Làng tôi có một cây hoa gạo. Tháng ba về, từng chùm hoa gạo bung nở rực rỡ dưới nắng vàng óng khiến bao bước chân như bị níu kéo bởi sắc đỏ của hoa.
Cây gạo đầu làng. Ảnh minh họa |
Sinh ra ở làng, những mùa hoa gạo như một phần thưởng mà “ông trời” mang đến cho những người dân quê quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng tìm kế mưu sinh. Bọn trẻ lớn lên xông pha với nắng gió mây trời cứ tưởng tâm hồn sẽ cằn cỗi nhưng đã biết yêu biết đợi chờ những mùa hoa gạo mỗi khi tháng ba về.
Mỗi ngày trên con đường đi học về chúng tôi đều tụ tập dưới cây hoa gạo chơi đùa. Màu đỏ của hoa gạo chính là thứ màu sắc cuốn hút những tâm hồn nguyên sơ ngày ấy. Những đứa trẻ lớn lên chẳng thấy gì đẹp bằng màu đỏ của cây hoa gạo mọc ở đầu làng. Tụi con gái đứa nào cũng mê hoa gạo nên đám con trai để được chú ý thường cố tìm cách hái hoa đem tặng. Dưới gốc hoa gạo, những hôm đi học về thường là nơi bọn trẻ nán lại chơi lò cò, nhảy dây mà quên cả lúc về.
Những ngày tháng ba, bọn trẻ chúng tôi thường theo chân đàn anh tắm kênh, tát cá, hái dái mít non chấm muối ớt rồi về tụ tập dưới gốc cây gạo chơi đùa. Mùa xuân là mùa chim sẻ. Bọn con trai nhanh như sóc nên thường tìm cách leo cây gạo bắt chim sẻ mới ra ràng. Những lúc đó chúng tôi cũng được hái cho những chùm hoa gạo đỏ thẫm. Bọn con gái thích thú mang về cắm vào chiếc bình đặt trên bàn học, mỗi tối vừa ngân nga học bài vừa thích thú ngắm nghía. Gắn bó cả tuổi thơ bên những mùa hoa gạo, mỗi khi nhìn thấy hoa gạo lại thấy lòng nao nao, lại nhớ về những miền quê tôi đã đi qua với khúc sông, mái đình, cổng làng, những tháng ngày bé thơ chơi đùa.
Với người lớn, cây gạo đầu làng là nơi nghỉ mệt mỗi khi làm đồng. Người lớn còn xem hoa gạo như một loài hoa dự báo mùa màng. Mỗi khi thấy cây hoa gạo trước cổng làng nở rộ, bà lại chậm rãi đọc câu thơ: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Tháng ba là thời điểm gia đình tôi bắt đầu trồng vừng (cây mè). Những ngày vụ mùa luôn là những ngày vất vả với ba mẹ tôi. Bọn trẻ chúng tôi cũng ra đồng để phụ giúp ba mẹ. Dưới cái nắng tháng ba, ai cũng thấm mệt nhưng chỉ cần ngước mắt lên nhìn những chùm hoa rực đỏ trước mắt mình, mọi người đều hăng hái với công việc.
Những buổi chiều tà, trên con ngõ làng là hình ảnh những người mẹ, người dì cần mẫn trở về sau một ngày vất vả. Dưới ánh chiều đang buông xuống, hình ảnh những phụ nữ bỗng nhỏ bé biết bao nhiêu. Họ lầm lũi bước đi bỏ lại phía sau những chùm hoa gạo đỏ thắm. Sắc đỏ của hoa gạo vẫn cứ rực rỡ dù ánh chiều đang dần tắt.
Ai thương mùa hoa gạo đến rồi đi cũng sẽ thấy thương biết bao những người phụ nữ những dịp tháng ba về, công việc bộn bề với bao lo toan. Một năm vất vả nhất là những ngày vào vụ. Tuy vậy, vẫn như những bông hoa gạo cuối trời đang rực nở, tháng ba như sức sống của hoa cũng mang đến những điều tươi đẹp. Tháng ba nhắc ta nhớ đến công lao và sự vun vén của những người phụ nữ quanh mình. Sắc đỏ của hoa gạo nở vào dịp tháng ba có lẽ nào là món quà mà đất trời muốn gửi tặng cho những người phụ nữ sinh ra cuộc đời vốn đã gắn bó với làng quê dân dã.
Như một nét duyên dáng của làng quê, hoa gạo mang một ý nghĩa, gửi gắm một câu chuyện. Mỗi khi cây hoa gạo đầu làng nở rộ những bông đầu tiên, tôi hiểu rằng những yêu thương cần được thắp lên và truyền đi đến những người phụ nữ có ý nghĩa nhất cuộc đời mình để mỗi tháng ba về nụ cười lại rộ nở trong yêu thương như những cánh hoa đang kiêu hãnh đón nắng gió giữa trời.
TRẦN NGUYÊN HẠNH