Hỗ trợ vốn cho vùng khó khăn

NGUYỄN QUANG VIỆT 10/04/2014 10:18

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, người dân vùng khó khăn của tỉnh đã xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện tại, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Nam đang tiếp sức bằng các giải pháp linh hoạt.

Tiếp sức

Từ chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn (Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5.3.2007 của Thủ tướng Chính phủ), năm 2008, qua Ngân hàng CSXH Quảng Nam, gia đình ông Nguyễn Hồng Hà (thôn Thạch Tân, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) đã vay 30 triệu đồng để sản xuất. Từ đó đến nay, mỗi năm gia đình ông Hà đầu tư nuôi 2.000 con gà thịt. Sau 3 - 4 tháng thả nuôi, gà phát triển tốt, đạt trọng lượng gần 2kg/con. Vừa qua, gia đình ông bán 3 tấn gà thịt, thu được 240 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hết 150 triệu đồng (gồm thức ăn 130 triệu đồng, thuốc thú y và công lao động 20 triệu đồng), gia đình lãi được 110 triệu đồng. “Tôi đã có kinh nghiệm nuôi gà từ lâu nhưng chỉ dừng lại ở mức nuôi nhỏ lẻ vì thiếu khả năng huy động vốn. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình đã đầu tư hiệu quả. Tích lũy vốn trong 6 năm qua, đầu năm 2014 tôi quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Hiện tại tôi đầu tư nuôi thêm 1.000 gà đẻ và 3 con bò lai có giá trị hơn 50 triệu đồng” - ông Nguyễn Hồng Hà nói.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Nguyễn Hồng Hà đã đầu tư nuôi gà hiệu quả.                                                                               Ảnh: Q.Việt
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Nguyễn Hồng Hà đã đầu tư nuôi gà hiệu quả. Ảnh: Q.Việt

Cũng tại xã Tam Thăng, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi theo chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ Ngân hàng CSXH Quảng Nam, người dân đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đơn cử như mô hình nuôi gà, nuôi bò của gia đình ông Mai Văn Xuân ở thôn Thăng Tân hay nuôi vịt, nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (thôn Kim Thành). Ông Nguyễn Văn Mười - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thăng cho biết: “Nguồn vốn vay với lãi suất thấp đã tiếp sức nông dân trên địa bàn xây dựng được nhiều mô hình kinh tế rất khả quan. Để tạo đà phát triển kinh tế địa phương, vừa qua, thông qua Hội Nông dân TP.Tam Kỳ, chúng tôi đã đề xuất Quỹ hỗ trợ nông dân Quảng Nam cho 10 hộ vay với tổng số tiền 300 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi đã vận động thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Tam Thăng và 7 tổ hợp tác chăn nuôi bò, nuôi gà. Các tổ hợp tác và hợp tác xã sẽ là cầu nối đảm bảo chất lượng đầu vào và đầu ra, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân”.

Nâng cao hoạt động

Từ năm 2008 đến nay, thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, Ngân hàng CSXH Quảng Nam đã giải ngân gần 640 tỷ đồng cho các hộ vay vốn thuộc 210 xã nằm trong vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Quảng Nam chỉ có 2 địa phương là Quế Sơn và Điện Bàn không có xã được phê duyệt nằm trong vùng khó khăn. Thủ tục vay vốn theo chương trình này rất đơn giản, các hộ có nhu cầu vay vốn chỉ cần gia nhập tổ vay vốn của địa phương đang cư trú, làm đơn xin vay vốn và thực hiện theo mẫu vay vốn của ngân hàng CSXH.

Theo Ngân hàng CSXH Quảng Nam, tuy chất lượng tín dụng được nâng cao trong thời gian qua nhưng dư nợ vẫn tiềm ẩn rủi ro. Do thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, bão lụt nên chất lượng tín dụng vẫn chịu tác động xấu khi đời sống và tài sản của người dân bị đảo lộn. Cạnh đó, một số địa phương không thực hiện tốt việc quản lý vốn nên tỷ lệ nợ quá hạn cao. Bà Trần Thị Minh, Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH Quảng Nam) cho biết: “Để nâng cao tính hiệu quả của nguồn vốn cũng như đảm bảo cho nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, thời gian đến, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể nhận ủy thác nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi được vay vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tổ chức triển khai tốt giao ban định kỳ tại các điểm giao dịch để trao đổi về kết quả ủy thác, đồng thời chia sẻ các kiến nghị của người dân địa phương để ngày càng hoàn thiện hơn hoạt động cho vay”.

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam đánh giá, với mạng lưới giao dịch đến tận các huyện, xã, ngân hàng đã tạo mọi điều kiện để nguồn vốn ưu đãi đến được các xã khó khăn, giúp người dân kinh doanh, sản xuất hiệu quả. Ngoài chăn nuôi, nguồn vốn tập trung chủ yếu vào mục đích khai thác hải sản và hậu cần nghề cá. Ngoài ra, ngân hàng đã thành lập 1.442 sổ tiết kiệm và vay vốn thông qua các hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên, giúp người dân đầu tư sản xuất. Cụ thể, ở Duy Xuyên là 394 tổ; ở Thăng Bình: 470 tổ; Núi Thành: 411 tổ; Hội An: 167 tổ. “Tuy nhiên, chương trình cho vay này còn có một số hạn chế như chất lượng hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể không đều; việc kiểm tra, giám sát của các hội, đoàn thể có khi không đảm bảo chất lượng. Bởi vậy, trong thời gian đến, chúng tôi chủ động phối hợp và đôn đốc các đơn vị nhận ủy thác thực hiện hiệu quả hơn việc kiểm tra hoạt động của tổ vay vốn, sử dụng vốn của hội viên đồng thời tích cực xử lý nợ đến hạn và nợ xấu” - ông Lê Hùng Lam nói.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ vốn cho vùng khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO