Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Chạy đua với thời gian

DIỄM LỆ 26/08/2013 08:26

Quyết định 22 (QĐ 22) của Thủ tướng Chính phủ ra đời là một cơ hội lớn đối với Quảng Nam trong việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công (NCC). Tuy nhiên, việc triển khai vào thời điểm gần cuối năm, khi mùa mưa bão đang đến rất gần, dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn đối với các địa phương.

Nhà bà Nguyễn Thị Hữu (thương binh, thân nhân liệt sĩ, ở huyện Tiên Phước) sẽ được hỗ trợ xây mới trong năm 2013.Ảnh: D.LỆ
Nhà bà Nguyễn Thị Hữu (thương binh, thân nhân liệt sĩ, ở huyện Tiên Phước) sẽ được hỗ trợ xây mới trong năm 2013.Ảnh: D.LỆ

Hỗ trợ theo hướng ưu tiên

Khi QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành vào ngày 15.6.2013, UBND tỉnh tiến hành ngay các cuộc họp triển khai thực hiện. Đến 23.8, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác tuyên truyền chính sách đến với người dân, thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QĐ 22, bình xét và chọn đối tượng NCC được hỗ trợ trong năm 2013 - 2014. Ông Lê Sáu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, lo lắng: “NCC được hỗ trợ theo QĐ 22 mở rộng hơn nhiều so với đề án của tỉnh, nên số lượng nhà cần hỗ trợ phát sinh lớn. Bên cạnh đó, bây giờ đang vào những tháng cuối năm nên chắc chắn sẽ khó khăn nhiều. Sở đã quán triệt, động viên anh em trong ngành ở các huyện, thành phố cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Theo số liệu khảo sát mới nhất từ các địa phương báo cáo UBND tỉnh, tổng số hộ NCC cần hỗ trợ cải thiện nhà ở trong năm 2013 là 7.756 hộ, tổng kinh phí hơn 211 tỷ đồng (chưa tính Nam Trà My và Nông Sơn). Đến đầu tháng 9.2013, đề án cấp tỉnh sẽ được phê duyệt để báo cáo lên Trung ương phân bổ kinh phí thực hiện. Như vậy, Quảng Nam chỉ có thể bắt tay vào hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC vào quý IV năm 2013.

Trong cuộc họp giao ban do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tuần qua, huyện Nam Trà My chưa có danh sách nên đã bị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nghiêm khắc phê bình, yêu cầu phải có danh sách trước 31.8, nếu không UBND tỉnh sẽ phê duyệt danh sách toàn tỉnh mà không thể đợi Nam Trà My, sẽ làm chậm tiến độ chung.

Vì số lượng nhà cần hỗ trợ quá lớn, nên Quảng Nam đã xác định sẽ hỗ trợ theo hướng ưu tiên cho 5.627 hộ đã được UBND tỉnh phê duyệt trong đề án cũ (2011 - 2015) nhưng chưa được hỗ trợ trong các năm 2011, 2012. Thứ tự ưu tiên tiếp theo sẽ là hộ NCC nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng, hộ NCC cao tuổi, dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn, thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Đến thời điểm này, Sở Xây dựng đã hoàn thiện thiết kế 3 mẫu nhà điển hình, có dự toán kinh phí sơ bộ gửi cho các địa phương. Sở đang tiếp tục hoàn thành 2 mẫu nhà ở miền núi, đến cuối tháng 8 sẽ có mẫu gửi về các địa phương tham khảo thực hiện. Dù theo mẫu nhà xây hay nhà sàn thì cũng phải đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) theo quy định của Bộ Xây dựng mới được thanh quyết toán”.

Chạy nước rút

Tại cuộc họp giao ban cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa yêu cầu, vừa động viên các địa phương cố gắng hết sức. Trong thời gian chờ UBND tỉnh phê duyệt đề án, ứng nguồn kinh phí từ Trung ương, các địa phương có trường hợp NCC quá bức xúc về nhà ở mà đúng đối tượng, đúng điều kiện thì cho ứng kinh phí làm trước, sau đó sẽ hoàn trả. Nếu Trung ương chậm phân bổ kinh phí, tỉnh sẽ cho ứng trước 10% phần kinh phí của tỉnh, và thêm một phần của Trung ương cho các địa phương thực hiện.

Tuy nhiên, lãnh đạo các huyện, thành phố ở đồng bằng đều bày tỏ lo lắng khi mùa mưa bão tới gần. Ông Phạm Văn Quyện - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành nói: “Lần này số nhà cần hỗ trợ tăng cao mà thời gian còn lại ít quá, sẽ rất khó khăn cho địa phương. Phần huyện sẽ cố gắng hết sức, nhưng tỉnh cần phải ứng kinh phí cho huyện thực hiện ngay trong tháng 9, nếu không sẽ không kịp”. Ngoài ra, các huyện Núi Thành, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Điện Bàn còn gặp phải khó khăn nữa là một số hộ NCC thuộc diện được hỗ trợ nhà ở nằm trong vùng quy hoạch nên không biết triển khai bằng cách nào. Với các huyện miền núi, ngoài lo lắng mưa bão, thời gian ngắn, còn nỗi băn khoăn lớn là vấp quy định không cho phép khai thác gỗ để làm nhà. Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang chia sẻ: “Đối với các huyện miền núi, nếu không cho phép khai thác gỗ làm nhà thì thật khó đối với đồng bào. Ở các xã biên giới, vào mùa nắng đã khó đi, mùa mưa càng khó đi hơn nên việc vận chuyển nguyên vật liệu làm nhà rất khó, giá thành làm nhà sẽ đội lên. Nếu thực hiện đúng quy định, e rằng miền núi khó hoàn thành đúng tiến độ”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các địa phương có trường hợp NCC cần hỗ trợ cải thiện nhà ở nhưng nằm trong vùng quy hoạch lập danh sách báo cáo UBND tỉnh để làm việc với chủ đầu tư bàn cách tháo gỡ. Đối với miền núi, UBND tỉnh thống nhất chỉ cho phép tận dụng gỗ tận thu nếu có. Các địa phương phải cùng với tỉnh quyết tâm thực hiện để NCC có nhà mới trước Tết Nguyên đán 2014.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ nhà ở cho người có công: Chạy đua với thời gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO