Hòa hợp với thiên nhiên

PHAN HOÀNG 01/10/2023 07:48

Mưa lớn vẫn đang gây thiệt hại ở các tỉnh bắc miền Trung và phía bắc nước ta. Những cơn mưa từ áp thấp nhiệt đới hồi đầu tuần này như “chuông nhắc” để Quảng Nam xốc lại toàn bộ phương án ứng phó, phòng tránh trú cho mùa mưa bão. Sống trong bão lũ từ hàng trăm năm trước, ứng phó có lẽ cũng thành “biểu đồ gen” với người Quảng, thành phản xạ tự nhiên nhưng hễ mùa mưa lũ là nhắc nhau cảnh giác.

Từ đầu tháng 9, các trung tâm khí tượng lớn trên thế giới đã đưa cảnh báo về một mùa mưa bão bất thường trong năm 2023 này. Theo Sky News, trong ngày 2/9 có tới 7 cơn bão hoạt động cùng lúc trên thế giới – con số được coi là kỷ lục hiếm có.

Hồi đầu tháng 8, hình ảnh phát đi trên video từ The Weather khiến chúng ta kinh ngạc, dù đã quá quen với những cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Doksuru và bão Khanun, vùng phụ cận và thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) chìm trong biển nước.

Đợt mưa lớn được ghi nhận là kỷ lục trong vòng 140 năm qua gây ngập lụt nghiêm trọng khiến nhiều nhà cửa, xe cộ bị ngập và cuốn trôi. Nước cuốn phăng mọi thứ trên đường. Nhìn hàng trăm ô tô tuột đi theo dòng nước đục ngầu, và dòng nước đen ngòm như muốn xới tung cả cây cầu lớn khiến càng khiếp sợ với sự hủy diệt của thiên nhiên.

Hay như cơn bão Daniel mang theo mưa lớn, gây lũ lụt nghiêm trọng tại miền đông Lybya hồi giữa tháng 9 này, kéo theo sự cố vỡ đập khiến thảm họa xảy ra: nước lũ đã cướp đi sinh mạng của hơn 11 nghìn người và vẫn còn hơn 10 nghìn người mất tích.

Không có gì mềm mại như nước mà cũng không có gì tàn phá kinh hoàng như nước. Xem con người chống chọi chới với trong thảm họa mà sực nhớ tới trận đại hồng thủy gần 60 năm trước ở Quảng Nam được ghi lại.

Những người già nay vào tuổi 70-80 khi xem thời sự đưa tin bão lũ, thường hay nói, không bằng cái lụt năm Thìn. “Những làng mạc ven sông Thu Bồn và Vu Gia gần như bị xóa sổ. Trận lụt năm 1964 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 6.000 người ở Quảng Nam”. Đó là những dòng sử chép.

Ngày xưa, thông tin không được kịp thời và hiện đại như bây giờ, các cảnh báo/dự báo thiên tai hiện nay thậm chí chính xác đến từng mắt bão và đường đi của bão. Nhưng tại sao vẫn có những thiệt hại vô cùng lớn như vậy?

Biến đổi khí hậu được xem là tác động lớn nhất gây ra bão lũ với diễn biến ngày càng bất thường cũng như gây những đợt mưa cực đoan với tần suất dày hơn và ngẫu nhiên hơn. Điều đó khiến dự báo và đoán định với sự hỗ trợ của khoa học dù chính xác cao nhưng đôi khi con người cũng không theo kịp.

Đã có quá nhiều phân tích về sự can thiệp thô bạo của con người vào thiên nhiên, khiến thiên nhiên không còn hiền hòa như trước. Nạn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để xây dựng các nhà máy thủy điện; việc cạo trọc rừng để làm các khu vui chơi giải trí, việc tàn phá các cánh rừng nguyên sinh.

Các hoạt động nông nghiệp không bền vững gây ô nhiễm đất và các nguồn nước; các hoạt động khai thác khoáng sản và cả những ước muốn ngạo nghễ thống trị thiên nhiên... Tất cả cộng lại gây nên tình trạng lụt lội, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá ngày càng dữ dội hơn. Con người không dừng lại thì dù khoa học hiện đại bao nhiêu, khi thiên nhiên cuồng nộ, cũng đều phải cúi đầu chịu trận.

Hòa hợp với thiên nhiên không chỉ là khẩu hiệu vận động mà phải trở thành mệnh lệnh hành động. Gần đây, người ta nói nhiều đến “tăng trưởng xanh”. Việc phát triển kinh tế hài hòa với các mục tiêu bền vững môi trường và công bằng xã hội dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường... của “tăng trưởng xanh”, kỳ vọng sẽ chữa lành vết thương của mẹ thiên nhiên. Hòa hợp với thiên nhiên là liệu pháp tốt nhất để giảm dần tác động khó lường của biến đổi khí hậu; dẫu không biết đến bao giờ con người thôi sợ hãi trước thiên tai...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hòa hợp với thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO