Từ nhiều cơ chế hỗ trợ trong chăn nuôi, huyện Hiệp Đức đang đẩy mạnh phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Mô hình nuôi heo sạch
Năm 2011, Hiệp Đức triển khai đề án nuôi heo hướng nạc kết hợp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi với kinh phí 60 triệu đồng. Ban đầu địa phương hỗ trợ heo giống cho 4 hộ dân ở xã Hiệp Thuận, Quế Lưu và Bình Sơn. Đồng thời hỗ trợ 50% kinh phí để xây dựng hầm khí biogas nhằm thực hiện mô hình nuôi heo sạch. Sau một năm triển khai, mô hình bước đầu cho hiệu quả khả quan, địa phương tiếp tục nhân rộng cho 5 hộ tại các xã để người dân được hưởng lợi. Đến nay mô hình nuôi heo hướng nạc đã được rất nhiều người dân hưởng ứng, tạo nguồn thu nhập khá bền vững. Ông Phan Nghị, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Hiệp Đức cho biết, triển khai mô hình nuôi heo hướng nạc thực sự đã giúp nông dân hưởng lợi từ chăn nuôi. Heo hướng nạc tăng trọng nhanh và có giá thành cao. Trại heo luôn giữ được sạch sẽ nhờ hệ thống hầm khí biogas. “Hiệp Đức đang phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình nuôi heo sạch được người dân rất quan tâm, hiện chúng tôi đã hỗ trợ được hơn 40 hầm khí biogas và tiếp tục xin kinh phí để lắp đặt thêm. Ngoài ra địa phương còn hỗ trợ chuồng đẻ cho heo sinh sản, tiêm phòng và hướng người dân liên kết với thị trường” - ông Nghị nói.
Đàn bò lai nhanh chóng được nhân rộng để người dân hưởng lợi. Ảnh: D.T |
Sau gần 3 năm triển khai mô hình, trang trại nuôi heo Hiền Khanh (ở thôn 1, xã Quế Lưu, Hiệp Đức) đã xuất bán hàng trăm con heo với trọng lượng khoảng 1,1 tạ/con. Hiện nay trang trại đang nuôi gần 68 con heo thịt và 7 heo nái sinh sản. Chị Nguyễn Thị Duy Khánh, chủ trang trại cho biết rất mừng khi được Nhà nước hỗ trợ giống heo. Cùng với số tiền hỗ trợ xây dựng hệ thống biogas là 21 triệu đồng, chị mạnh dạn vay thêm 38 triệu đồng để phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn. “Heo con sau 20 ngày cai sữa, nuôi thêm 4 tháng nữa là có thể xuất chuồng được. Giá heo hơi hiện nay dao động khoảng 50 nghìn đồng/kg, thường cao hơn khoảng 10 nghìn đồng so với heo thường. Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, trừ hết chi phí gia đình tôi lãi tầm 90 triệu đồng từ trang trại nuôi heo” - chị Khánh chia sẻ.
Phát triển đàn bò lai
Những năm gần đây, số lượng bò lai ở huyện Hiệp Đức tăng nhanh chóng với gần 8 nghìn con, chiếm 77,9% so với tổng đàn bò. Ông Phan Phước Nhường (thôn Linh Kiều, xã Hiệp Hòa, Hiệp Đức) cho biết, hiện nay ông đang duy trì nuôi 32 con bò lai, loại bò này ăn khỏe và lớn nhanh, bê con sinh ra khoảng 2 tháng là có thể bán khoảng 3 triệu đồng, nuôi khoảng 1 năm là có giá 15 - 20 triệu đồng. “Trên trang trại rộng 10ha, tôi mở rộng trồng cỏ và xây dựng chuồng trại nuôi bò giúp gia đình nâng cao thu nhập. Việc nuôi bò lai cần được nhân rộng, không có vật nuôi gì cho lợi nhuận như đầu tư nuôi bò lai” - ông Nhường khẳng định.
Đàn bò lai hiện phát triển mạnh nhất tại xã Quế Thọ với hơn 1.300 con. Người dân đã thay thế những con bò cỏ thấp bé bằng giống bò lai đặc chủng. Ông Nguyễn Mậu Hẹn – Chủ tịch UBND xã Quế Thọ cho biết, phát triển đàn bò lai và kinh tế rừng là định hướng chủ lực để tạo thu nhập cho người dân, nhờ đó mà xã điểm Quế Thọ nhanh chóng hoàn thành tiêu chí thu nhập trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. “Hiện đàn bò lai phát triển nhanh chứng tỏ người dân đã ý thức được hiệu quả kinh tế của loại vật nuôi này. Những thôn như Cẩm Tú, Hóa Trung không có điều kiện phát triển nông nghiệp thì chúng tôi ưu tiên tập trung chăn nuôi bò lai làm thế mạnh. Khuyến khích không trồng lúa ở nơi thiếu nước tưới mà chuyển sang trồng cỏ để người dân tăng số lượng bò, nhằm tạo ra sức bật về kinh tế. Đồng thời đội thú y địa phương luôn đảm bảo công tác tiêm và phòng tránh dịch bệnh xảy ra” - ông Hẹn nói.
Để tăng cường phát triển mô hình bò lai trên địa bàn, từ năm 2005 huyện Hiệp Đức đã thành lập “đội dẫn tinh” đào tạo cho 39 người tham gia, hiện nay đội còn duy trì 10 thành viên hỗ trợ công tác phối tinh bò lai được người dân rất hoan nghênh. Chi phí cho việc phối tinh sẽ được hỗ trợ 100%, tương đương với 250 nghìn đồng gồm tinh giống, dụng cụ phối tinh và tiền công. Bên cạnh đó địa phương còn hỗ trợ đưa giống cỏ mới VA06 về trồng, hỗ trợ máy thái cỏ để bà con trộn lẫn với cám, chuối nhằm vỗ béo cho bò. Ngoài ra theo Quyết định 346 năm 2014 của huyện Hiệp Đức sẽ hỗ trợ cho bò sinh sản đẻ ra bò cái là 200 nghìn đồng/con nhằm duy trì và phát triển đàn bò lai một cách bền vững.
DUY THÁI