Hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn: Nhiều vướng mắc khi xây dựng chính sách

NGUYỄN SỰ 03/06/2022 09:55

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu xây dựng nhiều dự thảo đề án nhằm hỗ trợ người dân ở những vùng khó khăn phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội và đặc biệt là tạo đòn bẩy thúc đẩy lĩnh vực “tam nông” chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp, trong quá trình xây dựng các dự thảo đề án đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo ngành chức năng, ngân sách tỉnh không đủ đảm bảo thực hiện nếu đề án về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025” được ban hành. Ảnh: N.S
Theo ngành chức năng, ngân sách tỉnh không đủ đảm bảo thực hiện nếu đề án về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025” được ban hành. Ảnh: N.S

Lặp chính sách

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đơn vị đang được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo đề án “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội đối với các địa phương vừa ra khỏi xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo Quyết định số 861 (ngày 4.6.2021) của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam có 9 xã khu vực III không còn nằm trong danh sách xã đặc biệt khó khăn, gồm: Quế Lộc, Sơn Viên, Quế Trung, Ninh Phước, Phước Ninh, Quế Lâm (Nông Sơn); Đại Sơn, Đại Tân (Đại Lộc) và Bình Sơn (Hiệp Đức). Như vậy, nếu xây dựng đề án thì chỉ gói gọn trong phạm vi 9 xã nêu trên.

Theo yêu cầu của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đã giao Chi cục Phát triển nông thôn khảo sát thực tế, tham mưu xây dựng đề án về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2026”. Tuy nhiên, Sở NN&PTN vẫn còn phải chờ Chính phủ ban hành nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp mới có thể hoàn chỉnh dự thảo đề án, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét.

Trong 9 địa phương ra khỏi xã đặc biệt khó khăn này, xã Quế Trung đang hoàn thiện đề án để trình cấp có thẩm quyền công nhận thị trấn, các xã Quế Lộc, Sơn Viên, Phước Ninh, Bình Sơn đã đạt chuẩn NTM, số địa phương còn lại nằm trong danh sách xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025 tại Thông báo số 14 (ngày 18.1.2021) của UBND tỉnh nên đều thuộc đối tượng ưu tiên hỗ trợ nguồn lực từ Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025.

“Theo dự thảo đề án hỗ trợ thực hiện Chương trình NTM giai đoạn 2021 - 2025 đã trình Tỉnh ủy tại Hội nghị lần thứ 5, giai đoạn 2021 - 2025, đối với xã đạt chuẩn NTM được ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ ít nhất 5 tỷ đồng/xã; đối với xã phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 17 - 18 tỷ đồng/xã, bao gồm kinh phí sự nghiệp” - ông Noa nói.

Ông Trần Văn Noa cho biết thêm, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cơ chế, chính sách của đề án “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội đối với các địa phương vừa ra khỏi xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ” tập trung vào nội dung chính là hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong khi đó, thời gian qua HĐND tỉnh đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Và cả 9 xã nêu trên đều thuộc đối tượng được hỗ trợ từ các cơ chế, chính sách mà HĐND tỉnh đã ban hành, nhiều nghị quyết vẫn còn hiệu lực thi hành.

Các địa phương cần vận dụng những cơ chế hỗ trợ đã ban hành để đầu tư xây dựng các mô hình trồng dâu, nuôi tằm gắn với phát triển du lịch. Ảnh: N.S
Các địa phương cần vận dụng những cơ chế hỗ trợ đã ban hành để đầu tư xây dựng các mô hình trồng dâu, nuôi tằm gắn với phát triển du lịch. Ảnh: N.S

Mặt khác, theo chủ trương của Trung ương và của tỉnh, hiện nay việc hỗ trợ phát triển sản xuất chủ yếu thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị; hạn chế hỗ trợ mô hình nhỏ, hiệu quả không cao như các giai đoạn trước.

Đối với nội dung hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất của 3 chương trình mục tiêu quốc gia lớn là xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi đều có nên tỉnh có thể lồng ghép để hỗ trợ cho 9 xã này.

Từ thực tế trên, theo Sở NN&PTNT, trong khi nguồn lực ngân sách của tỉnh có hạn, việc xây dựng đề án “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội đối với các địa phương vừa ra khỏi xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ” trong giai đoạn hiện nay là chưa cần thiết.

Thay vào đó, Sở NN&PTN kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành và chính quyền các địa phương ưu tiên lồng ghép cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ người dân ở 9 xã vừa ra khỏi xã đặc biệt khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập.

Khó khăn nguồn lực tài chính

Hiện nay, Sở NN&PTNT cũng được UBND tỉnh giao tham mưu xây dựng đề án và dự thảo nghị quyết về “Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025”.

Trong Công văn số 1040 (ngày 29.4.2022) gửi Sở NN&PTNT về việc góp ý dự thảo nghị quyết của đề án trên, Sở Tài chính cho rằng, tại dự thảo nghị quyết có dự kiến nhu cầu vốn thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách tỉnh hơn 102,5 tỷ đồng, bình quân hơn 25 tỷ đồng/năm là vượt khả năng cân đối của ngân sách tỉnh nên Sở Tài chính không thể tham mưu để bố trí vốn thực hiện chương trình này.

Ảnh: N.S
Ảnh: N.S

Lý do được đưa ra là, từ năm 2022 - 2025, ngân sách tỉnh phải dành nguồn lực rất lớn để bố trí đối ứng cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đến nay đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết an sinh xã hội...

Theo đó, ngân sách tỉnh, huyện cũng phải bố trí nguồn lực rất lớn để đảm bảo thực hiện. Vì vậy, Sở Tài chính đề nghị Sở NN&PTNT rà soát chi tiết, lựa chọn những chính sách thiết thực để tham mưu xây dựng đề án này. Đồng thời, tăng cường lồng ghép từ các nguồn vốn khác theo đúng quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ.

Đối với dự thảo đề án “Trồng dâu, nuôi tằm gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025” đang xây dựng, bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật cho rằng, đề án này cần nguồn kinh phí khá lớn.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở Tài chính, nguồn lực ngân sách tỉnh không đủ để thực hiện nếu đề án được ban hành. Do đó, Sở NN&PTNT đề xuất, trước mắt các địa phương cần vận dụng những cơ chế, chính sách hỗ trợ đã ban hành để đầu tư xây dựng các mô hình trồng dâu, nuôi tằm gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

“Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ để phát triển trồng dâu nuôi tằm gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị”. Sau khi đề tài kết thúc, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kỹ thuật, nhân rộng mô hình trồng dâu nuôi tằm tại các địa phương” - bà Sương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn: Nhiều vướng mắc khi xây dựng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO