Người khuyết tật hiện chiếm khoảng 15% dân số thế giới và phải đối mặt với nhiều rào cản để hòa nhập xã hội cũng như chịu nhiều thiệt thòi và bất bình đẳng từ việc tiếp cận nền giáo dục, việc làm, chăm sóc y tế, tham gia hoạt động chính trị…
Vào tháng 12.2006, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về các Quyền của Người khuyết tật. Việt Nam tham gia ký công ước vào ngày 22.10.2007 và đến nay đã có khoảng 130 nước tham gia. Đến năm 2008, công ước này đã có hiệu lực mang lại vị thế và quyền hợp pháp cho người khuyết tật, đồng thời nhìn nhận tình trạng khuyết tật như là một vấn đề về quyền con người. Công ước này còn có ý nghĩa đặc biệt khi thay đổi cách nhìn đối với tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không phải là vấn đề y tế. Từ đó xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon đã nói, người khuyết tật góp phần tạo nên các tác động tích cực đối với xã hội, các đóng góp của họ thậm chí có thể lớn hơn nếu tất cả mọi người xóa bỏ các rào cản đối với việc hòa nhập cộng đồng. Họ xứng đáng được hưởng quyền bình đẳng, góp phần tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong nhiều năm qua đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động nhằm khuyến khích, giúp đỡ những số phận kém may mắn trên khắp thế giới, nhất là tại các nước nghèo và các nước đang phát triển để họ tự tin bước vào cuộc sống xã hội. Trong đó, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn có khả năng lao động là một trong những trọng tâm của ILO. Ví dụ, chương trình huấn luyện, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho những người khuyết tật được ILO phối hợp với chính phủ Bangladesh bước đầu đã đem lại thành công đáng kể, nhất là giúp cho những người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống. Chị Shuely Akter bị liệt cả hai chân cho biết sau khi tham gia khóa học may mặc tại trung tâm nghề dành cho người khuyết tật, chị đã được nhận vào làm việc ngay tại trung tâm để hướng dẫn, đào tạo nghề cho những người cùng chung số phận. Ngày còn bé mọi người hay xa lánh chị, ngay cả người thân trong gia đình cũng đối xử với chị không giống như những thành viên còn lại. Hiện chị đã có công việc ổn định, tự nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình. Hay Hossain, một người khuyết tật khác khá thành công trong sự nghiệp tại nước này đã nói, các bạn đừng bao giờ nghĩ mình là người khuyết tật, là gánh nặng của xã hội. Hãy tự tin và cố gắng thật nhiều để làm những công việc gì có ích mà mình có thể. Còn Srinivas Reddy, chuyên gia tư vấn trung tâm phát triển nghề cho người khuyết tật tại Bangladesh nhìn nhận, điều quan trọng hơn cả là xã hội phải thay đổi thái độ, cách đối xử, cần tạo điều kiện để người khuyết tật hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 5,3 - 5,5 triệu người khuyết tật; trong đó có 2 - 3 triệu người có khả năng lao động. Nhưng thống kê cũng cho thấy 97% người khuyết tập không có nghề hoặc tay nghề thấp và tỷ lệ sống ở nông thôn lớn. Do đó, theo ILO, Việt Nam mất khoảng 3% GDP hằng năm vì người khuyết tật không tham gia vào thị trường lao động. ILO hiện đang phối hợp với Tổ chức Irish Aid thúc đẩy cơ hội việc làm cho nhóm người này với chương trình giai đoạn 2012- 2013 trị giá hơn 250 nghìn USD, tập trung vào bốn trọng tâm chính: Xây dựng và thực hiện chính sách; Xây dựng năng lực cho văn phòng Hòa nhập; Chia sẻ kiến thức và hợp tác với giới truyền thông; Đào tạo về Bình đẳng và Luật người khuyết tật cho các luật sư tương lai.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)