“Mùa xuân trên những mái nhà/ Có con chim hót tên là ái ân” (Đóa hoa vô thường).
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài “Mùa xuân” như an ủy với chính mình: “Câu hát này là lời nói dối cần thiết…”. Mùa xuân là buổi chan hòa, vui vẻ, đầm ấm, hạnh phúc. Dẫu ai đó ồn ào mà nói hơi quá lên một tí cũng chẳng sao vì lòng xuân đang dâng tràn niềm tin yêu, dễ tha thứ cho nhau tất cả.
Nơi làng quê, phố thị, phố chợ nơi đâu cũng đều bắt gặp trạng thái vui say trong niềm hoan lạc bất tận; đến đâu cũng đầy ắp tiếng cười, câu chào, lời chúc ngọt ngào. Mong sao mùa xuân cứ ở lại trên trần gian này mãi thì vui biết mấy! Xuân xua tan lòng sân hận, những ganh ghét tị hiềm.
Xuân trải lòng thanh tân mang tin vui gõ cửa mọi nhà, cười duyên với muôn người. Xuân đem đến sự dịu dàng đằm thắm nhẹ lướt qua hiên nhà, trên vỉa hè … đọng trong ánh mắt ai nhìn.
Cũng vì lẽ đời vô thường nên Trịnh Công Sơn thâm thiết: “Có hạnh phúc làm sinh nở mùa xuân; có mùa xuân mang tên bất hạnh”. Nhưng dù thế nào chăng nữa, xuân vẫn mãi là mới. Mới là sự thay đổi từ trong đất trời, từ trong lòng người. Mới thay đổi từ trong từng tế bào, từ trong huyết quản. Mùa xuân phục sinh những lời nguyện ước sau những cơn đau, những cơn mê dài chưa viên thành.
Chợt thấy trang facebook của người bạn ở xa hiện lên, vừa dịch bài “Xuân hiểu” (Buổi sớm mùa xuân) của Trần Nhân Tông: “Thụy khởi khải song phi/ Bất tri xuân dĩ quy/ Nhất song bạch hồ điệp/ Phách phách sấn hoa phi”. Chợt thức nhìn ra cửa/ Xuân về nào có hay/ Kìa một đôi bướm trắng/ Lượn sát cánh hoa bay (Nguyên Cẩn dịch).
Tôi đồng cảm với bạn! Chúng ta biết Trần Nhân Tông là vị vua anh minh bậc nhất của dân tộc và là Tổ thứ nhất khai sáng Thiền Phái Trúc Lâm. Lục tìm trong di sản văn học ngoài bài phú “Nôm - Cư trần lạc đạo”, ngài còn để lại cho đời nhiều áng thơ tuyệt sắc, như bài “Xuân hiểu”.
Mùa xuân là mùa giao cảm của đất trời và lòng người. Xuân về từ đêm qua nhưng thi nhân đâu có hay. Tưởng không thấy, không biết nhưng trong lòng đã thức ngộ từ lâu lắm rồi, vừa mới mở mắt thì bắt gặp cảnh ngay.
Cảnh đã ở trong tâm từ bao kiếp nào. Trần Nhân Tông thức tỉnh dòng thời gian trôi đi, tĩnh mà động, có mà không, hòa tâm với cảnh, hân hoan cùng thiên nhiên với phong thái điềm nhiên tự tại. Chữ “sấn” là “mắt thơ”. Sấn và sát (lời dịch) đều là đến, là tới một cách mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt… Đến là đến với hoa. Và đài hoa bừng nở lay bay trong nắng sớm xuân nồng. Người và cảnh vật giao hòa trong muôn ngàn tia nắng xuân.
Ơ kìa, nơi góc vườn tôi khiêm nhường sáng nay cành mai dịu dàng vừa bung năm cánh mỏng sắc vàng thanh. Thấy mai vàng đã hay xuân về. Đâu đây vọng vang giai điệu đoản khúc “Hoa xuân ca” của Trịnh Công Sơn nét sao vui tươi đến lạ, nốt nhạc nhún nhẩy, hòa chảy trong dòng thanh âm rưng rức nhú lộc đơm hoa bất tận: “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa”. Dòng ca từ này là nét chủ đạo của người nghệ sĩ muốn gửi gắm. Lời ca lặp đi lặp lại như truyền tải một hy vọng mãi mãi dài lâu.
Và “Xuân đáo bách hoa khai” (Xuân đến trăm hoa nở - Mãn Giác). Mùa xuân trường cửu đến vô thỉ nên hoa vĩnh hằng đến vô chung. Không có sự khởi đầu và không có sự kết thúc. Hoa là chính pháp hay niêm hoa vi tiếu là ẩn mật ngàn đời đi trong thế gian và không có lời giải. Hoa điềm nhiên tĩnh tại; hoa trôi chảy miên man của dòng nhân sinh: “Tân niên hoa phát cựu niên hoa” (Năm cũ hoa cười hoa năm mới - Trần Quốc Tung).
Hoa năm cũ cũng là hoa năm mới. Tại vì chúng ta đi trong vô minh với đầy ắp tâm phân biệt và ôm ấp nhiều mộng tưởng nên không thấy hết vẻ đẹp của hoa và hoa đang mỉm cười hòa với mùa xuân đấy thôi!