Thời gian qua, các cấp bộ đoàn trên địa bàn TP.Hội An đã tích cực quan tâm đến công tác hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp và phát triển kinh tế cho đoàn viên, thanh niên.
Lớp đào tạo nghề gốm mỹ nghệ mang tới nhiều cơ hội cho người trẻ ở làng gốm Thanh Hà. Ảnh: P.Sơn |
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Sương ở khối Nam Diêu, phường Thanh Hà cùng với 9 thanh niên nam nữ ở làng gốm Thanh Hà đã tham gia lớp đào tạo nghề gốm do Phòng Kinh tế Hội An phối hợp với Đoàn phường Thanh Hà tổ chức. Các bạn trẻ của làng nghề được nghệ nhân Mai Nguyễn Minh Lan Phương đến từ TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn, truyền đạt quy trình, cách thức sản xuất các sản phẩm gốm mỹ nghệ bằng nguyên liệu đất sét, mang dấu ấn ẩm thực Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng. Đây là những sản phẩm gốm thu nhỏ, mô phỏng các món ăn đặc sản như mỳ quảng, cao lầu, tôm hữu, bánh mỳ... Chị Nguyễn Thị Thu Sương chia sẻ: “Lâu nay người dân và du khách đã quá quen thuộc với những sản phẩm của làng nghề như nồi, om, đồng binh, tò he… Với dự án này chúng tôi hy vọng những sản phẩm mới sẽ tạo sức hút đối với du khách, qua đó giúp đa dạng hóa sản phẩm của làng nghề, nâng cao giá trị kinh tế. Đồng thời quảng bá được làng nghề gốm Thanh Hà vừa quảng bá được đặc sản ẩm thực Quảng Nam cũng như Hội An đến bạn bè trong và ngoài nước”.
Theo anh Nguyễn Vũ Cường - Bí thư Đoàn phường Thanh Hà, việc mở lớp đào tạo nghề gốm cho thanh niên địa phương cũng là tiền đề để thành lập CLB “Thanh niên với nghề gốm truyền thống”. Đối tượng tham gia là thanh niên đang trực tiếp sản xuất gốm tại làng nghề, góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống. Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm tại làng gốm Thanh Hà, hướng đi mới cho sản phẩm gốm nghệ thuật “Dấu ấn ẩm thực” đã được phường Thanh Hà tính đến. “Chúng tôi dự định sẽ liên hệ với các nhà hàng, khách sạn, các khu ẩm thực trên địa bàn TP.Hội An để quảng bá sản phẩm. Chẳng hạn du khách sau khi thưởng thức cao lầu có thể mua sản phẩm gốm mô phỏng món ăn này về làm quà lưu niệm” - anh Cường nói.
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên đã được các cấp bộ đoàn trên địa bàn thành phố quan tâm thực hiện. Anh Hồ Khá - Bí thư Thành đoàn Hội An cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Ban thường vụ Thành đoàn đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH mở 4 lớp đào tạo nghề với 120 thanh niên tham gia và giới thiệu 55 thanh niên có việc làm. Đoàn khối xã, phường đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên; tổ chức khảo sát nắm bắt nhu cầu việc làm của thanh niên. Trong khi đó, Đoàn khối trường học phối hợp với các trung tâm dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài thành phố tổ chức hơn 50 buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 12 và sinh viên sắp ra trường...
Riêng trong năm 2018, Thành đoàn đã phối hợp tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp sáng tạo Hội An” lần thứ nhất với hơn 100 đoàn viên thanh niên tham gia. Đó là những thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, định hướng về hình thành ý tưởng khởi nghiệp; các cơ chế, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch - dịch vụ… Hay mới đây nhất, Thành đoàn đã phối hợp với Ban thanh niên công nhân, nông thôn và đô thị (thuộc Tỉnh đoàn) tổ chức lớp tập huấn khởi nghiệp cho 20 thanh niên trên địa bàn. Đây có thể coi là những bước hỗ trợ ban đầu rất hữu ích để tuổi trẻ thành phố lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng thông tin về các chủ trương, chính sách của trung ương, tỉnh và thành phố về hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên thanh niên; đồng thời nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các bạn. Thành đoàn cũng sẽ phối hợp với các cơ quan, phòng ban của thành phố, đặc biệt là Phòng Kinh tế, để hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên thanh niên khởi nghiệp. Năm 2018, chúng tôi cũng đặt ra mục tiêu hỗ trợ ít nhất một mô hình thanh niên khởi nghiệp thành công” - anh Hồ Khá cho biết thêm.
PHAN SƠN