sự ân hận, hối lỗi của phạm nhân. Phạm nhân T.D.N. ở Hiệp Đức chia sẻ: “Những ngày chấp hành án ở Trại tạm giam Công an tỉnh là những ngày u buồn nhất trong đời tôi. Tôi nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ đứa con trai đầu lòng chưa tròn 4 tháng tuổi mà cảm thấy ân hận với những gì mình đã làm. Giá như tôi không để xảy ra việc đó (gây thương tích cho người khác - NV) thì giờ đây tôi không phải như thế này. Tôi nghĩ mọi thứ đã sụp đổ nhưng nhờ sự tậm tâm của cán bộ quản giáo cùng sự động viên của gia đình nên tôi cố gắng cải tạo thật tốt...”. Sau đó phạm nhân N. do có nhiều tiến bộ trong thời gian cải tạo nên được khoan hồng và tha về trước thời hạn.

Bên cạnh mô hình “1 + 5” ở xã Duy Sơn (Duy Xuyên) triển khai khá hiệu quả (Báo Quảng Nam đã phản ánh), từ năm 2012 đến nay, mô hình “4 trách nhiệm” ở phường Thanh Hà (TP.Hội An) cũng được đánh giá cao. Theo mô hình này, một đối tượng đưa vào diện quản lý thì tùy hành vi vi phạm, giới tính, độ tuổi, lãnh đạo địa phương sẽ phân công trách nhiệm cho 4 ngành, đoàn thể (trong đó công an, khối phố là nòng cốt) cùng quản lý. Ông Nguyễn Kim Châu - Chủ tịch UBND phường Thanh Hà chia sẻ, khi nói đến việc cảm hóa người lầm lỗi, các ngành, đoàn thể thường cho đó là trách nhiệm của ngành công an nên đã ảnh hưởng đến việc giúp đỡ họ THNCĐ, vì bản thân những người lầm lỗi vốn mặc cảm, thiếu điều kiện tìm việc làm, dễ tái phạm. Vì thế, chính quyền địa phương đã nghiên cứu, đề xuất giải pháp này để cùng chung trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng tại địa phương.

Từ năm 2002 đến đầu năm 2014, toàn tỉnh có 5.056 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Trong số đó có 4.335 người có việc làm. Qua khảo sát, tỷ lệ tái phạm chiếm 13,2%, số tái phạm chủ yếu là đối tượng không có nghề nghiệp ổn định.

Để góp phần thực hiện tốt mô hình “4 trách nhiệm”, phường Thanh Hà đã thành lập ban chỉ đạo gồm 15 thành viên, ban hành quy chế làm cơ sở hoạt động lâu dài. Lãnh đạo địa phương xác định, đối tượng trong diện quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ không chỉ là những người mãn hạn tù trở về, mà còn có những người đang chấp hành án hình sự, áp dụng biện pháp tư pháp, những người đã bị xử lý có khả năng tái phạm và kể cả số thanh thiếu niên, học sinh bỏ học đi lang thang, có biểu hiện nghi vấn phạm tội... Qua 2 năm triển khai hoạt động, mô hình “4 trách nhiệm” đã quản lý, giáo dục, giúp đỡ 61 đối tượng, trong đó có 33 đối tượng tiến bộ, có nghề nghiệp ổn định.

Thành đoàn Hội An cũng có cách làm hay trong việc hỗ trợ các đối tượng THNCĐ bằng việc tham  mưu và tổ chức triển khai thực hiện công tác đối thoại giữa cấp ủy, lãnh đạo chính quyền địa phương với đối tượng có quá khứ lầm lỗi trên địa bàn.  Bí thư Thành đoàn Hội An - chị Trần Thị Cẩm Nhung nhớ lại: “Chúng tôi rất mừng khi thấy nhiều bạn trẻ đến với chương trình đối thoại. Đích thân Bí thư Thành ủy chủ trì, nghe các bạn giãi bày về hoàn cảnh, nêu lý do bỏ học, phạm pháp và đề xuất nguyện vọng với lãnh đạo thành phố. Nhiều câu chuyện của các bạn cho thấy các bạn còn non nớt trong suy nghĩ và thiếu nhận thức về pháp luật”. Thành đoàn Hội An đã tổ chức được 2 chương trình đối thoại như thế với sự tham gia của 157 thanh thiếu niên có quá khứ lầm lỗi hoặc có biểu hiện vi phạm pháp luật tham dự. Kết quả, có 95 thanh thiếu niên đăng ký học nghề, trong đó có 2 đối tượng được Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự thống nhất chủ trương hỗ trợ đất làm nhà và vay vốn sản xuất kinh doanh, 17 trường hợp được học nghề miễn phí.

Còn trong cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Thành đoàn và Công an Hội An với 50 thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy mới đây, nhiều bạn đã bộc bạch tâm tư, nguyện vọng của mình. Đa số bày tỏ vẫn còn mặc cảm và mong muốn cộng đồng xã hội đừng kỳ thị, đồng thời tạo điều kiện để họ quên đi quá khứ, làm lại từ đầu, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Anh D.P.H. chia sẻ về hoàn cảnh và quyết tâm cai nghiện của mình: “Khi vợ đưa con lên thăm, con gái hỏi tôi: “Hồi mô ba mới hết ở tù?”. Chính câu hỏi ngây ngô của con đã thôi thúc tôi có động lực để vượt qua...”.

Bằng tình thương và trách nhiệm của mình, nhiều địa phương, đơn vị đã có những mô hình, cách làm hay, giúp lối về của những đối tượng lầm lỗi bớt chông chênh...

BẢO LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng: Những mô hình hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO