Họa mi bố và họa mi mẹ đậu trên cháng cây nhìn ba đứa họa mi con đang tìm kiếm thức ăn dưới vạt đất trống phía lưng chừng đồi.
Qua mỗi mùa cây thay lá, những lớp lá ngày một dày thêm, ở đây côn trùng nhiều lắm, tha hồ mà thưởng thức. Họa mi bố dáng vẻ bệ vệ, mỏ hơi to, hàm bành bạnh trông nghiêm trang và oai phong lắm, đôi chân vững chãi, những cái vuốt cong sắc nhọn như vuốt mèo, đẹp làm sao!
Nhìn bề ngoài là thế nhưng tình cảm thì tràn đầy, họa mi bố đưa cái mỏ màu vàng xỉa lông cho họa mi mẹ, bộ lông mềm mượt màu nâu sẫm. Họa mi mẹ thân hình đầy đặn, lưng thẳng, đôi cánh bó sát người, đuôi cánh hình quạt, chân nhỏ cao có màu hồng nhạt, đôi mắt màu xanh đậm sáng long lanh.
- Mới ngày nào chúng còn là những quả trứng tròn tròn màu xanh lam mà chừ đã đủ lông đủ cánh tự bay nhảy kiếm ăn rồi, nhanh thật!
- Ừ, nhanh thật, chỉ mới một mùa lá rụng thôi!
Họa mi bố chớp chớp đôi mắt ươn ướt sáng.
- Còn nhớ, bọn mình thay phiên nhau đi kiếm thức ăn cho chúng, có lần bà suýt bị bọn người xấu bắt, may mắn mới thoát được.
Họa mi mẹ rụt đầu lại có vẻ vẫn còn sợ lắm, những đường vân đen nhỏ giữa đầu và cổ biến đi đâu mất, cái quầng sáng trắng quanh mắt kéo dài ra tận gáy cứ giật giật.
- Nhắc làm chi chuyện kinh hoàng ấy, bây giờ thấy các con trưởng thành là vui lắm rồi! Ông nhìn thằng Hai kìa, đã ra dáng thanh niên rồi đấy!
Ừ, thế là vui rồi. Họa mi bố cất tiếng hót. Một bài, hai bài, ba bài…, chẳng bài nào giống bài nào, nhưng bài nào cũng ngọt ngào. Thường họa mi hót để quyến rũ bạn gái hoặc để khẳng định với các loài chim khác đất này rừng này là của họa mi, không đứa nào được bén mảng.
Lần này thì khác, là bài ca hạnh phúc, lảnh lót, trong trẻo, véo von, bay xa vang xa đến tận cuối đồi. Họa mi mẹ nhún nhảy phụ họa, bởi một khi họa mi bố đã hót thì họa mi mẹ chỉ biết nghe thôi, giọng của họa mi mẹ làm sao sánh bằng được.
Ba họa mi con đang ăn nghe bố hót, ngẩng đầu lên nhìn rồi sung sướng hót theo. Giọng của họa mi con cũng không chê vào đâu được, tiếng hót mang cảm giác bình yên đến với núi đồi khiến không ít loài chim phải ghen tỵ.
Nhưng khổ nổi giọng hót càng hay càng khó thoát khỏi tay người chơi chim ở thành phố. Họ kháo nhau rằng nghe họa mi hót sẽ xua tan bao nỗi mệt nhọc vất vả của cuộc sống, cảm giác thư thái sau những giờ làm việc căng thẳng…
Phía sau lùm cây rậm rạp có hai người săn bắt chim đang ẩn náu. Nghe tiếng họa mi hót họ ngẩng đầu tìm kiếm.
- Kia kìa, trên cháng cây phía trước có cặp họa mi vừa đẹp dáng vừa hót hay nữa!
- Kia kìa, dưới vạt đất phía lưng chừng đồi có ba con họa mi đang tìm kiếm thức ăn.
Họ thì thầm với nhau một hồi rồi chia nhau mỗi người một ngả. Gió rì rào trên vòm lá, họa mi bố ngừng hót, nghiêng đầu lắng nghe, có chút nghi ngờ và cảnh giác.
- Nè, mẹ nó, gọi mấy đứa nhỏ lên, bọn mình về thôi.
Gió vẫn rì rào, những hoa nắng rơi xuống tung tóe, họa mi mẹ vẫn còn đang rất hạnh phúc.
- Vội gì, cảnh đẹp quá, để các con chơi đùa một lát nữa.
Chiều ý họa mi mẹ nhưng họa mi bố vẫn nghiêng ngó chung quanh. Bỗng một tiếng “bựt” khô khan vang lên, họa mi bố đẩy họa mi mẹ qua một bên rồi vụt bay lên né tránh cái gì đó phóng tới bên mình, họa mi mẹ thất thanh gọi lớn.
- Về ngay các con!
Vừa nghe tiếng mẹ, biết có nguy hiểm, chúng bay lên, nhưng không kịp nữa rồi, một cái chụp bằng lưới chẳng biết từ đâu sà xuống đầu chúng, thằng anh Hai vẫy vùng nhưng không thoát được. Hai đứa còn lại hoảng loạn bay vù về phía chân đồi.
Nắng không biết chuyện vẫn vô tư thả những tia lung linh lóng lánh lên đồi cây, gió không biết chuyện vẫn rì rào cùng lá những khúc tình ca quen thuộc. Hai con chim nhỏ tấp vào một vòm cây rậm thở dốc vì mệt, chúng đã nhầm, không biết rằng đường lên đồi mới là đường về nhà.
Họa mi bố và mẹ nhìn thấy thằng Hai bị bắt, đau quặn lòng đến quên cả sợ hãi, không đi tìm hai đứa còn lại, không bỏ chạy, vẫn quanh quẩn gần đó tìm cách cứu con. Tìm một vị trí vừa kín đáo nhưng có thể quan sát cả một vùng rộng lớn trước mặt, họa mi bố bàn với họa mi mẹ.
- Bà hãy đi tìm hai đứa nhỏ, chắc ở phía chân đồi, nhưng phải bay vòng qua dãy đồi bên trái, tôi ở đây tìm cách cứu thằng Hai.
Họa mi mẹ bay đi trong tuyệt vọng. Phía lưng chừng đồi, hai gã đàn ông xuất hiện, một người cầm chiếc lồng vuông, một người mang theo cái vợt lưới lớn, trên người họ lỉnh kỉnh những dụng cụ mà họa mi bố chưa thấy bao giờ.
Thằng Hai thấy có người đến gần, biết là bọn xấu nên càng vẫy vùng tìm cách thoát thân. Họa mi bố bỗng cất giọng hót vang khiến hai gã kia ngước tìm. Họa mi bố rời khỏi vòm lá bay sà xuống gần hai gã, tìm một nhánh cây trống trải đứng hót. Hai gã lại to nhỏ với nhau điều gì đó rồi xăm xăm đi về phía họa mi bố.
Họa mi bố làm như không thấy ai cả vẫn nhún nhảy trên cành cây vẫn hót vang mà nước mắt cứ ràn rụa. Khi hai gã đến gần, họa mi bố lại nhảy lên một nhành cây cao hơn và vẫn hót, hy vọng dụ được hai gã kia đi ra xa để thằng Hai dưới đó tìm được cách thoát ra khỏi lưới chụp.
Họa mi mẹ đã tìm được hai đứa nhỏ, cùng bay về nơi có tiếng hót của bố. Hiểu được ý định của họa mi bố, hai đứa nhỏ cũng hót, cả nhà cùng hót. Tiếng hót đứt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào.
Hai gã kia thèm lắm, muốn bắt hết cả nhà họa mi nhưng biết không dễ dàng gì bèn quay lại chỗ cũ. Thằng Hai không còn hoảng sợ nữa, thẳng lưng nhìn lên phía đồi cây, nơi có bố mẹ và hai đứa em đang đau đớn khóc than.
Chiếc lưới chụp được một gã thu hẹp lại, ép thằng Hai nằm sát đất, bàn tay dữ dằn tội lỗi của gã đã đè lên thằng Hai. Bằng sức lực và lòng dũng cảm, thằng Hai dùng vuốt sắc nhọn của đôi chân cào xước tay gã, dùng chiếc mỏ nhọn mổ vào tay gã, nhưng rồi… gã đã bắt được thằng Hai. Bỏ thằng Hai vào chiếc lồng vuông bằng tre, hai gã đi xuống đồi. Thằng Hai vùng vẫy, giọng ai oán gọi với lên đồi cây.
- Bố mẹ ơi cứu con!
Hai gã vui vẻ vừa đi vừa huýt sáo mừng thắng lợi, xa dần, xa dần…
Hai đứa em nhìn theo cất giọng thảm thiết.
- Anh Hai đừng đi!
- Đừng bỏ em, anh Hai!
Cái nắng cái gió không còn vô tình trước nỗi đau của nhà họa mi nữa. Những tia nắng đã biến đi đâu mất, trở nên âm u từ bao giờ. Gió không hát tình ca nữa, cứ rít lên từng cơn, từng cơn… và trời bắt đầu đổ mưa.
Sau cơn mưa rừng hôm ấy, họa mi không còn hót nữa!