Mới đây, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt mức hỗ trợ gần 2 tỷ đồng đối với 19 dự án nuôi cá trong lồng bè thương phẩm tại các huyện trên địa bàn tỉnh.
Hơn 3 năm qua, 16 hộ dân nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) đã phải chạy đôn chạy đáo hoàn thiện thủ tục, hồ sơ gửi các ngành chức năng huyện, tỉnh để tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ theo Cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, các hộ này đã không tiếp cận được cơ chế hỗ trợ. Mới đây, khi nhận được thông tin UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ với mức 100 triệu đồng/hộ, 16 hộ dân đã vui mừng khôn xiết. “Chúng tôi hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, rất khó huy động vốn để đầu tư lồng bè nuôi cá trong lòng hồ. Hơn 3 năm qua, cứ ngỡ sau khi vay vốn đầu tư lồng bè nuôi cá xong sẽ được các cơ quan Nhà nước thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ nhưng thất bại. Nay đã được UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ 100 triệu đồng/dự án, chúng tôi rất phấn khởi” - anh Trần Thanh Tuân (xã Trà Sơn, Bắc Trà My) nói.
Theo ông Nguyễn Hữu Trường - Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam), trước đây các hộ dân ở huyện Bắc Trà My chưa được hỗ trợ theo cơ chế là do họ đã tự ý đầu tư lồng bè nuôi cá mà chưa đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nên Sở Kế hoạch - Đầu tư và Sở Tài chính không tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ theo cơ chế. Sau vướng mắc đó, các cơ quan trực thuộc Sở NN&PTNT đã hướng dẫn các hộ dân thực hiện thủ tục xin phép UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư nuôi cá trong lồng bè nên đến nay đã tháo gỡ vướng mắc. Ông Nguyễn Hữu Trường cho biết, ngoài 16 hộ dân nuôi cá ở lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, còn có 2 hộ của huyện Núi Thành và 1 hộ ở huyện Phước Sơn cũng được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ theo cơ chế. Đến nay, Chi cục Thủy sản Quảng Nam đã có hướng dẫn chi tiết để các địa phương trợ giúp các hộ nuôi cá hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để nhận giải ngân hỗ trợ theo quy định. “Các hộ dân nuôi cá muốn được hỗ trợ nhất thiết phải nuôi đúng quy hoạch. Thiết bị, công trình phụ trợ phải đảm bảo theo quy trình kỹ thuật. Nuôi cá trong lồng bè phải đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các nông hộ phải ghi chép, lữu trữ hồ sơ và kê khai sản lượng thu hoạch cá” - ông Trường nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, hồ sơ, thủ tục để được nhận hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè của UBND tỉnh khá đơn giản. Ngành thủy sản đã gửi các mẫu văn bản về địa phương và phối hợp với các huyện để giúp đỡ các nông hộ ghi lại đầy đủ thông tin theo mẫu. “Hỗ trợ nuôi cá trong lồng bè là cách khuyến khích người dân sản xuất, khai thông, phát huy lợi thế, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào vùng cao” - bà Tâm cho hay. Ông Khương Đình Thương - cán bộ phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, trong 2 ngày 10 và 11.12 đơn vị đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Quảng Nam phổ biến, hướng dẫn các hộ nuôi cá trong lồng bè ở hồ thủy điện Sông Tranh 2 thực hiện hồ sơ thủ tục để có thể nhanh chóng nhận hỗ trợ theo cơ chế.
Được biết, Cơ chế khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh ban hành vào năm 2016 sau khi HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy sản Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong phạm vi nuôi cá trong lồng bè, cơ chế sẽ hỗ trợ 1 lần đối với các hộ đóng mới lồng bè nuôi cá, có quy mô từ 6 lồng trở lên. Mỗi lồng phải có thể tích ngập nước tối thiểu 60m3, vật liệu làm lồng bằng khung kim loại, khung nhựa hoặc khung gỗ, có lớp lưới ny lon xung quanh (lưới không gút), 1 lưới thức ăn sâu 1,5m, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích từ 200 lít trở lên hoặc các phao khác phù hợp. Mức hỗ trợ 15 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 150 triệu đồng/hộ. Với quy cách lồng như trên, nếu lồng nuôi cá bằng lưới có gút sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng, tối đa không quá 100 triệu đồng/hộ.