Hoa tiêu của những con tàu xa bờ

TRẦN THẮNG 17/05/2018 13:49

Ngư dân vùng biển Kỳ Hà (Núi Thành) nhắc tên Đại úy Nguyễn Đức Hòa - cán bộ thông tin Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà với lòng trân trọng đặc biệt. Bởi anh là người thông báo về thời tiết trên biển cho những chuyến tàu xa bờ qua máy Icom...

Tàu cá ngư dân Kỳ Hà vào neo đậu tránh bão tại âu tàu An Hòa (Núi Thành) năm 2015. Ảnh: TRẦN THẮNG
Tàu cá ngư dân Kỳ Hà vào neo đậu tránh bão tại âu tàu An Hòa (Núi Thành) năm 2015. Ảnh: TRẦN THẮNG

Chim báo bão

“Đài Kỳ Hà gọi 37 Tới, Đài Kỳ Hà gọi 37 Tới và 99 Khanh, tàu các anh đang nằm trên đường đi dự kiến của bão số 1, đề nghị nhanh chóng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và giữ liên lạc với đất liền!” - Đại úy Hòa tay cầm máy Icom nói to như quát để át tiếng gió rít liên hồi trong loa. Ở đầu bên kia, giọng nói của các ngư dân vọng lại yếu ớt, thỉnh thoảng ngắt quãng rồi im bặt. Những con tàu xa bờ đang hối hả chạy bão và Đại úy Hòa chính là cầu nối giữa họ với đất liền trong lúc này. Mọi thông báo, hướng dẫn phát ra từ đây không có chỗ cho sai sót. Từ lúc bão tiến vào Biển Đông, chiếc máy Icom được mở 24/24 giờ, còn anh không rời nửa bước khỏi căn phòng nhỏ chừng chục mét vuông màu vàng, căn phòng vừa đủ chỗ cho chiếc bàn và chiếc giường nhỏ để ngả lưng trong những phiên trực dài.

Chỉ tay lên tấm hải đồ nhỏ dán trên tường bên trái cánh cửa, Đại úy Hòa bảo máy Icom đang sử dụng là thế hệ mới, có thể gọi đến tận eo biển Đài Loan nếu thời tiết tốt. Nhưng lúc này anh gọi cho các ngư dân phía nam Hoàng Sa rất khó khăn, chứng tỏ ngoài biển thời tiết đang rất xấu. Hơn 200 con tàu xa bờ của Kỳ Hà gồm 3 xã Tam Quang, Tam Giang và Tam Hải cùng mấy ngàn lao động đang ở vị trí nào, tình trạng ra sao đều được anh cập nhật và theo dõi liên tục. Bởi vậy, ngư dân Kỳ Hà gọi anh là “chim báo bão” bởi tàu nào được anh gọi tên, chắc chắn đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão, cần nhanh chóng thoát ly.

Thượng tá Đinh Đức Liên - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, bảo rằng, ngư dân đánh bắt trên biển có quy luật bất thành văn là không tiết lộ vị trí của mình cho người khác để bảo vệ ngư trường. Bởi vậy, nhiều khi các lực lượng trong đất liền gọi ra chủ tàu thường cố tình nói sai vị trí của mình. Làm vậy có cái lợi trước mắt là được độc quyền khai thác luồng cá nhưng tiềm ẩn nguy cơ đi lạc vào lãnh hải nước ngoài hoặc nguy hiểm hơn là đi vào vùng bão. Nhưng đó là đối với người khác, còn với Đại úy Hòa thì chẳng ngư dân nào giấu vị trí của mình. “Muốn ngư dân nói thật thì mình phải làm cho họ tin tưởng, phải bảo đảm công bằng, không tiết lộ vị trí của họ cho các tàu khác. Nói thì dễ nhưng lấy được lòng tin của bà con không dễ đâu, phải mất hơn mười năm lăn lộn đấy. Lúc đầu một số chủ tàu cố tình báo sai nhưng mình có những mối quan hệ trên biển, chỉ cần kiểm tra chéo những tàu cùng đi trong tổ đoàn kết là dò ra ngay, nhắc nhở vài lần, chẳng ai dám báo sai nữa”  - Đại úy Hòa nói.

Chỗ dựa của ngư dân

Không đánh bắt xâm phạm lãnh hải nước ngoài
Trong khi nhiều tàu cá các tỉnh phía Nam liên tục bị các nước bắt giữ vì vi phạm đánh bắt trong lãnh hải nước bạn còn mấy trăm tàu xa bờ của ngư dân Kỳ Hà nhất mực tuân thủ quy định chỉ đánh bắt trong vùng biển Việt Nam. “Chỉ có tàu duy nhất của ngư dân Phạm Ngọc Viễn bị chết máy trôi dạt vào vùng biển Brunei năm 2012, ngoài ra những tàu cá Kỳ Hà chưa bao giờ bị bắt vì xâm phạm lãnh hải nước ngoài. Đó là nhờ mình nắm chắc vị trí và kịp thời nhắc nhở bà con khi đánh bắt ngoài vùng biển biên giới” - Đại úy Hòa nói.

Ngày 17.7.2017, tàu cá QNa-91838 của ông Bùi Văn Sanh, trú xã Tam Giang (Núi Thành) hoạt động tại tọa độ 17 độ Vĩ Bắc, 111,47 độ Kinh Đông thì bị hỏng máy không khắc phục được phải thả trôi tự do. Lúc này biển động mạnh, gió cấp 6. Sau khi rà soát, Đại úy Hòa gọi Icom cho tàu ông Nguyễn Thanh Vương đang đánh bắt gần đó nhờ hỗ trợ lai dắt vào bờ. Hơn hai ngày sau, hai tàu dắt nhau về tới cảng, đó  cũng là quãng thời gian Đại úy Hòa hầu như không ngủ. Cứ cách hai giờ anh lại gọi ra cập nhật tình hình rồi báo cáo cấp trên. Mùa mưa bão, anh ở đơn vị nhiều hơn ở nhà. Siêu bão Xangsane năm 2006 tàn phá miền Trung, thổi tốc căn nhà của anh nhưng chỉ đến khi con tàu cuối cùng vào được nơi neo đậu anh mới tranh thủ chạy về nhà dọn dẹp. Thuyền trưởng Võ Quang Thái ở thôn Sâm Linh Đông (xã Tam Quang) bảo rằng, ngư dân Kỳ Hà coi Đại úy Hòa như người thân trong gia đình. Nhờ có anh mà những con tàu xa bờ thêm yên tâm bám biển, bám ngư trường.

Ngư dân Kỳ Hà đánh bắt gần như quanh năm tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa với nghề câu mực và lưới vây. Một năm có 9 tháng lên đênh trên biển nên những sự cố hay tai nạn với ngư dân diễn ra như cơm bữa. Những lúc đó, họ đặt trọn niềm tin vào Đại úy Hòa. Lần giở cuốn nhật ký phiên trực, Đại úy Hòa bảo tai nạn nhẹ như gãy tay chân, đau tim, đột quỵ mỗi năm gần chục vụ. Hễ ngư dân gọi về báo có tai nạn là anh kết nối cùng quân y chẩn bệnh từ xa qua Icom và hướng dẫn sơ cứu bằng các trang bị có sẵn trên tàu. Nếu ngư dân bệnh tình trầm trọng đe dọa tính mạng, anh tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đề nghị hỗ trợ từ lực lượng cứu nạn hàng hải. Cũng có những chuyện buồn mà anh bảo đã cố gắng hết sức vẫn không tránh khỏi. Đó là sự cố của tàu ông Lương Tấn Xị xảy ra ngày 31.10.2017. Đại úy Hòa hướng dẫn tàu QNa-91793 có 36 lao động do ông Lương Tấn Xị, quê xã Tam Giang, làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, tránh bão số 12 đang quần đảo ở vùng biển Trường Sa. Ông Xị cho tàu di chuyển vào đảo Song Tử Tây (Trường Sa) chẳng may bị chết máy, bị sóng cuốn va vào đá ngầm rồi chìm dần. Đại úy Hòa cấp tốc gọi cho những tàu đã vào đảo tránh bão từ trước ra ứng cứu, vớt được 34 thuyền viên nhưng không cứu được ông Xị và thuyền viên Nguyễn Ngọc Ban...

TRẦN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoa tiêu của những con tàu xa bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO