Hỗ trợ nguồn lực vươn khơi: Cơ hội của "bạn" biển

MINH ĐỨC 19/07/2014 08:47

Nhiều ngư dân xem chính sách hỗ trợ nguồn vốn phát triển nghề đánh bắt xa bờ là cơ hội để “làm chủ” biển cả nhưng vẫn phân vân bởi thu nhập của nhiều nghề khơi hiện còn bấp bênh.

Người dân cho biết nghề câu mực khơi gặp khó khăn, khó phát triển đội tàu xa bờ. Ảnh: T.M
Người dân cho biết nghề câu mực khơi gặp khó khăn, khó phát triển đội tàu xa bờ.

Đóng tàu câu mực: bão hòa

Cảng cá Tam Giang (Núi Thành) những ngày qua lại tấp nập người và phương tiện. Nhiều tàu câu mực khơi đang tập trung về đây để tiêu thụ hải sản và chuẩn bị cho chuyến biển mới. Đây là chuyến thứ 3 trong năm của nghề câu mực khơi, ngư dân kỳ vọng sẽ có chuyến đánh bắt hiệu quả vì thời tiết đang thuận lợi. Ông Huỳnh Văn Kỳ (chủ tàu QNa-91719, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) đang rôm rả với các bạn câu về giá cả của mặt hàng mực xà, về chính sách hỗ trợ ngư dân vừa được ban hành và việc chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho chuyến biển mới… Ông cho biết chuyến vừa qua tàu thu được khoảng 20 tấn mực, hiện giá mực là 70 nghìn đồng/kg, chuyến này trừ tổn (chi phí cho chuyến biển) chủ tàu thu nhập gần 200 triệu đồng. “Thu nhập như thế là không ăn thua bởi đây là vụ chính, thời gian đánh bắt hơn 2 tháng trời, chi phí hao mòn tàu và máy móc chưa tính. Mỗi chuyến mà thu thế này thì chỉ đủ trả tiền ngân hàng” - ông Kỳ nói.

Năm 2012 ông Kỳ đầu tư đóng mới chiếc tàu mực khơi có công suất 925CV này, tổng vốn đầu tư cho phương tiện hơn 3 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Lộc (vợ ông Kỳ) cho biết, để có tiền đóng tàu, gia đình phải vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng, lãi suất 0,9%/năm, còn lại mượn bà con và hàng xóm. Sau 2 năm sản xuất, đến nay gia đình chưa thể trả được tiền gốc vay của ngân hàng, chỉ trả lãi hàng năm khoảng 150 triệu đồng. Do chi phí sản xuất tăng, giá bán hải sản bấp bênh cộng với lãi suất ngân hàng cao và tình trạng thiếu lao động nên hiệu quả khai thác thấp. Theo bà Lộc, ở đây khi đóng tàu không ai là không vay mượn, nhất là cách đây vài năm, giá mực xà lên cao, nhiều người đổ xô đầu tư sắm mới phương tiện trong khi nguồn vốn của gia đình thì hạn hẹp. “Nhiều người phải “bốc nóng” và mượn hết thu nhập của bạn câu để đáo hạn cho ngân hàng mới có thể vay tiếp và chuẩn bị “tổn phí” cho các chuyến biển. Nghề câu mực khơi chừ không còn thịnh như trước nữa, chỉ có vài chiếc “độc đắc” như tàu của anh em ông Lương Văn Cam nên chắc cũng ít người đóng thêm tàu dù Nhà nước có chính sách cho vay với mức cao và ưu đãi lãi suất. Ở Tam Giang, nghề câu mực làm ăn không ra, thiếu lao động thì đóng thêm tàu làm gì? Nếu Nhà nước hỗ trợ thì giúp chúng tôi giảm lãi suất các khoản vay trước đây để duy trì nghề này” – bà Lộc nói.  

Tam Giang hiện có 51 phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó có 37 tàu câu mực khơi. Vài năm trở lại đây, nhiều phương tiện câu mực khơi sản xuất kém hiệu quả, hoạt động cầm chừng và phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động ở mỗi chuyến biển. Theo ông Võ Trưởng (một “bạn” câu mực khơi của ông Kỳ), trên mỗi tàu câu mực “quy định” phải là 30 thúng, nếu chủ tìm không đủ người thì chi phí chuyến biển chia cho mỗi ngư dân sẽ tăng cao, thu nhập của họ sẽ thấp. Vì vậy, để thu hút lao động, chủ tàu nếu tìm không đủ bạn thì cũng chịu luôn phần chi phí chia đều này. Gần đây, nhiều chủ tàu ở Tam Giang thiếu trầm trọng nguồn lao động. Theo ông Phạm Văn Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, hiện có 2 phương tiện phải nằm bờ liên tục trong nhiều năm qua, chủ kêu bán tàu vì không có tiền trả nợ và thiếu vốn lẫn lao động để ra khơi. Ngoài ra có 4 phương tiện câu mực khơi chuyển nghề do làm ăn không hiệu quả. Ông Châu nói: “Khi nhận được thông tin Nhà nước sắp có chính sách cho vay ưu đãi với nguồn vốn lớn để đóng tàu sắt, vài ngư dân có đến hỏi, nhưng nhìn chung không khí cũng chưa “sôi động” lắm. Ngư dân làm nghề câu mực khơi thì ít nhu cầu đóng mới, trong khi đó họ chưa mạnh dạn đầu tư các nghề khác vì cho rằng hiệu quả chưa cao”.

Khát vọng làm chủ phương tiện

Khác với không khí có vẻ trầm lắng của ngư dân xã Tam Giang, chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vừa được Chính phủ ban hành được ngư dân xã Bình Minh (Thăng Bình) quan tâm đặc biệt. Theo ông Trương Công Bảy – Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Minh, những ngày qua có nhiều ngư dân địa phương đến tìm hiểu về chính sách mới này. Ngư dân xã Bình Minh đang có nhu cầu đóng mới tàu công suất lớn để khai thác các nghề mực khơi, lưới vây bùng nhùng, vây khơi, chụp mực… Hiện có 10 người đến đăng ký và tìm hiểu làm hồ sơ vay vốn đóng tàu sắt công suất từ 750 - 1.000CV, ngoài ra địa phương hiện có 3 phương tiện được xét duyệt cho vay từ 1 - 1,5 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh. “Nhu cầu thì có nhiều. Một số ngư dân có tàu gỗ cũ muốn cải hoán hoặc bán đi, đóng tàu mới. Cũng có một số nhóm ngư dân đi làm biển cho các địa phương khác như Tam Giang, Đà Nẵng, Quảng Ngãi muốn thành lập một tổ hợp tác vay vốn để đóng tàu mới. Đối với xã Bình Minh, chính sách này rất thiết thực, giúp phát triển các nghề khai thác khơi vốn là thế mạnh của địa phương” – ông Bảy nói.

Hiện xã Bình Minh có 26 phương tiện đánh bắt xa bờ, trong đó nghề câu mực khơi là 15 chiếc, còn lại hành nghề chụp mực khơi, lưới vây… Số phương tiện này giải quyết cho khoảng 200 lao động, trong khi đó hiện toàn xã có gần 800 lao động làm nghề xa bờ, lâu nay phải đi bạn cho các phương tiện ngoài tỉnh. Bình Minh được biết đến là địa phương có nhiều lao động khai thác khơi giàu kinh nghiệm. Ông Hồ Thanh Hưởng – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Minh cho biết, dù chính sách đã được ban hành nhưng chưa có hướng dẫn, tư vấn cụ thể nên mới chỉ có số ít ngư dân đến cơ quan chức năng để tìm hiểu. Ông Hưởng nói: “Nhu cầu vay vốn đóng tàu mới của địa phương hiện rất lớn. Nhiều anh em có ý định “ra riêng”. Ở đây bây giờ ngư dân làm ăn rất năng nổ, cạnh tranh nhau làm ăn, nhiều chủ tàu cũng có những chính sách thu hút lao động. Nghề câu mực khơi ở Tam Giang thiếu lao động cũng do một phần ngư dân ở Bình Minh rút về đây và chuyển đi đầu quân cho các phương tiện làm ăn hiệu quả. Bây giờ có chính sách này thì tôi nghĩ nhiều bạn biển dày dạn kinh nghiệm sẽ có cơ hội làm ông chủ”.

Loại tàu nào cho ngư dân?

Ưu đãi lớn nhất trong chính sách lần này là khoản hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu vỏ thép. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương và ngư dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn e ngại và có ý kiến trái chiều về loại phương tiện mới này.

Ông Phạm Văn Châu – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang: Tàu vỏ gỗ có nhiều nhược điểm khi khai thác mực khơi
Theo kinh nghiệm của ngư dân địa phương, tàu vỏ gỗ rất nhanh xuống cấp khi khai thác nghề câu mực khơi. Thứ nhất, vì tàu câu mực khơi phải làm giàn giáo quá nặng, kết cấu lại yếu nên qua nhiều năm tàu sẽ bị “bẻ” ra, kết cấu của phần mũi và phần lái lệch xuống, dễ gây hư hỏng. Thứ hai vì là ván gỗ nên lâu ngày dễ bị thấm nước, tàu nặng hơn, ma sát sẽ lớn hơn, nhưng được cái là tàu gỗ sẽ vững vàng do phần chìm dưới nước sâu hơn. Tàu vỏ thép thì sẽ “lắc” hơn nhưng có nhiều ưu điểm bởi các tính năng hiện đại hơn.
Ông Trần Văn Kỳ - chủ tàu QNa-91719, thôn Đông Xuân, xã Tam Giang: Sợ chi phí vận hành sẽ tăng cao

Nghề đánh bắt xa bờ mỗi ngày mỗi khó do giá bán hải sản thiếu ổn định và đặc biệt là chi phí nhiên liệu, nhu yếu phẩm tăng cao. Tàu vỏ thép có công suất lớn, các thiết bị lại tiêu tốn năng lượng nhiều hơn nên chúng tôi lo là chi phí chuyến biển sẽ tăng cao.

Với nghề câu mực khơi, tăng lượng thúng và bạn câu trên tàu thì chi phí sẽ giảm lại, nhưng tàu vỏ gỗ thì chật chội, lại thiếu linh hoạt. Tuy nhiên, nếu đưa tàu vỏ thép vào, có thể chở thêm được nhiều thúng nhưng lại dễ gặp rủi ro vì nếu có gió thì vớt thúng không kịp, hơn nữa bạn biển giờ thiếu người, đóng tàu thép cũng phí…

Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Minh: Ngành chức năng cần khảo sát, định hướng thật kỹ

Ngư dân địa phương lâu nay chỉ quen với tàu vỏ gỗ, nhiều người bày tỏ băn khoăn liệu tàu vỏ thép có thích ứng với các nghề khai thác trên biển; liệu việc “điều chỉnh” chi tiết trên tàu để phù hợp với từng nghề có gặp khó khăn hay không…? Ngư dân hỏi nhưng vì địa phương cũng chưa có “chuyên môn” nên không thể trả lời. Tôi nghĩ vì loại tàu này có sự tham gia nghiên cứu kỹ của các nhà khoa học nên có lẽ sẽ phù và linh hoạt với nhiều nghề và có nhiều ưu việt hơn, nhất là đảm bảo an toàn khi sản xuất. Vì vậy, ngành chức năng cần tìm hiểu, khảo sát thật kỹ trước khi tư vấn, định hướng cho ngư dân.

MINH ĐỨC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ nguồn lực vươn khơi: Cơ hội của "bạn" biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO