Lần đầu tiên, một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số mà một phần của nó được tạo ra do rô bốt mang tên Sophia được bán với giá hàng trăm nghìn đô la Mỹ.
Cuối tháng 3 vừa qua, thị trường nghệ thuật NFT chấn động khi một bức tranh chân dung vẽ tay của nữ rô bốt hình người nổi tiếng Sophia đạt giá bán gần 700.000USD tại buổi đấu giá ở Hồng Kông. Cũng trong những tháng gần đây, thị trường nghệ thuật NFT bùng nổ giúp nhiều người biết đến tác phẩm nghệ thuật số, làm tăng giá trị nghệ thuật NFT và thu hút nhiều nghệ sĩ tham gia kinh doanh.
Các chuyên gia cho rằng, trong thời đại kỹ thuật số, nơi mà nội dung trực tuyến có thể dễ dàng bị sao chép thì nghệ thuật NFT càng được quan tâm. Bởi, NFT (viết tắt của Non-Fungible Token), là một chứng chỉ xác thực kỹ thuật số không thể sao chép, được lưu trữ nhờ công nghệ blockchain (chuỗi khối), được sử dụng nhằm đại diện cho quyền sở hữu các loại hàng hóa điện tử.
Sophia, rô bốt tiên tiến nhất của công ty Hanson Robotics có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên về phát triển rô bốt giống người với trí thông minh nhân tạo cho các ứng dụng tiêu dùng, giải trí, dịch vụ, chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu.
Để có tác phẩm Sophia Instantiation vừa được bán đấu giá, “nữ họa sĩ” rô bốt Sophia hợp tác với họa sĩ kỹ thuật số người Italy - Andrea Bonaceto (31 tuổi) - người nổi tiếng với những bức chân dung đầy màu sắc, trong đó có bức vẽ người nổi tiếng: tỷ phú người Mỹ Elon Musk.
Sophia Instantiation là một tệp MP4 dài 12 giây thể hiện quá trình biến tranh chân dung của họa sĩ Bonaceto thành tranh số của Sophia và được bán kèm với một bức tranh thật do Sophia tự họa chân dung của chính cô ấy.
Nhà sáng lập Hanson Robotics, ông David Hanson cho biết, rô bốt Sophia đã kết hợp các yếu tố từ các tác phẩm của họa sĩ Bonaceto, lịch sử nghệ thuật hội họa và các bản vẽ hoặc bức tranh vật lý của chính cô ấy trên các bề mặt khác nhau. Còn Andrea Bonaceto khẳng định, sự hợp tác giữa họa sĩ và rô bốt Sophia nhằm mở đường cho rô bốt nhân tạo và con người hỗ trợ nhau phát triển.
Họa sĩ Bonaceto nói: “Chúng tôi muốn khám phá khả năng hợp tác của con người và rô bốt không chỉ trong các nhiệm vụ vận hành mà còn cả những nỗ lực sáng tạo”. Và khi nói về nghệ thuật của mình, rô bốt Sophia cho rằng: “Tôi rất vui mừng về phản ứng của mọi người đối với các công nghệ mới như rô bốt... và rất vui khi được tham gia những hoạt động sáng tạo này. Tác phẩm được bán với giá cao, tôi nghĩ đây là một thành công lớn”.
Rô bốt Sophia được kích hoạt vào năm 2016 với thiết kế để suy nghĩ và cử động, kể cả hình dạng sao cho giống với con người nhất. Nữ rô bốt này có thể trò chuyện và thể hiện các cảm xúc như vui buồn hay bối rối bằng cách sử dụng các phản ứng trên khuôn mặt thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Sophia cũng có khả năng hiểu lời nói và ghi nhớ các tương tác, bao gồm cả khuôn mặt, vì thế rô bốt sẽ thông minh hơn theo thời gian.
Sophia đã đi khắp thế giới, nói chuyện với rất nhiều người nổi tiếng và thậm chí còn được chính phủ Ả-rập Xê-út cấp quốc tịch vào năm 2017. Dù chuyện này từng gây nhiều tranh cãi, nhưng khiến rô bốt Sophia trở thành người máy đầu tiên có quốc tịch. Năm 2018, rô bốt Sophia gây chấn động khi làm mẫu trên tạp chí thời trang Stylist ở Anh.