Nhiều người đã và đang tạo dựng lối sống gần gũi với thiên nhiên, yêu quý môi trường từ những việc nhỏ, đơn giản. Với họ, sống xanh không còn là trào lưu mà trở thành nếp sinh hoạt bền vững từ gia đình.
Thực hành sống xanh
Hồi đầu năm học, chị Lê Thị Xuân Thủy (giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Phú Ninh) hỏi xin báo cũ để về cho con chị bao sách vở.
Chị bảo, vẫn biết sách vở bao bằng giấy ny lon nhanh, tiện và bền hơn nhiều nhưng chị thích xin báo cũ về bày cho con của chị bao, nhân tiện dạy các con ý thức bảo vệ môi trường. Hơn nữa, bao sách vở bằng báo cũ vừa đẹp, vừa lạ.
Mấy năm nay, nhiều người cùng ý tưởng, sở thích sống xanh ở khắp nơi tham gia hoặc ủng hộ các dự án do Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tổ chức. GreenHub là tổ chức khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Nhóm sáng lập viên cùng chí hướng bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu… thành lập GreenHub vào năm 2016. Triết lý của GreenHub là “Con người và tự nhiên là sự gắn kết hữu cơ. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sự sống của con người.
Một cá nhân, một tổ chức, một cộng đồng hay một đất nước muốn phát triển bền vững cần liên kết, hợp tác và kiến tạo cuộc sống thuận theo và hòa hợp tự nhiên”.
Tại đây, chúng tôi “gặp” nhau ở các lĩnh vực mà mọi người cùng quan tâm: giảm thiểu ô nhiễm nhựa, giảm thiểu rác thải, phát triển nông nghiệp bền vững, bảo tồn thiên nhiên…
Tham gia các dự án, nhiều phụ huynh chia sẻ câu chuyện đồng hành với con em mình trong hành trình không rác thải và cho rằng đây là cơ hội cho trẻ em thực hành sống xanh và giảm thiểu rác thải ngay tại gia đình, tập cho con phân loại rác thải tại nhà.
Một phụ huynh chia sẻ: “Nhờ việc thực hành thu gom và phân loại rác, các con tôi có ý thức hơn trong việc phân loại rác tại nguồn, ví dụ như khi uống sữa xong thì cắt và rửa sạch để mang đi tái chế, thay vì vứt thẳng vào thùng rác như trước đây.
Khi thực hành chương trình phân loại rác tại nguồn như vậy, gia đình mình mới thấy lượng rác thải có thể tái chế từ sinh hoạt của gia đình hằng ngày nhiều đến mức nào.
Từ đó, sẽ có ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, hạn chế túi ny lon khi đi chợ, hạn chế mua sắm những đồ dùng không thực sự cần thiết và phân loại rác để tái chế tối đa có thể...”.
Những ngày cuối năm 2023, nhiều người yêu môi trường khắp nơi lại cùng tham gia tái chế trong sự kiện “đối thoại: nhựa ơi!”, do GreenHub tổ chức với các hoạt động: tái chế sáng tạo, từ những đồ vật nhỏ đến những tác phẩm nghệ thuật lớn; khám phá không gian triển lãm báo tường trường học không rác…
Từ những điều đơn giản
Trong khuôn viên trường học, công sở, hay nhà ở phố có diện tích chật hẹp, nhiều người vẫn luôn dành diện tích cho cây xanh. Có thể chỉ là một chậu cây ở bàn làm việc, bàn học; mấy chậu cây ở ban công. Tạo môi trường trong lành từ xây xanh như là một phần không thể thiếu của lối sống xanh.
Trong các cuộc thi STEM do ngành GD-ĐT tổ chức những năm gần đây, nhiều học sinh chọn sản phẩm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường để dự thi.
Nguyễn Văn Minh Thiện (học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Tam Kỳ) làm dung dịch hữu cơ từ nước vo gạo và vỏ trái cây nói rằng, ba mẹ dạy em yêu môi trường từ những việc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện được như làm dung dịch hữu cơ, làm phân bón từ rác hữu cơ để bón hoặc tưới cây cảnh, vừa bảo vệ môi trường lại tiết kiệm.
Minh Thiện và nhóm bạn làm sản phẩm không chỉ để dự thi mà là một cách để thể hiện lối sống xanh, gần gũi với môi trường - vốn được hình thành từ gia đình và đã “thẩm thấu” trong các em.
“Dùng phân bón hóa học thì cây sẽ nhanh tốt hơn nhưng ảnh hưởng đến môi trường đất, nước nên gia đình em thường tận dụng chất thải hữu cơ để làm phân bón hay dung dịch tưới cây” - Minh Thiện nói.
Trong ăn uống, thay vì sử dụng phẩm màu để thực phẩm đẹp mắt, nhiều người tạo màu từ cây trái, thực phẩm thiên nhiên. Trong sinh hoạt, thay vì dùng nước rửa chén, nước rửa tay bằng hóa chất là dùng nước rửa chén, nước rửa tay sinh học tự ngâm từ bồ hòn, hay tự chế từ các loại thực vật.
Đáng mừng là trong đó nhiều bạn trẻ thực hành sống xanh hằng ngày. Chỉ cần trồng một cái cây, là không gian chung quanh bạn sẽ thêm xanh, không khí, môi trường sẽ trong lành hơn.
Khi sống xanh đang dần từng bước đã len lỏi đến từng gia đình, thì đó là tín hiệu rất đáng mừng.