(QNO) - Chiều 29 và sáng 30 tết, thời điểm giao thừa sắp chạm ngõ, nhưng tại các chợ hoa xuân trên địa bàn tỉnh, người bán cúc, quật, mai xuân như ngồi trên đống lửa vì lượng mua vẫn còn nhỏ giọt, nhiều loại hoa ế ẩm. Nhiều chủ hoa nóng lòng mong thu hồi lại số vốn bỏ ra, chỗ hoa còn lại có thể đem về bán hoa cúng hoặc đưa về quê chăm sóc lại cho năm sau…
Nhiều chủ buôn hoa tết lo lắng phải cắt hoa cúc bán hoa cúng vì lượng cung quá nhiều. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Đêm 29 tết, chợ hoa xã Tam Quang (Núi Thành) vẫn đìu hiu, không sôi động như các năm. Người đến mua hoa lẻ tẻ, nhiều khách mua hoa khó tính, so đo giá cả giữa các chủ bán hơn là chiêm ngưỡng giá trị của chậu hoa. Nỗi lo hằn lên những gương mặt rám nắng suốt cả tuần túc trực bên chợ hoa của những tiểu thương, bởi thời điểm này nhiều chủ hoa vẫn chưa thu hồi được vốn.
Dọc con đường hoa xã Tam Quang, vùng tiếp giáp với xã đảo Tam Hải, hoa cúc vàng tươi chạy dài cả hơn nửa cây số, bông đang dần bung nở, nghinh xuân, song nhiều người mua vẫn còn thờ ơ. Hoa mai có nguồn gốc Bình Định được các tiểu thương đưa về không nhiều, chỉ khoảng 100 chậu nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm.
Ông Trần Minh Hùng (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang) cho biết, suốt 10 ngày qua, ông và nhiều chủ bán hoa Tam Quang dãi nắng dầm sương để trông hoa, mỏi mòn chờ người mua đến lựa và chở đi những chậu cúc vàng rực, dần bung nở rất đẹp nhưng số hoa bán đi thời điểm đêm 29 tết chỉ chưa bằng 1/2 so với năm trước.
“Tết này tôi đem từ Quảng Ngãi về 200 chậu cúc pha lê, đại đóa. Mấy ngày trước tôi bán 500 nghìn đồng/cặp cúc, giờ phải hạ giá còn 450 nghìn đồng/cặp nhưng vẫn ế so với mọi năm, hiện còn tới hơn 50 chậu. Thời điểm này năm trước tôi đã lấy vốn lại và có lãi ít, cỡ 11 giờ đêm thì đã bán xong đi về lo tết rồi. Tình trạng này người bán nhiều hơn người mua, hoa còn nhiều, chưa thu hồi được vốn nên tôi lo lắm” - ông Hùng nói.
Mai chậu đìu hiu, vắng khách mua tại chợ hoa Tam Quang. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Không những ông Hùng mà còn nhiều người bán cúc, bán mai ở Tam Quang cũng hết sức lo lắng mong sớm lấy lại vốn trước sức mua chậm. Theo nhiều tiểu thương, mỗi cặp hoa cúc đã lấy tại vườn với giá 300 nghìn đồng, chưa tính tiền công cán vận chuyển lên xuống, tiền xe, tiền thuê người bán và giữ hoa, tiền thuê người chở hoa… nên phải bán 500 nghìn đồng/cặp thì mới có lãi tương đối.
Anh Võ Văn Nhất - một người bán hoa ở Tam Quang chia sẻ: “Hoa năm nay vẫn đẹp, giá lại vừa phải nhưng người mua thì ít, nhiều người tìm chỗ rẻ để mua, người đi xem hoa thì nhiều chứ chưa có ý định mua, dù đã 28, 29 tết. Tôi đem về 460 chậu cúc và nhiều loại khác, tiền vốn đã gần 100 triệu đồng rồi nhưng giờ chỉ mới bán được hơn 200 chậu, vẫn chưa lấy lại được nửa vốn, chưa tính các khoản khác. Đà này thì lỗ là có chắc rồi vì chỉ tính công cán 10 ngày ròng rã dịp tết này cũng không ít rồi”.
Theo anh Nhất, may là năm nay chính quyền cho người dân bán hoa mà không thu tiền mặt bằng. “Tôi và nhiều người đã tính rồi, nếu bán không hết sẽ chở về cắt hoa ra bán bông cúng tết chứ không bán phá giá, tránh tâm lý người mua hoa năm nào cũng đợi tới đêm 30 tết mới mua vì chờ đợi giá rẻ” - anh Nhất tâm sự. Anh Nhất cho biết thêm, vụ hoa tết năm ngoái, sau khi trừ đi tất cả các khoản, anh kiếm được 7 - 8 triệu đồng nhưng tình hình năm nay khó lường, có khả năng phải cắt bông cúng nhiều vì nguồn cung nhiều hơn cầu.
Chợ hoa cúc Tam Quang chỉ lác đác người mua đêm 28, 29 tết. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Tại các con đường hoa, chợ hoa TP.Tam Kỳ, sáng 30 tết, nhiều chủ buôn hoa cũng rầu lòng vì giao thừa gần điểm nhưng hoa vẫn bán ế ẩm, sức mua rất chậm. Bà Nguyễn Thị Dung - một tiểu thương bán ở đường Thanh Hóa cho biết, cúc tết có nguồn gốc Quảng Ngãi có giá trung bình, không tăng so với năm ngoái nhưng sức tiêu thụ rất chậm, sức mua giảm hơn năm ngoái khiến ai nấy mệt mỏi.
“Hai ngày 29 và 30 tết lác đác người mua nhưng không đáng kể so với các năm. Lượng hoa bán được hiện giờ chỉ tầm bằng 70% số hoa đưa về. Có lẽ đêm nay nếu không bán hết thì số còn lại tôi đưa về cắt ra bán cành cho người dân cúng vào dịp đầu năm để gỡ gạc chứ không bán rẻ” - bà Dung tâm sự. Ông Nguyễn Văn Toàn - một tiểu thương ở khu vực cầu vượt Điện Biên Phủ (Tam Kỳ) cho hay: “Năm nay do thời tiết, mai nở sớm nên người mua chê tơi tả. Tôi đem 180 chậu nhưng chỉ bán được vài chục, chưa lấy được vốn. Khả năng phải đập chậu đem cây về chăm tiếp để năm sau được giá mới bán chứ không thể bán rẻ, phá giá được”.
Tại chợ hoa tết Hội An, trong khi nhiều dòng hoa treo, hoa chuông, đồng tiền, mãn đình hồng, lan… bán khá chạy thì nhiều loại hoa khác như cúc, quật, mai lại bán chậm. Anh Nguyễn Thanh Hà (người dân Quảng Ngãi) chia sẻ: “Hoa cúc này tôi vận chuyển từ Quảng Ngãi ra Hội An để bán. Giá hoa cúc tôi bán tăng 70 - 150 nghìn đồng/chậu so với năm ngoái. Nhưng nhiều ngày qua, tôi chủ yếu bán cho các nhà hàng, khách sạn chứ khách lẻ thì rất ít, sức mua yếu hơn năm ngoái. Hai trăm cây quật của tôi giờ chỉ mới bán được vài chục cây, xu hướng là người mua chọn các cây quật giá rẻ 500 - 600 nghìn đồng cho tới 1,5 triệu đồng, quật giá cao lại khó bán”.
TRIÊU NHAN - PHƯƠNG PHƯƠNG