Tôi đứng đó, nhìn các em học sinh tung tăng đến trường mà lòng xen lẫn nỗi niềm. Mái trường mới, dù không phải là khang trang nhưng đã hơn trước nhiều, và cũng là nỗ lực không mệt mỏi của thầy cô giáo nơi này dành cho học trò.
Thầy Coor Tâm bên lớp học ghép do mình chủ nhiệm. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
1. Gió núi vẫn dặt dìu theo bước chân của lũ học trò vùng cao đến điểm trường Tiểu học Atu 1 (xã Ch’Ơm, Tây Giang). Từ nhà, các em phải vượt hơn 2 cây số đường rừng hiểm trở để đến trường. Các em tự đến, rồi tự về như một mặc định của “số phận con chữ” ở vùng cao này. Thầy giáo Coor Tâm nói với tôi, rằng các em vốn quen như thế, từ khi còn bé xíu. Đó là những tháng ngày lớn lên trên lưng mẹ, suốt bao mùa rẫy. Gian khó, dường như với đồng bào là điều hiển nhiên, khi cuộc sống luôn được ví như cỏ cây giữa rừng. Và con chữ, như lúa nương bám víu lấy núi đồi mà vươn lên.
Thầy Tâm bước vào lớp, lũ học trò đứng dậy vòng tay chào. Tôi xin phép thầy Tâm được chụp hình giờ học. Những đôi mắt tròn xoe, tò mò trước ống kính của khách. Đây là lớp học ghép lớp 1 và 2. Những bộ bàn ghế đã quá cũ được xếp ngay ngắn trên nền đất theo hai hướng đối lập. Ranh giới của lớp là nơi các em tựa lưng vào nhau. “Đứng lớp chung, mỗi thầy cô phải tự biết điều tiết linh hoạt theo từng môn học của các lớp. Ví dụ, cho lớp này làm bài tập để sang lớp kia dạy kiến thức, giảng bài. Nếu không, sẽ trùng nhau, tự làm khó mình” - thầy Tâm chia sẻ. Phòng học thầy Tâm đứng lớp chỉ chừng 20m2, nhưng có đến gần 30 học sinh. Học sinh lớp nào cũng chăm chú theo bài giảng của thầy và tập trung làm bài tập khi thầy dạy lớp kia. Chỉ chừng đó thôi, thầy Tâm nói mình cảm thấy hạnh phúc rồi. Hạnh phúc của thầy Tâm, cũng là hạnh phúc chung của các thầy cô giáo ở điểm trường Atu 1, khi chứng kiến học trò hiền ngoan mỗi ngày. Thầy Tâm mở màn hình điện thoại, hiện ra những hình ảnh về hành trình đến lớp của học trò, được chính thầy cô ghi lại. Đó là thời điểm mưa lớn vài tuần trước, đường trơn trượt, nhưng các em vẫn cố gắng đến trường. Nhưng cũng nhờ có các thầy, bước đường của các em bớt phần nhọc nhằn, hiểm nguy khi vượt qua đoạn suối, con dốc dựng đứng. Thầy cõng học sinh đi, không áo mưa, không cặp sách… Xem những hình ảnh đó, chúng tôi ai cũng thấy mắt mình nhòe cay.
2. Trưa, tôi theo chân thầy Tâm về phòng ở giáo viên của điểm trường. Căn phòng nhỏ, vách chắp vá từng tấm phên, miếng ván, nhưng khá ngăn nắp. Một giáo viên khác, là thầy Coor Nhép đang lụi hụi nấu cơm, sau buổi dạy trên lớp. Dù có vách ngăn nơi ngủ nghỉ và bếp nhưng khói vẫn tràn lên, cay tận sống mũi. Thầy Nhép nói, hai người sống với nhau như anh em ruột thịt. Vì thế, công việc bếp núc, giặt giũ cũng chẳng ai phân ai. Hễ xong việc dạy học là vào bếp. Cứ thế, miết rồi cũng quen. Cả thầy Tâm và thầy Nhép đều là người Cơ Tu ở xã Tr’Hy. Thầy Nhép kể, thời các thầy đi học còn khổ gấp chục lần bây giờ. Thiếu ăn, thiếu mặc, mùa giáp hạt nhiều khi tưởng chừng không đủ sức để vượt qua. Nhưng rồi, mọi chuyện cũng qua, những cậu học trò nghèo đói năm xưa giờ đã trở thành “nhân chứng sống” cho chính con em đồng bào mình, như một sự tiếp sức trên hành trình gieo hạt con chữ được no tròn.
Thầy Nhép kể, sống với bà con ở Atu 1 như sống với người nhà của mình. Là bởi, bà con dù nghèo khó nhưng rất giàu cái tình, cái nghĩa. Ngôi trường mới, và cả căn phòng ở cho giáo viên cũng đều do bà con hiến đất, rồi cùng dựng lên mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Nếp sống hào phóng của người vùng cao đẹp như con trăng đầu mùa, vẫn giữ được từ bao đời. “Thỉnh thoảng có cái gì ngon, cũng đều ưu tiên cho thầy cô giáo trước. Bà còn ở đây vốn vậy, từ bó rau, miếng thịt,… cũng chia sẻ với thầy cô. Họ đùm bọc thầy cô giáo hệt như con em trong nhà”. Thầy Nhép vừa dứt lời, một người đàn ông tuổi trạc 40 đến gõ cửa mời ăn cơm mừng nhà mới. Phía trước ngõ, tiếng của người làng rôm rả…
Tấm lòng cô Nhun Ở Atu, chúng tôi còn nghe câu chuyện của cô giáo Pơloong Thị Nhun, nhiều tháng trước phải một mình vượt núi cõng học sinh về nhà khi trời mưa to gió lớn. Gặp chúng tôi, cô Nhun nói, không còn cách nào khác, khi chờ đến cuối chiều không thấy người nhà đến đón các em về. “Mình biết lúc đó ở nhà chỉ còn mấy cụ già, bố mẹ các em đều trên rẫy. Mình không cõng, để các em tự về như mọi khi, mưa lớn, suối lũ dọc đường, nguy hiểm lắm” - cô Nhun nói, rồi dắt tay đưa lũ học trò trở về nhà. Lần này thì khác, trời không mưa, nhưng là cuối tuần, cô Nhun về thăm chồng con ở dưới trung tâm xã Ch’Ơm, tiện đường nên đưa học trò cùng về. Chênh vênh trên sườn núi, bóng của cô trò hệt như những đóa hoa pơlang bung nở, reo vui giữa khúc nhạc rừng. |
3. Trở về từ Atu 1, câu chuyện về thầy giáo Pơloong Đíp (giáo viên Trường THCS liên xã Ch’Ơm - Ga Ry, Tây Giang) ở thôn Atu 2 được người dẫn đường kể lại khiến chúng tôi tò mò và quyết định ghé thăm. Lội thêm chừng 5 cây số đường rừng, hiện ra trước mắt chúng tôi điểm trường Atu 2 vừa được dựng trên nền đất rộng rãi ở đầu làng. Thầy Đíp đang ở điểm trường kiểm tra lại hệ thống nhà vệ sinh, bồn nước. Có khách, thầy bỏ dở công việc, đón chúng tôi như người bạn cũ, thân tình. Ngôi trường làm bằng gỗ, gồm 3 phòng học, là nơi học tập cho hơn 30 học sinh địa phương. Thầy Đíp nói, kinh phí xây dựng trường gần 200 triệu đồng, được thầy vận động từ các nhà hảo tâm. Có trường mới, con em trong làng không phải vượt rừng đến trung tâm xã học, bố mẹ cũng yên tâm lo công việc gia đình. “Hồi đó, thấy các em đi học cực quá, mình đề xuất ý tưởng với nhà trường cho mở điểm trường ở Atu 2. Rồi mình tự vận động, hiến đất và huy động lực lượng xây dựng mặt bằng làm nơi dựng trường mới” - thầy Đíp chia sẻ.
Gió chiều lồng lộng. Làng Atu 2 bình yên trên mặt bằng mới rộng thoáng. Thầy Đíp đứng giữa sân trường nhìn chúng tôi, rạng ngời niềm vui. Hàng chục năm rời bản làng đi học, cuối cùng ước mơ của người thầy vùng cao cũng đã thành hiện thực. Dù ước mơ đó có thể chưa trọn vẹn, nhưng với thầy Đíp và cả người dân Atu 2 này, đó đã là một kỳ tích, mà chính người con của làng mang về. Thầy Đíp, cũng là một trong số hiếm hoi người con ở Atu 2 có hai bằng đại học loại ưu của Trường Đại học Sư phạm Huế và Trường Đại học Nông lâm Huế. Ra trường, Pơloong Đíp tình nguyện trở về dạy học tại Tây Giang, vun vén ước mơ góp sức xây dựng quê hương miền núi vốn còn nhiều khó khăn bằng cách truyền đạt kiến thức cho các lớp thế hệ đàn em.
*
* *
Chiều muộn, sương núi xuống rất nhanh. Thấp thoáng phía cuối con đường gồ ghề bùn đất, tình cờ chúng tôi gặp lại thầy Tâm, thầy Nhép, trên đường về nhà tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần. Trên tay, những đóa hoa rừng - món quà duy nhất mà các thầy nhận được từ học trò của mình, dành tặng ngày 20.11. Niềm vui theo bước chân về xuôi…
ALĂNG NGƯỚC