Thời gian qua, chương trình hỗ trợ nguồn vốn, cây con giống đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân huyện Nông Sơn có điều kiện phát triển kinh tế.
Mô hình vườn - ao của ông Huân cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm. |
Vài năm trở lại đây, gia đình ông Hồ Trần Huân (thôn Trung Nam, xã Quế Trung) còn nguồn thu ổn định từ mô hình vườn - ao. Ông cho biết trước đây gia đình có đào ao rộng 600m² để nuôi các loại cá như rô phi, cá chép, trắm cỏ..., nhưng không cho hiệu quả kinh tế bao nhiêu. Năm 2013, từ chương trình khoa học công nghệ của huyện, ông được hướng dẫn phát triển mô hình kinh tế vườn - ao, đồng thời được hỗ trợ máy xay bột cho cá trị giá 10 triệu đồng và các loại cá giống. Từ đó, ông mở rộng diện tích mặt ao của gia đình lên 3.500m2² với ba ao nhỏ, nuôi thêm vịt đẻ trứng. Mỗi năm, ông Huân nuôi ba lứa cá và duy trì khoảng 100 vịt đẻ trứng. Thu hoạch từ cá và trứng vịt mỗi năm khoảng 150 triệu đồng.
Năm 2017, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây sen, ông Huân đã thử nghiệm trồng sen trên ao rộng 600m². Tháng 6.2018, cây sen cho thu hoạch lứa đầu tiên, trong hai tháng đầu với mức giá dao động 30 – 35 nghìn đồng/kg hạt sen chưa lột vỏ, gia đình ông Huân đã thu được 3 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, tháng 6.2018, ông đã mạnh dạn đăng ký nuôi thử nghiệm mô hình cá chình bông thương phẩm trong ao đất từ chương trình khoa học công nghệ của huyện. Đến nay, cá chình bông sinh trưởng tốt, hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao. “Trước đây, việc chăn nuôi của gia đình còn nhỏ lẻ, manh mún, không mang lại lợi nhuận cao. Sau khi được hỗ trợ nguồn vốn và khoa học kỹ thuật, gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình vườn - ao. Đến nay, mô hình này đã cho thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu địa phương, có thể được nhân rộng” - ông Huân chia sẻ thêm.
Từ các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, không riêng gì ông Huân, nhiều hộ dân trên địa bàn Nông Sơn cũng tìm được mô hình kinh tế phù hợp để phát triển. Theo Phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, từ năm 2011 đến nay, địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ 40,8 tỷ đồng thực hiện cơ chế, chính sách phát triển sản xuất. Trong đó nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới (2011 - 2016) là 2,3 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ các mô hình kinh tế như nuôi bò sinh sản, nuôi heo móng cái, hỗ trợ giống bưởi trụ Đại Bình, giống tiêu Tiên Phước, mua máy phục vụ sản xuất, mô hình cánh đồng kỹ thuật, giống lúa, rau sạch, mô hình cải tạo vườn tạp... Ông Nguyễn Đình Sử - Phó phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn cho biết: “Các mô hình hỗ trợ được nghiên cứu kỹ càng để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân”.
TÂM LÊ - MINH THÔNG