Từ những vướng mắc trong việc triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư cho đồng bào miền núi theo Nghị quyết 12/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (gọi tắt là Nghị quyết 12), nhiều nội dung cần thiết đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các địa phương.
Việc sửa đổi, bổ sung các nội dung chưa phù hợp về hỗ trợ sắp xếp dân cư tạo cơ hội giúp đồng bào miền núi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống. TRONG ẢNH: Một góc làng tái định cư đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN |
Người dân hưởng lợi
Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay, đến cuối tháng 7.2018, ngân sách tỉnh đã bố trí gần 146 tỷ đồng thực hiện cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư với tổng vốn đã giải ngân hơn 81,2 tỷ đồng, giúp triển khai cho 1.959 hộ dân được hưởng lợi, ước đạt 78%. Đến nay, nhiều địa phương như Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang… với cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác di dời, bố trí dân cư theo hướng lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn, giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp các dự án dân sinh ý nghĩa. Nhờ vậy, ngày càng có thêm nhiều hộ dân đăng ký tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ về sắp xếp ổn định dân cư miền núi. Qua đó, khẳng định vai trò chủ thể của đồng bào trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp dân cư, tạo chuyển biến mạnh mẽ và làm thay đổi quan điểm, nhận thức của họ về công tác sắp xếp bố trí dân cư ở miền núi theo cơ chế Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. “Đặc biệt, từ nguồn vốn Nghị quyết 12 đã hỗ trợ di dời khẩn cấp cho 144 hộ dân tại thôn 2 và thôn 3 (xã Trà Vân, Nam Trà My) bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 12 vào cuối năm 2017, giúp ổn định đời sống người dân, cũng như giải quyết được những khó khăn trong thời điểm cấp bách tại địa phương” - ông Thanh cho biết.
Theo quy định của Nghị quyết 12, mỗi hộ dân trong diện hưởng lợi từ cơ chế được hỗ trợ tối đa 80 triệu đồng (bao gồm hỗ trợ về di chuyển nhà ở, san lấp nền nhà, nước sinh hoạt, đường giao thông, đất sản xuất) và tối thiểu 200m2 đất ở. Điều đó, hoàn toàn phù hợp với chiến lược ổn định dân cư miền núi, nhất là các hộ dân có nhu cầu di dời khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Chủ trương này cũng được xem là cơ hội để đồng bào miền núi hạn chế rủi ro thiên tai, tạo điều kiện tiếp cận các công trình hạ tầng thiết yếu, giúp vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bền vững.
Sửa đổi cơ chế
Qua rà soát, giai đoạn 2017 - 2020, nhu cầu sắp xếp ổn định dân cư tại các huyện miền núi Quảng Nam khoảng 12.500 hộ (trong đó có khoảng 10.870 hộ cần sắp xếp di dời chỗ ở và khoảng 1.630 hộ cần sắp xếp di dời chỉnh trang tại chỗ), với tổng nhu cầu nguồn vốn thực hiện 420 tỷ đồng. Trong điều kiện có hạn, tỉnh định hướng trong thời gian tới các địa phương chỉ ưu tiên việc thực hiện theo hình thức xen ghép cho các hộ bị ảnh hưởng thiên tai, sống ở vùng có điều kiện khó khăn và cần thiết phải di dời sắp xếp bố trí lại. |
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 12, mặc dù công tác sắp xếp ổn định dân cư miền núi đã có bước chuyển tích cực, song vẫn còn gặp một số trở ngại, vướng mắc cần được kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện thực tế ở các địa phương miền núi, nhất là về quy định diện tích đất ở, đất sản xuất, đường dân sinh và điện sinh hoạt. Ông Chơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang cho rằng, cùng với việc hỗ trợ nguồn vốn, đất đai để ổn định dân cư cho đồng bào miền núi, tỉnh cũng nên xem xét làm thế nào cho phù hợp, giúp người dân thuộc diện bắt buộc phải di dời hoặc có nhu cầu về nhà mới có số gỗ để làm nhà. Bởi đặc thù miền núi, nguyên liệu dựng nhà ở, nhà truyền thống hoàn toàn được làm bằng gỗ. “Dù biết là khó, nhưng nếu không có sự điều chỉnh linh hoạt, việc triển khai các nội dung về nhà ở sẽ rất khó khăn, thậm chí khó có thể thực hiện được” - ông Nhiên nói.
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa IX, diễn ra vào cuối tháng 9 vừa qua, trên cơ sở những vướng mắc được ghi nhận và qua thảo luận, các đại biểu đã thống nhất với đề án sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị quyết 12 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, tập trung vào cơ chế hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư miền núi, cụ thể là tăng chỉ tiêu số hộ được sắp xếp chỗ ở và ổn định sản xuất đến năm 2020 từ 2.500 hộ lên 5.000 hộ; bổ sung chỉ tiêu số hộ di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho các hộ mới chuyển đến, đến năm 2020 là 1.000 hộ; sửa đổi nội dung bố trí đất ở tối thiểu từ 200m2/hộ, còn 150m2/hộ; hỗ trợ đất sản xuất với mức tối đa 15 triệu đồng/hộ để khai hoang tạo quỹ đất hoặc để chuyển nhượng đất sản xuất cho các hộ chưa có đất sản xuất hoặc chưa được bố trí đủ đất sản xuất theo định mức và hỗ trợ đối với hộ di dời chỉnh trang tại chỗ do có chia sẻ đất ở cho các hộ mới chuyển đến với mức 20 triệu đồng/hộ. Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 10.10.2018.
ĐĂNG NGUYÊN