Với họa sĩ Giang Nguyên Thái, dù sau này có triển lãm ở những nơi sang trọng, nhưng “gallery” đặc biệt nơi chiến trường Khu 5 vẫn lộng lẫy trong ký ức...
Giang Nguyên Thái sinh năm 1943 tại Hà Nội, nguyên là Giám đốc Trung tâm triển lãm Vân Hồ - Hà Nội. Tháng 10.1969, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, ông được Bộ Văn hóa cử vào chiến trường để tăng cường cho văn nghệ miền Nam.
Hơn 5 năm công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng Khu 5, ông đã đi hầu khắp các địa phương của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum..., từ đồng bằng cho đến vùng cao, từ vùng giải phóng đến vùng ác liệt, ở đâu có trận đánh, có gương anh hùng thì ở đó có ông và đồng đội. Hiện ông là Trưởng ban Liên lạc Ban kháng chiến Khu 5 tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Những tác phẩm Khu 5
Họa sĩ Nguyễn Giang Thái cho biết, từ ngày 11 - 13.5, đoàn Văn nghệ sĩ kháng chiến Khu 5 thời kỳ chống Mỹ sẽ về Quảng Nam thăm lại chiến trường xưa. Theo lịch trình, đoàn sẽ đến viếng hương và dâng hoa tại Bảo tàng Quân khu 5; Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng; Nhà lưu niệm Chủ tịch nước Võ Chí Công; Nhà thờ cụ Huỳnh Thúc Kháng; Căn cứ Nước Oa; Căn cứ Khu ủy Khu 5; Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn cùng nơi hy sinh của các văn nghệ sĩ...
Ba tháng trời vượt Trường Sơn, Giang Nguyên Thái vào chiến trường trong giai đoạn đất nước dầu sôi, lửa bỏng. Hồi đó cả Khu 5 đói nặng, gạo từ miền Bắc chi viện không vào được vì tuyến 559 bị địch đánh phá ác liệt.
Đơn vị di chuyển nhiều lần từ Nam Trà My, đến Bắc Trà My, cuối cùng đóng ở Trà Nô. Cùng với nhiệm vụ chính là sáng tác, đơn vị phải sản xuất lương thực để tự cung, tự cấp.
Ở chiến trường, sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc, nên phải tranh thủ từng chút một để vẽ phác thảo, ký họa ngay những gì mình đã gặp. Xem những bức ký họa, có thể thấy người họa sĩ này đã qua nhiều vùng đất của Quảng Nam như Hiệp Đức, Duy Xuyên, Trà My, Điện Bàn, Tiên Phước, Phước Sơn...
Ông đã đi và đã gặp biết bao con người kiên trung. Đó là người mẹ du kích trụ bám để đấu tranh chính trị với địch, không cho chúng xúc đất của dân; là người mẹ đấu tranh thoát khỏi khu dồn và vận động bà con trở về làng cũ giữa những ngày mất trắng dân trong những năm ác liệt. Hình ảnh các mẹ, các chị với cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng toát lên sự mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất, một lòng theo cách mạng, sẵn sàng đón nhận cái chết về mình...
Không chỉ hình ảnh của những người dân trụ bám, người họa sĩ này còn khắc họa về những chàng trai, cô gái tuổi hai mươi tràn đầy sức sống. Vượt qua khó khăn, thử thách, họ là bộ đội địa phương, du kích Quảng Nam, Quảng Đà đã bám địa bàn, đánh địch càn quét, tổ chức những trận đánh làm cho quân địch nhiều phen khiếp vía.
Những cụ già lái đò, giao liên 10 năm liền, đưa cán bộ qua sông Thu Bồn; du kích xã Poa của Trà My vót tên đánh giặc. Ấn tượng nhất là những thiếu nhi trẻ tuổi như em Nghia 15 tuổi - du kích làng Gia Ngàn (Phước Sơn); em Tượng - du kích xã Lộc Thuận (Đại Thắng) 14 tuổi mà đã diệt 71 tên địch, đánh 20 trận...
Ông kể, niềm vinh dự khi ở chiến trường, là được giao nhiệm vụ vẽ chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát để chuẩn bị cho một cuộc mít tinh lớn tại căn cứ Khu 5. Lúc đó rất thiếu thốn: giấy vẽ thì đi xin, than vẽ thì đốt củi, màu đỏ là thuốc sát trùng của y tế, phải mất gần một tuần lễ ba bức chân dung mới hoàn thành.
Cứ sau một đợt đi công tác về, thì bày ký họa ra để đồng bào xem. Những tấm ny lon được căng quanh lán trại, các ký họa được đính lên bằng cơm nếp. Với ông, dù sau này trải qua bao lần triển lãm, nhưng “gallery” đặc biệt nơi chiến trường vẫn vô cùng lộng lẫy trong ký ức, bởi kịp thời phục vụ cuộc sống, chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ và nhân dân.
Những năm tháng ở chiến trường Khu 5, bao lần suýt chết, nhưng ông được nhân dân chở che, đùm bọc. Đó là những ngày tháng đẹp, những kỷ niệm sâu sắc, về những con người, vùng đất họ đã từng sống, chiến đấu.
Tấm lòng với mảnh đất
Hơn 5 năm ở chiến trường, họa sĩ Giang Nguyên Thái vẽ được khoảng 200 bức ký họa. Năm 1976, khi sang tu nghiệp cao học ở Học viện Hàn lâm Mỹ thuật Xôphia - Bungari, ông đã đem theo tất cả số tranh này.
Năm 1978, ông được Hội Mỹ thuật Bungari mời triển lãm hội họa cá nhân ở thủ đô Xôphia. Trong lần triển lãm riêng này, giới thiệu 12 bức tranh sơn dầu sáng tác về đề tài chiến tranh nhân dân và 100 bức ký họa vẽ ở chiến trường. Cho dù Viện Bảo tàng Mỹ thuật Trung ương Bulgaria cần mua, nhưng ông quyết giữ lại vì đây là tài liệu quý, hình ảnh của những đồng đội, có cả những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Sau ngày giải phóng, họa sĩ Giang Nguyên Thái đã rất nhiều lần về Quảng Nam, tìm lại những nhân vật đã vẽ và nhiều người trong số đó không còn nữa. Người anh hùng tên Tượng mà ông họa năm 1972, chỉ sau đó chưa tròn một năm đã hy sinh trong sào huyệt của địch. Bức họa trở thành di ảnh. Ông đã vào Nam, ra Bắc sưu tầm các tác phẩm của các họa sĩ ở chiến trường Quảng Nam, góp công sức lớn cho tập sách ảnh “Quảng Nam trong ký họa thời kháng chiến giai đoạn 1960 - 1975”.
Từ cuốn sách này, nhiều điều bất ngờ như bức vẽ ba cô gái trong lực lượng vũ trang Quảng Đà - đồng đội đã nhận ra liệt sĩ - anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Chiến. Bức vẽ “17 tuổi, đánh trên 20 trận ngay trong thành phố, giữa ban ngày, diệt 250 tên giặc”, dòng ghi chú về nữ biệt động thành Đà Nẵng - Đoàn Thị T. Tên thật của người con gái ấy là Đoàn Thị Tứ. Bức vẽ đề ngày 10.12.1972, dịp đó ông tiếp xúc với Đội biệt động Lê Độ - Đà Nẵng đang đóng tại vùng B Đại Lộc.
Đội biệt động Lê Độ ghi dấu ấn nhiều chiến công thần kỳ của các nữ biệt động, đánh giặc ngay trong thành phố, ngay trong sào huyệt của kẻ thù. Khi về thăm lại Khu di tích Phước Trà, tham quan hội trường - nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Khu 5 lần thứ III, ông vẫn nhớ như in những ngày tháng hào hùng đó, nhớ hình ảnh của anh Năm (tên gọi thân mật của bác Võ Chí Công) thân thương và yêu quý, đó là người anh, người đồng chí trong đại gia đình cách mạng.
Nhớ nhất là ông cùng các họa sĩ Triệu Khắc Lễ, Lê Khắc Cường, Đoàn Văn Nguyên và Phạm Văn Vết được Ban Tuyên huấn và Hội Văn nghệ cử biệt phái sang Khu ủy, nơi đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy làm việc để trang trí mỹ thuật cho Đại hội Đảng bộ Khu 5 khai mạc vào khoảng giữa năm 1973.
Đại hội này tập trung quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “đẩy mạnh hoạt động tấn công địch, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, “mở các chiến dịch lớn tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng trên các chiến trường từ Tây Nguyên đến đồng bằng, tạo thời cơ thuận lợi hướng đến giải phóng các tỉnh trong toàn Khu 5”.
Những người kháng chiến Khu 5 ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, hằng năm nhân ngày tết thống nhất (30.4) và Quốc khánh 2.9 tổ chức gặp mặt kỷ niệm ôn lại những ngày tháng bi hùng ở đất Quảng mà các anh xem đây là quê hương thứ hai của mình.
Vì vậy, các đồng chí trong Ban Tuyên huấn kháng chiến Khu 5 đã cùng nhau góp công, góp của để làm bức tượng chân dung đồng chí Võ Chí Công đặt trên bàn thờ ở vị trí trang trọng nhất tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1 (Núi Thành).
Họa sĩ Giang Nguyên Thái tâm sự: “Làm tượng chân dung lãnh tụ có biết bao khó khăn. Bởi đồng chí Võ Chí Công là người chỉ huy tin cậy, là chỗ dựa về tinh thần vững chắc của quân và dân ta trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng miền Nam. Làm sao để khắc họa cốt cách ấy, vừa mang tấm lòng, tình cảm của anh em kháng chiến Khu 5 là điều không dễ”.