Nói đến người khuyết tật (NKT), thường nghe đề cập cụm từ “hòa nhập cộng đồng”. Bởi hòa nhập cộng đồng luôn là khát khao của hầu hết NKT, ngay cả đối với những NKT giàu nghị lực, biết vượt qua khiếm khuyết của bản thân, vươn lên trong cuộc sống. Đây cũng là thông điệp mà nhiều cá nhân, tổ chức gửi đến cộng đồng nhân Ngày NKT Việt Nam (18.4) hằng năm.
NKT là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội và gặp nhiều rào cản trong cuộc sống. Vì vậy, Nhà nước đã trích ngân sách và các tổ chức xã hội đã huy động nhiều khoản đóng góp để thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ NKT. Năm 2010, Luật NKT ra đời càng cụ hể hóa sự quan tâm này bằng các quy định cụ thể trong thực thi chính sách, trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với NKT... Cùng với cả nước, Quảng Nam đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để NKT hòa nhập cộng đồng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 40 nghìn NKT, trong đó gần 30 nghìn NKT được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, tất cả NKT thuộc diện hộ nghèo đều được cấp phát miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, hàng trăm NKT được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhiều người được tạo việc làm... Con số đó cũng chính là “hệ số trách nhiệm” cũng như sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước và của cộng đồng dành cho NKT.
Tuy nhiên, trên thực tế, NKT vẫn còn gặp không ít sự kỳ thị và khó khăn trong cuộc sống, từ chuyện nhỏ như việc tham gia giao thông, giao tiếp hằng ngày đến việc lớn như xin việc làm. NKT vận động, người khiếm thị rất khó khăn trong việc di chuyển vì các công trình công cộng, phương tiện giao thông ở ta hầu như chưa có thiết kế riêng dành cho các đối tượng này. Các cơ quan, doanh nghiệp thường từ chối tiếp nhận NKT dù cơ sở nào sử dụng nhiều lao động là NKT được hưởng ưu đãi của Nhà nước về thuế, đất đai, hạ tầng. Có nơi nhận NKT vào làm, lại xem đó như là chuyện làm từ thiện. Thậm chí, NKT gặp khó khăn ngay cả trong việc… xác định mức độ khuyết tật để được hưởng các chính sách ưu đãi phù hợp. Ở khía cạnh khác, NKT cũng khó tìm được hạnh phúc gia đình hơn người bình thường; đến trường, con cái của họ nhiều khi cũng bị kỳ thị...
Chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho NKT đương nhiên rất cần thiết. Nhưng ngoài sự giúp đỡ về vật chất, NKT còn cần lắm những quan tâm, giúp đỡ về tinh thần. Họ rất cần được giúp đỡ, tiếp thêm niềm tin, nghị lực để vượt qua mặc cảm, tự ti bằng sự đồng cảm, yêu thương, tôn trọng... của cộng đồng. Nói cách khác, điều mà NKT cần là sự quan tâm xuất phát từ tình cảm và tấm lòng, chứ không phải chỉ là trách nhiệm suông. Sự quan tâm, tôn trọng ấy đối với họ nhiều khi chỉ bắt đầu từ việc nhỏ, hành động nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn. Đôi khi chỉ một ánh nhìn sẻ chia, một lời nói thể hiện sự quan tâm, một cánh tay chìa ra đúng lúc... để giúp NKT vượt qua mặc cảm, có thêm nghị lực vươn lên.
CHÂU NỮ