Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) gồm 70 thành viên đã có chuyến du lịch famtrip khảo sát, đánh giá tài nguyên du lịch tại thôn Talang (xã Bhalêê, Tây Giang) nhằm hỗ trợ đồng bào Cơ Tu nơi đây tiếp cận với cách làm kinh tế mới - du lịch cộng đồng.
Tìm hướng phát triển
Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch VCTC cho biết, mặc dù thời tiết không thuận lợi, ảnh hưởng mưa bão nhưng đoàn vẫn cố gắng đi hết những điểm khảo sát đã định… Đây là chuỗi chương trình famtrip “Đường Trường Sơn huyền thoại” với sự tham gia của đại diện Tổng cục Du lịch, Sở VH-TT&DL các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai cùng đại diện 70 công ty lữ hành trên cả nước và các cơ quan báo chí (diễn ra từ ngày 2 - 6.11). Tuyến du lịch “hoàn toàn mới” này do VCTC hỗ trợ. Làng Talang là điểm du lịch duy nhất của tỉnh được chọn tham quan, giao lưu trong suốt hành trình. “Chúng tôi ghi nhận khả năng hợp tác của chính quyền huyện Tây Giang trong việc phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời đánh giá cao nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của đồng bào Cơ Tu, vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nơi đây và đặc biệt là sự nhiệt tình, hiếu khách của người dân thôn Talang… Đây là điều kiện rất tốt để mở ra cơ hội hợp tác, liên kết phát triển các điểm du lịch cộng đồng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại” - ông Quỳnh nói.
Trong khuôn khổ chương trình famtrip, đã diễn ra các hoạt động gala dinner “Giao lưu - kết nối 3 miền VCTC”, tọa đàm “Kết nối điểm đến - chia sẻ cơ hội”, giao lưu ẩm thực Cơ Tu và các hoạt động văn hóa văn nghệ. Đoàn đã tặng 5 chiếc xe đạp địa hình cho bà con để làm dịch vụ du lịch. Các thành viên trong đoàn khảo sát cùng với chính quyền huyện Tây Giang và cán bộ thôn Talang đã trao đổi kinh nghiệm về cách làm du lịch cộng đồng sao cho hiệu quả, từ khâu giới thiệu, quảng bá về tiềm năng du lịch đến các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Đặc biệt, làm thế nào để nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên; cải tạo và nâng cấp giao thông, hệ thống điện chiếu sáng hay mạng di động wifi; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng dẫn cho bà con làm ra các sản phẩm quà lưu niệm để tăng nguồn thu...
Nhiều kỳ vọng
Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch VCTC cho biết từ ngày 2 - 6.11, đoàn famtrip của VCTC đã khảo sát làng du lịch cộng đồng Anor, huyện ALưới (Thừa Thiên Huế), làng du lịch cộng đồng Talang, huyện Tây Giang, làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, huyện KBang (Gia Lai)… Kết thúc chương trình, đoàn famtrip sẽ tham dự tọa đàm lấy ý kiến đóng góp xây dựng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng cho các địa phương mà đoàn đã tham quan, khảo sát. Những điểm du lịch nói trên đều do VCTC tài trợ, đây là tuyến du lịch cộng đồng đầy tiềm năng.
Ông Pơloong Plênh - Phó phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, làng du lịch cộng đồng Talang (xã Bhalêê) có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như nằm trên trục đường Hồ Chí Minh huyền thoại, có con suối Chơr Lang thơ mộng và thác nước R’cung huyền bí; đặc biệt còn giữ được nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Cơ Tu. Làng Talang được UBND tỉnh chọn làm điểm đầu tiên để xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng do Dự án Trường Sơn Xanh, Viện Quản lý và phát triển châu Á (Viện AMDI) và VCTC tài trợ. Cụ thể đã hỗ trợ nâng cấp 5 nhà sàn lưu trú cho khách (homestay), một quầy lễ tân bán các sản vật của địa phương. Không gian du lịch vẫn giữ nguyên bản làng truyền thống Cơ Tu. Ông Plênh cho hay: “Gần 3 tháng triển khai nâng cấp, nay làng du lịch cộng đồng Talang cơ bản hình thành và đủ sức phục vụ các đoàn lữ hành từ vài chục đến cả trăm người. Ở đây, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động văn hóa của đồng bào Cơ Tu như đi cà kheo, ném vòng mây, bắn ná, bắt cá hay tham gia giã gạo. Ngoài ra, du khách có thể học cách dệt thổ cẩm, làm bánh sừng trâu, nấu cơm lam, các món nướng bằng ống nứa…”.
Tại buổi giao lưu, ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang ghi nhận những đóng góp của VCTC hỗ trợ Tây Giang trong việc phát triển du lịch cộng đồng, giúp người dân tiếp cận với cách làm kinh tế mới có thêm thu nhập. Ông Blúi mong muốn thời gian tới, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, dự án cần mở các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng cho bà con và cán bộ quản lý du lịch; trong đó bao gồm kỹ năng, kiến thức về homestay, marketing, cách quản lý và vận hành điểm du lịch, kỹ năng cơ bản hướng dẫn viên du lịch tại chỗ, cách làm marketing du lịch và marketing online… Ông Blúi cũng khẳng định, phát triển du lịch cộng đồng không những nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống dọc trên tuyến đường Trường Sơn, mà còn góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc bản địa.