Họa núi đè

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG 11/11/2017 06:30

Chưa bao giờ người dân vùng núi Bắc Trà My lại phải sống trong cảnh thắc thỏm như vậy. Mưa thối trời, thối đất. Những chỗ tưởng chừng là sẽ an toàn nhất, vững chắc nhất, như núi, cuối cùng lại khiến người ta phải vong mạng. Núi trở mình trong đêm, vặn riết, cuốn trôi mọi thứ. Phận người mong manh, chỉ còn biết phó trong cơn giận dữ của thiên nhiên.

Sạt lở núi ở xã Trà Bui, Bắc Trà My.  Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Sạt lở núi ở xã Trà Bui, Bắc Trà My. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

1. Họ sợ. Nên chỉ cần một thông tin trên trời rơi xuống là chạy. Không lạ khi người dân cả huyện chạy nháo nhào khi nghe thông tin vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2. Tôi đã chứng kiến người vợ nói như hét lên với ông chồng mình: “Bỏ hết đi. Không cần chi hết. Chạy mau chứ không chết!”, rồi nước mắt lã chã tuôn đầy trên má. Cũng dễ hiểu, trong thời điểm đó họ chỉ theo hiệu ứng đám đông, thấy người ta chạy mình cũng chạy. Bởi cách đây mấy năm, họ cũng đã từng chạy: động đất Sông Tranh 2! Niềm tin cũng vì thế mỏng dần đi khiến họ không đủ tỉnh táo phân tích tình hình. Họ chỉ sợ, nếu thủy điện Sông Tranh 2 vỡ đập, thì “quả bom” chứa 700 triệu mét khối nước đó sẽ tàn phá đến mức không ai dám tưởng tượng.

Người dân Trà My thắc thỏm. Mà mưa gió ngập trời, thông tin chính thống đâu thể đến nhanh với dân như ngày thường được. Đến núi cũng lở toang, thì ai còn đủ bình tĩnh mà suy xét thực giả. Mười mấy mạng người đã bị chôn vùi dưới núi rồi. Tang thương bao trùm. Không chỗ nào giờ có thể gọi là an toàn tuyệt đối. Đơn giản ở địa hình này thường nhà nào cũng tựa lưng vào núi. Tai ương có thể ập xuống bất cứ lúc nào. Như trường hợp 3 ngôi nhà của các ông Ngô Văn Tiên, Ngô Văn Mẫn, Ngô Văn Thông (xã Trà Giang) bị núi lở vùi lấp khiến ông Nguyễn Duy Tứ (84 tuổi, cha vợ ông Tiên) đang ngồi trong nhà bị nhấn chìm. Đó được coi là nơi tuyệt đối an toàn, bởi dãy nhà này nằm cách xa sông Trường 100m, ở phía sau hoàn toàn không có nguy cơ bị sạt lở. Nhưng ai có thể ngờ được ngọn núi ở phía bên kia sông bất ngờ đổ ụp xuống sông Trường, tạo thành cơn sóng thần ập vào 3 ngôi nhà rồi kéo tất cả xuống dòng nước dữ. “Đến như vậy thì phải nói cơn giận dữ của thiên nhiên quả thật khó lường” - ông Huỳnh Ngọc Thiệu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My lắc đầu.

Hay như trường hợp ông Nguyễn Văn Sơn (70 tuổi, ở thôn 3, xã Trà Nú, huyện Bắc Trà My), đang ngồi trong nhà thì bất ngờ một ngọn núi gần nhà sạt lở chôn lấp. Đây cũng được coi là một trong những điểm rất an toàn, những năm trước khi có lũ lụt thì con cháu của ông đều phải tập trung lên đây để tránh lũ. Vậy nhưng sự rủi ro đã không chừa bất cứ nơi nào...

Mới đây nhất, trong sáng 9.11, hơn 20 hộ dân ở thị trấn Trà My cũng phải tháo chạy khi ngọn núi ngay phía sau nhà rùng rùng chuyển động. Bà Nguyễn Thị Vui (62 tuổi, tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My), là chủ của một tiệm kinh doanh khá lớn, chỉ kịp cầm theo những giấy tờ cần thiết trong lúc chạy trốn cơn  chuyển mình của núi. Sống ở đây cũng vài chục năm, chưa bao giờ bà phải chạy như thế cả. “Huyện đã từng xuống nhà, nói vùng này không phải là an toàn tuyệt đối nên buộc ký vào biên bản, để khi tổ chức di dời dân thì mình phải đi ngay lập tức. Lúc đó, ký thì ký đó thôi, nhưng trong đầu nghĩ, chẳng bao giờ chuyện đó xảy ra cả. Ngay cả những đợt lũ kinh hoàng như năm 1996, 1999 còn chưa hề hấn chi mà…” - bà Vui nói. Nhưng giờ thì bà chạy. Không cần biết lực lượng bộ đội cùng thị trấn đang giúp mình dọn dẹp những đồ đạc gì, bà chỉ kéo con cháu chạy.

Gánh bún của bà Nguyễn Thị Xuyến (65 tuổi, tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My) mới vơi bớt nửa thì lực lượng của huyện xuống nói bà phải di dời. Tần ngần trước gánh bún dang dở, nhưng rồi bà cũng tất tả qua nhà hàng xóm, lặng người đứng nhìn người ta xếp đồ đạc giúp mình. Sống ở đây từ năm 1977, bà chưa lần nào phải chạy lũ. “Mới cách đây mấy hôm, nhìn cảnh tang thương của hàng xóm, tự nhiên ớn lạnh. Đến núi cũng đổ thì khó lường quá. Cả gia đình chỉ trông vào gánh bún, giờ mà đổ sập xuống cả căn nhà thì chẳng biết mần răng” - chỉ nói đến đó, rồi như lo sợ điều xấu nhất sẽ xảy ra, mắt bà đã nhòe.

Cảnh lở núi, sập nhà khiến cho người dân Bắc Trà My rất hoang mang.Ảnh: N.DƯƠNG
Cảnh lở núi, sập nhà khiến cho người dân Bắc Trà My rất hoang mang.Ảnh: N.DƯƠNG

2. Giờ, người dân Bắc Trà My giống như người lạc giữa màn mưa trắng xóa và núi đồi như đang trong cơn chuyển mình dữ dội. Chạy! Nhưng chỉ chạy một cách vô thức. Như thể khi chạy, mình sẽ có cơ may sống sót. Trước mắt, cứ cảm thấy chỗ nào an toàn hơn thì vào đó ở tạm. Rồi ngóng. Như trên thôn 4 xã Trà Bui, là nơi đang được cho là an toàn hơn cả. Bởi ở phía kia, núi đã lấp đi 10 ngôi nhà. Hơn 60 hộ dân của thôn 5, 6 cũng đã về đây tá túc. Nhưng cũng chỉ là điểm dừng chân chẳng đặng đừng. Dưới chân, đất vẫn đì đùng nổ. Nếu giờ mưa lớn, lại sạt lở ở thôn 4 thì họ cũng chẳng biết chạy vào đâu. Tất cả đã hoàn toàn bị chia cắt, cô lập. Khi đó, họ chỉ biết ngước mắt về phía núi, cầu xin một điều kỳ diệu.

Chúng tôi đặt nghi vấn, việc lở núi bất thường trên địa bàn liệu có liên quan đến động đất liên tục mấy năm qua hay không, bởi ngay khi xảy ra sạt lở như ở thôn 5 xã Trà Bui thì có tiếng nổ lớn từ lòng đất, kèm theo rung chuyển. Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện cho rằng, chưa có cơ sở để nhận định như vậy. “Do lượng mưa quá lớn, kéo dài nhiều ngày nên các vỉa đất đá đã bị dịch chuyển. Liệu có ảnh hưởng từ các trận động đất hay không mình không đủ cơ sở để khẳng định được” - ông Tuấn nói.

Ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My trong những ngày này chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Tin dữ liên tục ập đến trong những ngày qua khiến ông phờ phạc. “Chưa có năm nào như năm này. Dù đã dự tính hết tất cả những phương án. Di dời dân những nơi nguy hiểm đến nơi an toàn hơn, nhưng cuối cùng, vẫn không thể lường được là nó khốc liệt đến thế” - ông Tuấn nói. Hiện nay, dân cư trên địa bàn huyện hầu như đều được đặt trong tình trạng báo động, chỉ cần có biểu hiện sạt lở là lập tức di chuyển. Khó nhất là những thôn ở vùng cao đã bị chia cắt như thôn 7, 8, 9 xã Trà Bui; nhiều xã bị cô lập chưa tiếp cận được như Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka... vẫn đang thắc thỏm. Trong một huyện mà địa hình đồi núi vây quanh, dân cư chủ yếu sinh sống ở đó thì rất khó để đảm bảo an toàn tuyệt đối. “Nóc Xơ Rơ của thôn 4 xã Trà Bui là một trong những nơi nguy hiểm nhất, bởi ở đó đang tập trung rất đông dân cư trên một triền núi. Nếu xảy ra chuyện thì không biết phải thế nào, vì đã bị cô lập mất rồi. Giờ, có muốn quy hoạch, sắp xếp dân cư ở những vùng an toàn cũng rất khó. Bởi đây đâu phải là vấn đề nói là làm được ngay đâu. Nguồn kinh phí ở đâu, mặt bằng ở đâu? Trong khi nguồn lực của huyện cũng chỉ đến thế?” - ông Tuấn nói, giọng trượt dài.

Khi mưa mới bắt đầu lớn hạt, một phần mố đập của hồ Nước Rôn có dấu hiệu bị lở. Xác định hơn 5.000 người dân ở trong vùng xã Trà Đông, Trà Dương có thể bị ảnh hưởng nặng nếu đập này có sự cố nên huyện đã làm việc với Ban quản lý hồ chứa để bàn phương án di dời dân. Hai ý kiến ngược nhau được đưa ra: phía huyện muốn đưa dân ra trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thôn 2, xã Trà Dương) để ở tạm; phía ban quản lý kiến nghị nên đưa dân vào ở tạm tại các trụ sở UBND xã và trường học tại đó. Tranh cãi xảy ra, nhưng phía chính quyền huyện Bắc Trà My đã quyết định: “Dân tôi, tôi sẽ lo”. Nếu không có sự cương quyết đó, thì hàng ngàn hộ dân Trà Đông, Trà Dương đã bị dòng nước cô lập khi lũ đổ về làm ngập hàng trăm ngôi nhà của họ. “Dù biết ai cũng lo cho tính mạng của người dân cả. Nhưng vì mình ở địa phương này, mình biết con nước thế nào, địa hình ra sao nên phải quyết. Tránh được thiệt hại chừng nào hay chừng đó, chứ như giờ, người dân đã quá khổ rồi”- ông Tuấn phân trần.

Mưa vẫn tiếp tục nặng hạt. Đài lại tiếp tục báo áp thấp nhiệt đới sắp đổ bộ nữa. Người dân chỉ biết trông chờ nó sẽ tan đi, biến mất. Chứ giờ, họ đang hết chỗ để bấu víu. Những gia đình có người thân bị vùi trong núi, giờ cũng chưa thể tìm thấy thi thể, chỉ còn biết chắp tay lạy về phía núi. Những người đang chạy nạn, một cách vô thức, cũng nhìn về phía núi, khẩn cầu...

Ghi chép của NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Họa núi đè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO