Không uống rượu được, thôi thì ngồi nhâm nhi cà phê vậy - tôi bảo. Họa sĩ Nguyễn Ba gật đầu đồng ý. Và hai chúng tôi kéo tới quán cà phê khá tĩnh lặng ở đường Trần Quý Cáp, thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) để chuyện trò với nhau. Phố núi mùa đông, trời sụt sùi lúc nắng lúc mưa, buổi trưa thưa vắng người qua lại, chúng tôi ngồi “ôn cố” một thời chưa xa…
Họa sĩ Nguyễn Ba. |
Từ pa nô và tranh cổ động
Năm 1985. Giã từ vũ khí, giã từ chiến trường K., tôi về lại quê nhà và làm phóng viên của Đài Truyền thanh Tiên Phước. Lúc bấy giờ, Phòng Văn hóa - thông tin và cơ quan tôi ở sát kề nhau, phía sau là khu tập thể tranh tre nứa lá chung vách liền phên. Rảnh rỗi, tôi thường hay ghé sang “hàng xóm” chơi, thấy một thanh niên dáng cao gầy, suốt ngày hí hoáy kẻ vẽ pa nô, áp phích. Thấy tôi ló mặt sang, anh chào bằng nụ cười hiền rồi cắm cúi với công việc. Đó là họa sĩ Nguyễn Ba. Tôi quen biết anh từ đó. Họa sĩ Nguyễn Ba khác hẳn với anh em trong Đội thông tin cổ động, không rượu chè đàn đúm, không tụ bạ kể chuyện tiếu lâm rồi ôm bụng cười… Ai nói gì cũng cười. Anh thích cà phê. Còn tôi ghiền rượu gạo. Anh thích ngồi lặng lẽ nhìn đời qua khói thuốc. Còn tôi ưa xô bồ với đám đông để “bán trời không văn tự”. Vì thế, tôi gia nhập “hội rượu gạo” của Đội thông tin cổ động, xong giờ làm việc buổi chiều là ới nào Mãn, nào Trường, nào Phát… “gầy độ nhậu” ở khu tập thể tranh tre nứa lá uống đến tả tơi mới thôi!
“Hồi đó mình không ham rượu chè vì tửu lượng thấp, nhấp môi một tí, mặt mày đỏ gay như gà chọi” - họa sĩ Nguyễn Ba cười bảo với tôi. Hồi đó, Đội thông tin cổ động có mười mấy nam nữ diễn viên nhưng bộ phận kẻ vẽ chỉ có hai người là Nguyễn Dũng và Nguyễn Ba. Dũng làm một thời gian rồi lặng lẽ rút lui vì cực nhọc quá, suốt ngày cứ loay hoay với bột màu, cọ vẽ, băng rôn khẩu hiệu… Chỉ còn Nguyễn Ba bám trụ. Công việc bù đầu. Năm nào cũng vậy, ngoài dịp tết cổ truyền, còn có lễ trọng: Ngày thành lập Đảng 3.2; ngày giải phóng miền Nam và Quốc tế Lao động 30.4 và 1.5; ngày thương binh liệt sĩ 27.7; Quốc khánh 2.9; ngày hội giao quân… Đó là chưa kể các cơ quan đoàn thể tổ chức đại hội, đón nhận danh hiệu này nọ. Mỗi sự kiện phải có pa nô, áp phích, băng rôn khẩu hiệu… treo dán khắp nơi, tạo không khí cổ động trực quan sinh động. Và họa sĩ Nguyễn Ba là người cáng đáng công việc đó, bởi đâu có ai san sẻ. “Bạn bè bảo, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, mình lặn mất tăm chẳng thấy đâu. Cũng đúng thôi, hơn hai mươi năm qua, mình chẳng sáng tác được gì, chỉ vẽ tranh cổ động. Điều an ủi là mình có 2 bức tranh cổ động được chọn in trong Tuyển tập tranh cổ động Việt Nam do Cục Tuyên truyền - triển lãm (Bộ VH-TT&DL) xuất bản năm 2010” - họa sĩ Nguyễn Ba cười hiền.
Niềm đam mê sáng tác được khơi gợi lại trong tâm hồn họa sĩ Nguyễn Ba khi tỉnh Quảng Nam được tái lập. Tiên Phước không còn là “xứ núi” xa xôi cách biệt mà trở thành vùng phụ cận phía tây Tam Kỳ. Bạn bè văn nghệ lên chơi Tiên Phước, khích bác hoài khiến họa sĩ Nguyễn Ba không thể không bước ra ngoài hội trường của cơ quan. Anh cầm cọ vẽ tranh. Rồi anh tham gia Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh.
Những sáng tác nghệ thuật của anh khi bắt đầu cầm cọ được bạn bè ở Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, Huế… góp ý, khích lệ, nhờ thế anh tự tin hơn. “Trước đây, cuộc sống khó khăn, việc mua cọ, khung vải… là cả một vấn đề! Bây giờ mọi thứ đều không quá tầm tay với. Khung toan của Đài Loan, Trung Quốc chỉ độ vài ba trăm nghìn đồng một cái. Còn vải vẽ, khung tranh của Ý, Hà Lan… tuy có đắt hơn một chút nhưng cũng ở tầm 500 - 600 nghìn đồng/cái. Việc mua sắm “đồ nghề” để vẽ tranh cho thỏa niềm đam mê, vì thế cũng dễ dàng hơn” - anh Ba bảo với tôi.
Làng quê vào tranh
Cuối năm 2015, họa sĩ Nguyễn Ba xin nghỉ hưu trước tuổi. Và bắt đầu từ đấy anh được thảnh thơi, thoải mái đi chơi. Với chiếc xe máy, anh lang thang khắp nơi trong huyện, nhiều hôm hứng chí anh đi lên hồ Việt An hoặc đến hồ Phú Ninh ngắm nhìn phong cảnh và vẽ tranh. “Mình thích cảnh quê yên bình tĩnh lặng nên sáng tác về đề tài này” - anh nói. “Hình như ông thích chất liệu acrylic?” - tôi hỏi. Anh cười: “Đi chơi và vẽ, chất liệu arcylic mau khô hơn. Các chất liệu khác, như sơn dầu chẳng hạn, vẽ xong không thể đem về được vì dính ướt, khó giữ lắm!”.
Quê nhà, tranh acrylic của Nguyễn Ba. |
Vui chuyện, họa sĩ Nguyễn Ba cho hay, mấy năm gần đây anh vẽ đều đặn hơn, nét cọ phóng khoáng hơn, sắc màu có hồn hơn. Hiện anh đã có không dưới ba chục bức tranh phong cảnh làng quê. Thú thực, tôi là dân “ngoại đạo” về lĩnh vực hội họa nhưng ngắm nhìn những bức tranh của anh, lòng tôi cứ bồi hồi xúc động. Dòng sông Tiên vào mùa nước cạn với sắc ráng pha trong buổi chiều tà; cánh đồng bậc thang nhỏ hẹp với hòn đá đen và cây rơm vàng; ruộng lúa gặt xong, con trâu nằm giữa vũng bùn nhẩn nha… Những cảnh ấy sao vừa quen vừa lạ! Quen vì nó quá gần gũi thân thuộc với tuổi thơ tôi, còn lạ vì sắc màu, vì tiền cảnh hậu cảnh cứ như thực như mơ…
Có rất nhiều người yêu thích tranh phong cảnh làng quê của họa sĩ Nguyễn Ba chứ không riêng gì tôi. Họ động viên khích lệ anh tiếp tục sáng tác với đề tài đã chọn. Bức tranh Suối Bình An (đoạn suối chảy qua cầu Đá Nhảy thuộc địa phận xã Tiên Mỹ), được anh vẽ bằng những nhát cọ phóng khoáng. Làn nước trong lành lững lờ trôi với đôi bờ tre soi bóng khiến tôi cứ ngắm nhìn mãi và không khỏi ngỡ ngàng ngạc nhiên. Làn nước mát lành được thể hiện trong bức tranh gợi về mạch nguồn hoang sơ vẫn vẹn nguyên. Cũng vẽ làn nước mát lành của dòng sông Tiên (hay dòng sông Khan?), bức Khúc chiều của anh lại đem đến cho người xem cái cảm giác hoang vắng tịch liêu nhưng không hề lẻ loi cô độc. Phía chân trời xa, ánh hoàng hôn hắt những tia nắng của ngày sắp tàn lên những dải mây trắng xám quần tụ trên cao, phản quang xuống dòng sông làm mặt nước bừng sáng, ấm áp. Những bờ cây, bụi cỏ ven sông sẫm tối song không hề u ám. Bức tranh Khúc chiều gợi cho tôi nhớ cảnh hoàng hôn buông phía dãy Cửa Rừng trong những chiều hè khi đứng trên bờ đê Hố Quờn nhìn về Tiên Châu. Sương muộn là bức tranh vẽ một góc làng cổ Lộc Yên nên thơ hữu tình. Khi ngày lên, ánh nắng chan hòa nhưng sương muộn vẫn còn bảng lảng như những làn khói mỏng quấn quýt trên những vườn cây và trong khung cảnh bình yên ấy, trâu mẹ và trâu con gặm cỏ trên đồng… Càng ngắm nhìn cảnh quê với sắc màu vàng sáng ấm áp của bức tranh, người xem càng thêm yêu quê da diết.
“Biết mình chịu khó vẽ tranh sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng, bạn bè ở Hội An cứ giục mở một triển lãm tranh cá nhân tại phố cổ” - họa sĩ Nguyễn Ba cho tôi hay. “Và anh có đồng ý?” - tôi tò mò hỏi. Họa sĩ Nguyễn Ba cười hiền. Lát sau anh bảo với tôi, nếu anh thích, bạn bè ở Hội An sẽ đứng ra giúp đỡ, lo liệu hết mọi chuyện. Tuy nhiên, anh vẫn còn chần chừ do dự. Bởi những sáng tác của anh được bạn bè đánh giá cao, được người xem yêu thích nhưng anh tự nhận thấy cần phải chỉnh sửa mới hoàn thiện. Để làm được điều đó cần phải có thời gian. “Hiện giờ mình chỉ thích đi lang thang khắp nơi và cầm cọ vẽ khi có hứng. Mình muốn sáng tác thêm một số tranh nữa để có sự lựa chọn…”. Anh nói. Và tôi nghĩ, như thế cũng tốt. Anh là họa sĩ của làng quê, cảnh quê, vẽ càng nhiều càng quý. Cuộc sống của người dân vùng nông thôn đã và đang đổi thay từng ngày, ắt làng quê cũng sẽ có những thay đổi theo xu hướng “thành thị hóa nông thôn”. Lúc đó, liệu có còn những làng quê, cảnh quê yên bình tĩnh lặng…?
NGUYỄN TAM MỸ