Cuộc sống thường ngày

Hoa trên đỉnh Ngọc Linh

TRUNG VIỆT 23/02/2024 09:10

Mồng 5 tôi lên Trà Linh. Nắng ong ong. Sâm đang ngủ đông. Tết còn nguyên đó. Ở trụ sở ủy ban xã, có hai chậu cúc. Nhà của anh Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã có 1 chậu quật lớn. Tết này dân Trà Linh mua cúc, quật từ đồng bằng chở lên.

20240215_113754.jpg
Ngọc Linh mây trắng. Ảnh: T.V

Bạn tôi phàn nàn, rằng hay ho chi mà xuống tới đồng bằng mua hoa đó về chơi tết. Tôi cười rằng, ai cũng có nhu cầu thưởng thức cái đẹp, nếu có điều kiện.

Thú vui đã đành, nhưng chứng tỏ người Xê Đăng chốn này đã… hội nhập toàn diện, khi khoảng cách giao thông, khả năng tài chính, nhận thức đời sống, nhất là ở lớp trẻ so với các nơi, đã gần tiệm cận rồi. Đừng nặng nề chuyện đó, mọi thứ phải khác đi, muốn giữ chính mình thì cũng phải thâu nhận, thay đổi.

Ngay sân ủy ban, hoa hồng bông lớn nở rực rỡ, thơm dịu. Khách trầm trồ đẹp quá.

Ông Hồ Văn Dang - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh nói là hoa có nguồn gốc ngay tại đất này đó, dễ trồng, lâu tàn, mọc khắp nơi. Sau hè khu làm việc của công an xã, có giàn hồng leo cũng mê man luôn. Mắt khách như bừng liên tục, miệng không ngừng tấm tắc. Trời ơi, chốn này đâu chỉ hoa sâm nuôi trong lòng nó bạc tỷ này tỷ kia.

“Mình vừa xin được một mớ dâu tây về trồng, nãy thấy dâu tây đây quá tốt, mọc tùm lum, vừa rồi đi Măng Đen mua 1kg dâu tây tới 500 ngàn. Tại sao ở đây không trồng chứ, tiền ở đó chứ có phải chỉ riêng sâm đâu?”.

Được đà, bạn vốn là giáo viên đất này đã 23 năm, thuyết giáo luôn: “Khí hậu đây hay hơn Đà Lạt, không khác Măng Đen, tại sao trồng phượng làm chi, cứ tìm hoa đào về trồng dọc đường làng, rồi hoa hồng, mình vừa liên kết với một công ty sẽ đem hoa Omega ở Măng Đen về trồng, hoa rất đẹp, thân gỗ giá trị cao. Nếu được anh em phải đi Kontum tìm hiểu.

Cứ mạnh dạn bỏ 100 triệu ra, đầu tư, chắc chắn mai mốt làm du lịch, không trật đi đâu! Khách lên du lịch vườn sâm sẽ không bỏ qua những cây hoa ở đây. Làm giàu không khó, đừng nghĩ chỉ có sâm mà quẩn quanh!”.

Tôi thấy những cái gật gù, tán thưởng, nhưng rồi họ có làm không, tôi không biết. Ngọc Linh không lạnh như trước. Sâm vẫn là át chủ bài của làm ăn kinh tế, nhưng môi trường và thái độ sống khi chính mình phụ thuộc vào thiên nhiên ngày càng khiến người ở đây ý thức hơn sự tồn tại của họ.

Họ làm đẹp từ cây cỏ tự có và âu lo khi đất thiếu nước, rác thải khắp nơi. Họ quyết liệt can ngăn sự xâm lấn phi tự nhiên vào rừng bằng tinh thần tự chủ, như một thông tin anh Dang cho tôi là chỉ còn 40% chốt sử dụng vật liệu không thân thiện môi trường vì họ mới làm, còn lại đã buộc đưa sắt thép nhựa xốp ra khỏi rừng. Vậy là mừng rồi. Nói thẳng, phá môi trường là người Kinh, người nơi khác tới chứ không phải đồng bào địa phương.

Hôm mồng 10 tháng Giêng này, có bạn chuyển tôi 3 tấm ảnh người ta cúng khai trương, cúng đất đầu năm ở vườn sâm Trà Linh mà đốt vàng mã tùm lum. Nhìn mặt mũi, áo quần công ty, là biết ngay không phải dân xứ này. Bạn phẫn nộ: “Nếu là chủ tịch xã, tôi đuổi thẳng cổ”.

Bất luận dù có tiêu cực cảm xúc cỡ chi khi nhắc đến môi trường ở xứ sâm, thì ngẩng đầu nhìn mây trắng bày trận trùng trùng chỗ nóc Tắc Lang, đi trong hơi lạnh khí xuân cùng cái buốt nhẹ trong lưng khi chiều xuống, không giấu được ao ước rũ bỏ hết nợ trần ai, lên đây mà sống với rừng, giao du với mây để đọc thêm huyền linh trời đất.

Sống với cây cỏ thanh thản, buông bỏ phiền trược chấp trách, đó là khát vọng ngày một gay gắt, dữ dằn của con người hiện đại khi bị chiếu bí tứ tung của cuộc vây hãm cơ khí.

Tôi nói với họ, khi đã la đà giữa rượu, là trồng nhiều hoa đi, rực rỡ 4 mùa, các bạn sẽ đổi khác, người ta cũng sẽ nhìn các bạn khác đi, chứ không phải soi mói chuyện sâm siếc. Không ai đánh thuế giấc mơ cả. Họ gật mà mắt thản nhiên, nhưng lần này thì sắc màu đã khác lúc nãy…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoa trên đỉnh Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO