Hỗ trợ thiết bị cho cơ sở tham gia OCOP

LÊ HIỀN 12/03/2020 09:36

Thực hiện Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (gọi tắt là OCOP), hai năm qua, TP.Hội An đã hỗ trợ nhiều mặt để các cơ sở có điều kiện nâng chất lượng sản phẩm, đạt tiêu chuẩn các thứ hạng sao, khẳng định thương hiệu, uy tín sản phẩm.

Trước đây, để làm ra chiếc đĩa gỗ hình Chùa Cầu, ngoài việc chuẩn bị nguyên liệu, anh Phan Xuân Nguyên (chủ cơ sở mộc ở làng Kim Bồng, xã Cẩm Kim) phải mất 2 - 3 ngày, tỉ mỉ, cẩn thận đục đẽo, chạm khắc từng thớ gỗ. Chỉ cần sai sót một chút, sản phẩm sẽ bị lỗi, không đạt yêu cầu.

Vì vậy, dù phải bán giá thành cao, từ 700 nghìn đến hơn một triệu đồng/bộ (tùy kích thước) nhưng lời lãi chẳng được là bao vì tốn nhiều ngày công. Đã thế, dù là mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Hội An, do người của làng mộc Kim Bồng làm ra nhưng vì giá cả cao nên nhiều du khách không mua, lượng hàng làm ra có hạn mà bán được vẫn ít.

Từ khi thành phố triển khai Chương trình OCOP, anh Nguyên được vận động đăng ký tham gia, với mặt hàng lưu niệm đĩa gỗ Chùa Cầu. Căn cứ các tiêu chuẩn của chương trình, anh được hỗ trợ 120 triệu đồng (bằng 50%) số tiền mua máy.

Có máy móc thiết bị, anh Nguyên như tìm được hướng đi mới cho mặt hàng thủ công lưu niệm của mình. Thay vì phải đục đẽo thủ công quá tốn thời gian, giờ đây anh có thể dùng máy CNC thiết kế mẫu mã, làm ra sản phẩm theo đúng ý muốn.

Vậy là từ chỗ phải mất nhiều ngày để làm ra sản phẩm như trước, anh Nguyên đã rút ngắn ¼ thời gian thực hiện sản phẩm. Giá thành mặt hàng cũng nhờ vậy mà được hạ thấp, một chiếc đĩa Chùa Cầu lưu niệm giờ chỉ còn giá bán bình quân 200 ngàn đồng/sản phẩm.

Không chỉ làm ra sản phẩm đạt chuẩn theo Chương trình OCOP, có máy móc, việc làm ra các sản phẩm khác cũng đa dạng, đáp ứng thị trường hơn như khắc vách, ô, phòng, thiết kế tủ bếp, đồ gia dụng cách tân, các bức hoành phi...

Chúng tôi đến cơ sở bánh đậu xanh của bà Nguyễn Thị  Bông (ở khối Trảng Sỏi, phường Thanh Hà). Tiếng máy hơi nổ xình xịch ngay ngoài sân, bên trong gian làm bánh, những chiếc máy ép bánh và lò nướng hoạt động liên tục. Từng mẻ bánh được làm ra đồng đều, chắc, mịn hơn so với việc ép khuôn bằng tay do các thợ làm bánh thủ công trước đây.

Có được thiết bị này là nhờ gia đình bà Bông tham gia Chương trình OCOP và được thành phố hỗ trợ hơn 200 triệu đồng mua sắm trang thiết bị, công cụ khác.

Bà Bông nói: “Hồi trước làm thủ công, sản phẩm ra ít hơn, 15 nhân viên một ngày làm được 36 ký đậu. Bây giờ có máy móc, ba mẹ con nhà mình thôi, ngày làm cũng được 36 ký đậu, đỡ biết bao tiền công so với trước”.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố, thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, năm 2019, TP.Hội An đã giải ngân hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ trực tiếp cho 7 chủ thể có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.

Bà Nguyễn Thị Vui  - Phó phòng Kinh tế TP. Hội An cho biết, nguồn kinh phí này chủ yếu hỗ trợ các chủ thể về máy móc thiết bị, thiết kế, mua bao bì nhãn mác, thiết kế web, phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu và logo cơ sở, hỗ trợ truy xuất mã nguồn gốc sản phẩm, mã vạch…

Đến cuối năm 2019, thành phố đã xây dựng được 7 sản phẩm của 7 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 4 sản phẩm được xếp hạng 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Và việc hỗ trợ thiết bị đã góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở nâng cao chất lượng hàng hóa, giảm bớt nhân công và chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để những mặt hàng chất lượng tốt đến với người tiêu dùng, đúng mục tiêu mà Chương trình OCOP hướng đến.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ thiết bị cho cơ sở tham gia OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO