Hỗ trợ nông dân phát triển vườn cây ăn quả

HOÀNG LIÊN 01/04/2013 08:39

Ba năm qua, được sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, phần lớn diện tích vườn tạp tại nhiều xã trên địa bàn huyện được cải tạo, chuyển sang trồng cây ăn quả, trong đó, nhiều mô hình đã bắt đầu cho “quả đầu mùa”.

Nhiều người dân đã cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả. Ảnh: B.L
Nhiều người dân đã cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng cây ăn quả. Ảnh: B.L

Đại Lộc có diện tích vườn tạp ở mức lớn, khoảng 1.837,3ha, vốn là số diện tích vườn ít đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thực hiện phong trào xóa bỏ vườn tạp, giúp bà con ổn định kinh tế từ những thửa vườn, 3 năm qua (2010-2012), Phòng NN&PTNT huyện đã tích cực hỗ trợ, vận động chính quyền và người dân tại nhiều địa phương cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng cây ăn quả. Theo đó, huyện hỗ trợ 100% cây giống ăn quả và 100% chi phí phân bón suốt những năm đầu đối với những mô hình/hộ dân thực hiện trồng thí điểm. Đến nay, đã có 5 xã gồm Đại Hưng, Đại Quang, Đại Thạnh, Đại Thắng và Đại Tân tham gia phong trào với 1.243,8ha vườn được cải tạo, bà con đã mạnh dạn đưa vào trồng nhiều loại cây vốn cho năng suất cao như mít ruột đỏ, mít Thái Lan, bưởi da xanh, bưởi 5 roi, chôm chôm, ổi không hạt, lòn bon Thái… Ông Nguyễn Vũ Liễu - Trưởng thôn Thái Sơn (Đại Hưng) cho biết: “Được sự hỗ trợ từ địa phương, cả thôn có khoảng 30 hộ trồng mít ghép Thái Lan, trồng bưởi, chôm chôm, ổi không hạt… Đến nay, đa số các vườn chưa thu hoạch trái nên bà con nơi đây hết sức phấn khởi. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, địa phương lại có Khu du lịch suối nước nóng Thái Sơn, giao thông thuận lợi từ khi có cây cầu bắc qua làng, việc hình thành làng quê du lịch sinh thái miệt vườn là điều khả thi”.

Ông Bùi Đình Bảo - cán bộ phụ trách kinh tế vườn Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc chia sẻ, thời gian đầu, cán bộ làm vườn luôn gặp khó khăn trong khâu vận động cải tạo vườn tạp bởi tâm lý bà con vốn đã quen với việc trồng những loại cây truyền thống, việc chặt bỏ những loại cây trên mà họ từng đổ mồ hôi không hề đơn giản. Thế nhưng, gần đây thấy một số hộ trồng điển hình có kết quả khả quan, bà con bắt đầu chú trọng trồng cây ăn quả và chăm sóc kỹ lưỡng, nhờ vậy, số lượng và chất lượng mô hình thí điểm không ngừng tăng lên so với giai đoạn 2010 - 2011. “Theo ghi nhận, tại các vườn đồi, đa số các loại cây ăn quả phát triển tốt, tỷ lệ sống 90 - 95%, duy chỉ cây lòn bon Thái là khó trồng, toàn huyện chỉ có 2ha trồng thí nghiệm nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 40%” - ông Bảo thông tin.

Vẫn còn sớm để có thể đánh giá hiệu quả từ chương trình, nhưng rõ ràng chủ trương cải tạo vườn tạp, cải tạo đất gò đồi để trồng cây ăn quả thể hiện nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Đại Lộc.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ nông dân phát triển vườn cây ăn quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO