Hồ Xuân Hương – nữ sĩ Việt Nam đầu tiên được UNESCO vinh danh

HUỲNH THU HẬU 27/11/2021 08:39

(QNO) - Ngày 24.11.2021, khi Hội nghị văn hóa toàn quốc diễn ra tại Việt Nam, chúng ta vô cùng tự hào được biết UNESCO đã thông qua nghị quyết sẽ cùng vinh danh và tham gia kỉ niệm năm sinh năm mất của Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu. Hồ Xuân Hương  là nữ sĩ Việt Nam đầu tiên được vinh danh. 

'Bà chúa thơ Nôm' trong tranh vẽ xưa. Ảnh: TL
'Bà chúa thơ Nôm' trong tranh vẽ xưa. Ảnh: TL
Vậy điều gì đã làm cho Hồ Xuân Hương trở thành đặc biệt như vậy? Theo tôi, thiên tài là người phá vỡ mọi khuôn phép, nếu Pháp có Rabelaise thì Việt Nam có Hồ Xuân Hương.

Công bằng và khách quan mà đánh giá, Hồ Xuân Hương là hiện tượng thơ độc đáo nhất,  hiện đại nhất, mới mẻ nhất, vĩnh viễn sống và vĩnh viễn mới. Là nhà thơ khiến chúng ta tự hào và yêu mến nhất để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Bởi vì, thơ của nữ sĩ là kết tinh cao nhất của bản sắc Việt, tâm hồn và tính cách của người Việt.

Từ chủ đề đến thi pháp, thơ Hồ Xuân Hương luôn là tiếng nói của bản sắc Việt Nam. Thơ của nữ sĩ đã truyền được nhiều cảm hứng cho người đọc về nghị lực, về tinh thần vươn lên trên hoàn cảnh,  truyền được cảm hứng sống mãnh liệt, sống là được khẳng định chính mình, người phụ nữ có quyền được sống, được yêu. Tiếng nói nữ quyền xác tín vẻ đẹp riêng trong thơ của Xuân Hương.

Hồ Xuân Hương là người đã ý thức sâu sắc quyền làm người, quyền của một người phụ nữ, có tư tưởng khai phóng, tiến bộ. Thử nhìn ra thế giới, trong giai đoạn lịch sử này, vào thế kỉ XIX, khi phương Tây có tiểu thuyết Bà Bavory, Nga có Annakarrenina, cả hai nhân vật phụ nữ đều gặp nhiều bi kịch trong hôn nhân và tình yêu, nhưng họ đã chỉ có thể tìm đến cái chết để giải quyết xung đột và mâu thuẫn của mình.

Nhưng ở Việt Nam, Hồ Xuân Hương của chúng ta đã phất cao ngọn cờ nữ quyền. Phụ nữ có quyền lập ngôn, quyền yêu và được yêu, quyền được sống hạnh phúc. Như chúng ta biết, xã hội phong kiến với muôn vàn những định kiến khắt khe đã trói buộc cuộc đời của biết bao người phụ nữ: tam tòng tứ đức, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Đến cả Khổng Tử cũng từng cho rằng nữ nhi khó dạy, học thuyết Nho giáo coi thường phụ nữ. Trong bối cảnh văn hóa Á Đông như vậy, tư tưởng của Hồ Xuân Hương đáng trân quý biết bao nhiêu.

Để lập ngôn, ban đầu, nàng thơ của chúng ta đã nói bằng những lời thật dịu dàng, nhỏ nhẹ, hơn bất cứ ai Hồ Xuân Hương ý thức được trong xã hội nam quyền ngày xưa, người phụ nữ bị xem là thấp kém, phận bé mọn, là phụ thuộc, không được quyết định cuộc đời mình. Đây cũng là cách nói hết sức thông minh và duyên dáng. Nàng mượn những hình ảnh của quả mít, con ốc, cái quạt, bánh trôi nước... để nói về thân phận của người phụ nữ. Để rồi từ đó, tiếng thơ của Hồ Xuân Hương mạnh mẽ, đả phá chế độ hôn nhân đa thê, nam thì năm thê bảy thiếp gái chính chuyên có một chồng.

Thơ Hồ Xuân Hương là tuyên ngôn của người phụ nữ, xác tín đòi quyền được yêu, được công bằng trong hôn nhân bằng cách mắng trực diện vào chế độ đa thê. Vượt lên thân phận của một người phụ nữ làm lẽ, Xuân Hương đã khẳng khái và hào sảng cho thấy sự bất công phi lí của chế độ đa thê. Có thể nói, trong lịch sử và cả thi ca chưa từng có ai bản lĩnh như nữ sĩ.

Hơn nữa, nữ sĩ còn mạnh mẽ dấn thân chống lại trật tự xã hội phong kiến nam quyền. Khát vọng được dấn thân, tận hiến và làm nên sự nghiệp lẫy lừng không khác gì nam nhi quân tử của Hồ Xuân Hương vang lên thật đầy ngưỡng mộ và tự hào. Điều đó hoàn toàn hợp lí và có cơ sở từ hiện thực lịch sử. Ngẫm xem, từ khi lập nước với truyền thuyết rồng tiên, chúng ta đã có hình tượng mẫu quốc mẹ Âu Cơ, rồi đến cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống quân xâm lược là Hai Bà Trưng, đến Bà Triệu... Phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Hồ Xuân Hương đã lập ngôn đầy hào khí cho thấy chí lớn của chị em.

Ngoài ra, thi ca của Hồ Xuân Hương là đỉnh cao của sự hòa quyện giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Cách nói của nàng là độc nhất vô nhị. Thơ Hồ Xuân Hương tràn đầy vẻ đẹp phồn sinh, dục tính, nói cách nào cũng gợi cho người đọc về cội nguồn của sự sống, của ái ân, của hoan ca thân xác, của cái ấy. Hay nói cách khác, thơ của nữ sĩ đẫm chất văn hóa dân gian, kiến tạo được tiếng cười dân gian quyến rũ và giàu sức sống. Hồ Xuân Hương như thách thức với xã hội phong kiến khắt khe khi cứ táo bạo chạm đến những vấn đề cấm kị.

Với những bài thơ nôm đầy vẻ đẹp xuân tình, Hồ Xuân Hương đã xác lập một lối đi riêng, một con đường riêng, một giọng riêng đầy cá tính  trong dàn thơ trung đại Việt Nam vốn mang tính từ chương trích cú, quy phạm. Lối đi ấy đầy vẻ đẹp của sự khác biệt, phá vỡ quy phạm và hòa vào dòng chảy của sức sống dân gian Việt Nam.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồ Xuân Hương – nữ sĩ Việt Nam đầu tiên được UNESCO vinh danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO