Hoa xuân trên ngàn

03/02/2016 10:09

Ngoài tết mừng lúa mới thì đồng bào vùng cao trên địa bàn tỉnh không có tục đón tết cổ truyền như ở miền xuôi. Nhưng không khí ngày tết vui vầy, sum họp, kết đoàn lại được cảm nhận rõ ràng nhất ở nơi này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường ân cần thăm hỏi, động viên và trao quà tết cho đồng bào vùng biên La Dêê, Đắc Tôi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường ân cần thăm hỏi, động viên và trao quà tết cho đồng bào vùng biên La Dêê, Đắc Tôi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

ẤM TRONG GIÁ RÉT

Không khí tết rạo rực trong cái rét cuối mùa. Một mùa xuân tươi, nhịp sống vùng biên bất chợt hối hả cùng dòng người đổ về bên những hàng quán ven đường, lựa chọn món hàng tết ưng ý. Ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang nói với chúng tôi rằng, không khí tết tại các bản làng vùng cao luôn bắt đầu nhộn nhịp vào những ngày cận kề năm mới. Bởi đó chính là thời điểm đồng bào nhàn rỗi sau những tháng ngày lo toan cho cuộc sống mưu sinh. Vì thế, trung tâm Chà Vàl những ngày này càng thêm nhộn nhịp, bày bán đủ loại mặt hàng thương phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm của đồng bào vùng biên. Trên nền trời xanh thẳm, màu cờ đỏ thắm phấp phới tung bay cùng những bước chân trở về từ phía bên kia biên giới. Họ là những người con của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ngụ cư ở đất bạn Lào từ hàng chục năm qua. Tiếng mẹ đẻ chưa bao giờ mất, vẫn nguyên vẹn như tiếng trống của già làng. Hơn thế, nhiều đồng bào ở các cụm bản vùng biên giới Đắc Chưng vẫn thường có thói quen đón tết cổ truyền theo phong tục của người Việt, đầy cảm động. “Năm ngoái, dân bản ở hai làng vùng biên Đắc Tà Vâng (xã Đắc Tôi, Nam Giang) với bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào) cũng ghi dấu mối tình đoàn kết hữu nghị bằng lễ kết nghĩa truyền thống trong dịp đón Tết Nguyên đán, nhận được sự ủng hộ của đồng bào khắp vùng của hai bên biên giới” - ông Nhiên nói.

Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang cho biết, có đến hơn 27km đường biên giới cùng với 11 cột mốc chủ quyền được đơn vị quản lý, bảo vệ, đảm bảo tình hình trị an vùng biên giới. Ngoài ra, đơn vị cũng được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn 2 xã La Dêê và Đắc Tôi với hơn 520 hộ/2.317 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Ve và Tà Riềng sinh sống từ lâu đời. Miền núi khó khăn đủ bề, câu chuyện dài nay vẫn đang tiếp tục được rút ngắn theo thời gian. Đó là niềm vui, là động lực và cả sự động viên cho quá trình bền bỉ, chăm lo lao động sản xuất, cùng góp sức dựng xây buôn làng của đồng bào vùng cao Nam Giang. Như lẽ cố nhiên, trước Tết Nguyên đán 2016 này, trên địa bàn 2 xã La Dêê và Đắc Tôi không còn hộ nào đói kiệt như các năm trước. Nỗi ám ảnh về mùa giáp hạt vì thế cũng dần được vơi đi trong suy nghĩ và cuộc sống của đồng bào vùng cao.

Đắc Ôốc, vùng đất biên giới thuộc xã La Dêê (huyện Nam Giang) đón chúng tôi bằng những giọt nắng xuân ấm áp. Con đường huyết mạch uốn lượn chạy dài về phía mây trời xa tít tắp nối các bản làng của đồng bào vùng cao Nam Giang với cụm dân bản của nước bạn Lào. Xuân đang rộn ràng ở khắp vùng biên cương, cùng những hoạt động nghĩa tình ấm áp ngày vui đón tết. Ông Brao  Ngưu - Chủ tịch UBND xã La Dêê hồ hởi kể về những đổi thay của vùng đất “cổng trời” sau nhiều năm mở cửa vùng biên. Mở cửa, cũng chính là cơ hội người dân biên giới thay đổi cách nhìn, cách làm và hướng đến đẩy mạnh giao thương theo chiến lược mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn tại địa phương. Cuối năm, ngược về với Đắc Ôốc, gió xuân vi vút qua từng tán lá rừng keo xanh mởn. Thấp thoáng dưới màn sương, những mái nhà của đồng bào Tà Riềng rực màu đỏ thắm, rợp bóng cờ bay. Phía bên kia núi, con đường từ các cụm bản Đắc Tà Oọc Nọi, Đắc Tà Oọc Nhày, Đắc Măn,… của huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông) cũng đang sắp sửa hoàn thành, thông tuyến với khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc chỉ trong nay mai. Một niềm vui mới đang lớn dần, đón ánh nắng xuân, núi rừng rộn khúc hoan ca giữa mây trời lộng gió.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang buổi sáng trong ngày trao quà tết từ đoàn công tác của tỉnh, rất đông người dân chờ đón. Những nét mặt hớn hở, đầy niềm vui như được mùa rẫy. Trên những con dốc dựng đứng về bản làng, bóng của các chiến sĩ biên phòng ngả dài về phía vách núi, cõng trên lưng hàng chục cặp bánh chưng nóng hổi, quà tết mang tặng đồng bào nghèo vùng biên giới. Nụ cười của các chiến sĩ hiền hậu, cùng theo bước chân đồng bào về khắp bản làng vùng cao.

Cuối năm, chúng tôi cùng đoàn tháp tùng đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đến thăm, chúc tết và trao quà tại các xã biên giới Nam Giang. Thăm, chúc tết tại các đơn vị Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang và Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, sau khi nghe lãnh đạo các đơn vị báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng tại địa bàn, đồng chí Phan Việt Cường ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị trong công tác giữ gìn an ninh - trật tự vùng biên giới, cũng như xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cho đồng bào, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhân dịp năm mới, đồng chí gửi lời chúc tết đến gia đình, động viên cán bộ, chiến sĩ đơn vị tiếp tục giữ vững trị an vùng biên giới, đón tết an vui, đầm ấm.

Dịp này, đồng chí Phan Việt Cường đã tận tay trao 40 suất quà (500 nghìn đồng/suất) cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, gia đình chính sách tại các xã La Dêê, Đắc Tôi của huyện Nam Giang. Chia sẻ với những khó khăn của đồng bào, đồng chí mong muốn trong thời gian tới, đồng bào các dân tộc vùng cao Nam Giang tiếp tục đoàn kết, xây dựng đời sống mới ổn định, phát triển gắn với công tác xây dựng chương trình mục tiêu nông thôn mới và đón một năm mới an toàn, tiết kiệm, đầm ấm, yên vui.

XUÂN VỚI NGƯỜI CA DONG

Những suất quà nghĩa tình của đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đem đến cho người Ca Dong ở xã Trà Vinh (Nam Trà My) một cái tết sớm.

Niềm vui của đồng bào Ca Dong bên những suất quà tết.  Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Niềm vui của đồng bào Ca Dong bên những suất quà tết. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Trên lưng chừng núi, những nóc nhà của đồng bào Ca Dong thấp thoáng dưới vùng mây trời. Khoảng sân của UBND xã Trà Vinh mỗi lúc có rất đông người dân tìm đến để nhận quà tết từ đoàn công tác. Những chiếc gùi được đồng bào mang theo, dựng sẵn trước sân đầy lạ lẫm. Chị Hồ Thị Hiền, một người dân ở thôn 3 (xã Trà Vinh) ngồi tựa vào gốc cây bàng, vẻ mặt hốc hác, chân tay lấm lem bùn đất. Chị cho biết, vừa mới từ rẫy về, rồi vội vã chạy đến nhận quà tết. “Chồng bị đau ốm miết, không làm chi được. Mấy đứa con thì nhỏ, một mình chị làm để nuôi gia đình thôi. Hôm qua, nghe cán bộ xã thông báo có đoàn từ thiện của tỉnh đến trao quà tết, nhưng thấy trời mưa nên tranh thủ lên rẫy” - chị Hiền nói như giãi bày. Vừa nhận xong quà tết, chị Hiền vội vã bỏ tất cả vào chiếc gùi, rồi cũng vội vã trở về nhà. “Về thôi, chừ chắc mấy đứa nhỏ đã đi học về rồi. Từ đây về đến nhà đường còn xa, chậm trễ, chút xíu nữa là mưa không kịp” - chị bộc bạch. Bước chân của người phụ nữ Ca Dong cứ thế thoăn thoắt theo con đường làng đầy bùn đất, trơn trượt. Nhưng trên gương mặt của chị, hiện hữu niềm vui khó tả, cùng những suất quà tết mang về.

Quá trưa, nhưng trên khoảnh sân của UBND xã Trà Vinh vẫn còn lác đác người dân nán lại, đợi đến lượt phát quà tiếp theo. Bên một góc tường, những đứa trẻ cùng theo chân bố mẹ, tò mò mở các gói quà, vẻ mặt hớn hở. Ông Nguyễn Xuân Đức (ở thôn 4A, xã Trà Vinh) cho hay, khi biết tin có đoàn công tác từ tỉnh lên trao quà tết, mấy đứa nhỏ trong làng cứ nằng nặc đòi bố mẹ cho đi cùng. Từ thôn đến trung tâm xã cũng mất vài tiếng đi bộ đường rừng, dốc núi trơn trượt, vậy mà ai cũng tỏ vẻ thích thú lạ thường. “Nhiều nhà cả năm không làm ra tiền, lấy cái chi mua hàng tết. Chừ có quà, không vui răng được. Đón tết năm nay, chắc cả làng vui hơn mọi năm rồi” - ông Đức chia sẻ. Theo ông Nguyễn Thanh Chiêm - Trưởng ban quản trị thôn 4A, cả thôn có 60 hộ đồng bào Ca Dong với 100% đều nằm trong diện đói nghèo. Đời sống khó khăn nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đón Tết Nguyên đán hằng năm của đồng bào. Ngoài những món ẩm thực truyền thống sẵn có, đồng bào địa phương thường rất ít khi có điều kiện sắm sửa hàng tết. Bởi vậy, món quà của Ban Dân tộc HĐND tỉnh trao tặng cũng chính là hàng tết đầu tiên giúp đồng bào có thêm điều kiện đón những ngày vui xuân sắp tới. “Ngày tết đang thật sự đến rất sớm với đồng bào Ca Dong ở Trà Vinh, thông qua chương trình trao tặng quà tết đầy ý nghĩa của Ban Dân tộc HĐND tỉnh. Đây cũng là nguồn động viên rất lớn, vừa giúp đồng bào có được một không gian vui xuân ấm áp, vừa tạo điều kiện để chuẩn bị đón một năm mới yên vui, đầm ấm” - ông Chiêm chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, cũng như mọi năm, cứ độ tết đến xuân về đoàn công tác của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng đều thực hiện chương trình hỗ trợ quà tết cho đồng bào vùng cao. Hoạt động này nằm trong chương trình công tác năm 2016 của HĐND tỉnh, nhằm hỗ trợ cho đồng bào có thêm điều kiện đón một cái tết ấm áp, giúp tìm hiểu về tình hình đời sống sản xuất, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống. “Năm nay, chương trình được thực hiện tại 2 thôn khó khăn nhất của đồng bào Ca Dong tại xã Trà Vinh. Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn được chia sẻ và góp thêm chút hương xuân cho đồng bào, giúp họ có thêm niềm vui trong những ngày đón tết cổ truyền của dân tộc” - bà Thanh cho biết thêm.

Theo ông Đinh Văn Đẹp - Chủ tịch UBND xã Trà Vinh, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 86%, địa phương là một trong số xã miền núi cao khó khăn nhất của huyện Nam Trà My trong nhiều năm qua. Do vậy, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như gây nhiều trở ngại trong công tác xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống bền vững. “Hằng năm, mặc dù kế hoạch chuẩn bị cho việc đón Tết Nguyên đán luôn được chính quyền địa phương xây dựng và triển khai khá sớm, nhưng do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên hầu như không khí tết thường khá ảm đạm với đồng bào vùng cao Trà Vinh. Chính vì thế, những suất quà tết của Ban Dân tộc HĐND tỉnh rất có ý nghĩa, không chỉ giúp đồng bào có điều kiện chuẩn bị đón tết, mà còn thể hiện tấm lòng nghĩa tình của đoàn với đồng bào Ca Dong tại địa phương” - ông Đẹp nói. (ĐĂNG NGUYÊN)

VỀ PÊTAPOÓC

Ánh mắt ngơ ngác của những người dân ở xã Đắc Pring (huyện Nam Giang) nhìn về phía con dốc hun hút chờ đoàn xe chở quà tết đến với mình. Niềm hân hoan rõ dần khi đoàn xe chở gần 200 suất quà xuất hiện.

Vượt rừng, băng suối vào làng Pêtapoóc. Ảnh: THIÊN NGÂN
Vượt rừng, băng suối vào làng Pêtapoóc. Ảnh: THIÊN NGÂN

Hơn 3 tiếng đồng hồ vượt rừng mới đến được điểm dừng Pêtapoóc. Đường xa nhưng trên gương mặt mỗi thành viên trong nhóm đều hiện nét vui tươi, háo hức. Pêtapoóc chỉ có 9 hộ dân với 38 nhân khẩu sống giữa rừng già, khu vực gần cột mốc biên giới 734, nơi tiếp giáp với nước bạn Lào. Cuộc sống bà con rất khó khăn, chủ yếu là tự cung tự cấp, ít khi tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, bà con được Bộ đội Biên phòng cưu mang, giúp đỡ. Cùng với sự đồng hành của Công ty Ô tô Trường Hải trong chương trình “Ấm tình xuân biên giới”, Tỉnh đoàn ngoài việc phát quà đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc trong dịp này. Đoàn cũng tặng một tua bin phát điện cung cấp điện cho bà con sinh hoạt. Được biết, bà con có điện sinh hoạt từ năm 2011, đây là công trình do Đoàn Thanh niên huyện Nam Giang và Bộ đội Biên phòng thực hiện. Tết sum vầy nên những suất quà như hơi ấm người miền xuôi mang đến với đồng bào miền núi. Chỉ có tấm lòng chia sẻ tấm lòng mới có thể mang mùa xuân đến với những nơi sơn cùng thủy tận như thế này. Nhận phần quà nghĩa tình của tuổi trẻ, bà Y Kiêng - Trưởng thôn phấn khởi cho biết: “Trước đây thanh niên tình nguyện lên giúp bà con có tua bin, ti vi, có ánh sáng điện và bây giờ lại tặng quà và nhiều thứ nữa, mình cảm ơn!”.

Tại xã Đắc Pring, đoàn tình nguyện đã tặng 200 suất quà; mỗi suất gồm bánh kẹo, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn, một thùng mỳ tôm, cá khô và tiền mặt cho các gia đình có công cách mạng, người già neo đơn, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã. Tổng trị giá quà tặng hơn 100 triệu đồng.

Trong những ngày tình nguyện tại Đắc Pring, đoàn tình nguyện phối hợp với Huyện đoàn Nam Giang tổ chức chương trình văn nghệ “Ấm tình xuân biên giới” tại trụ sở UBND xã Đắc Pring. Đã lâu lắm rồi bà con đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng, H’rê, Khơ Mú đâu biết đến những đêm văn nghệ “hiện đại” thế này.  Những đứa trẻ vùng cao cũng rất lạ, đi xem văn nghệ lại mặc áo quần mới, ngồi trước sân nói cười râm ran. Những bài ca, điệu nhảy, điệu múa mừng xuân mới cứ thế nối tiếp khiến núi rừng phút chốc trở nên sinh động, tươi trẻ hơn. Trong đêm văn nghệ, những món quà ý nghĩa thể hiện tình cảm của tuổi trẻ với cán bộ chiến sĩ mang quân hàm xanh, những tấm áo mang hơi ấm cho trẻ em vùng cao biên giới... được trao tận tay cho cán bộ chiến sĩ và người dân địa phương. Anh Trần Nhật Quang - Bí thư Đoàn cơ sở Công ty CP Ô tô Chu Lai - Trường Hải nói: “Tuy vất vả, nhưng mình thấy đây là việc làm thật ý nghĩa. Mỗi món quà là những tấm lòng từ miền xuôi mang hy vọng sưởi ấm lòng đồng bào vùng biên”.

Tết đang đến gần, trong cái lạnh căm của đợt không khí lạnh tràn về, những người trẻ vẫn mải miết trên hành trình gửi gắm yêu thương đến với đồng bào miền núi cao. Một mùa xuân ấm tình người đang đến rất gần. (THIÊN NGÂN)

CHIẾU PHIM LÊN VÙNG CAO

Trong không khí mừng tết, những thước phim mừng Đảng đón xuân ở miền núi đem đến cho bà con đồng bào miền núi niềm hân hoan…

Dựng rạp chiếu phim. Ảnh: ĐÌNH HIỆP
Dựng rạp chiếu phim. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Tết năm nay, theo kế hoạch, Đội chiếu bóng huyện Tây Giang chiếu phục vụ bà con 4 xã vùng cao trước, sau đó tiếp tục chiếu tại các xã vùng thấp. Đặc biệt năm nay, đội còn chiếu phục vụ bà con các bản giáp ranh (Abưr, Keo, Tà Vàng, Aching) huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào). “Đường như thế này chưa phải là khó, lên Ga Ri, Ch’ơm mới là khó thật. Nhưng chúng tôi đi miết thành quen, bao nhiêu vùng khó khăn Tây Giang đều có bước chân của chúng tôi đi qua, ở đâu có gian khó, ở đó có chúng tôi mà’’ - anh Trần Văn Nam, thành viên của đội chiếu bóng nói.

Đêm Tary, xã Lăng gần 7 giờ tối, Đội chiếu bóng bắt đầu làm việc. Chiếc loa phát thanh vang lên: “Đội chiếu bóng Tây Giang xin thông báo: “Vào lúc 19 giờ 30, tại thôn Glao diễn ra buổi chiếu phim phục vụ bà con nhân dịp mừng Đảng đón xuân Bính Thân, mời bà con đến xem. Bên cạnh phim tài liệu về mảnh đất con người Tây Giang, đoàn chúng tôi còn chiếu các phim về đề tài chiến tranh cách mạng như Đừng Đốt, Mùi cỏ cháy, Đường thư... mời bà con cô bác đến xem.

Già làng Clâu Nức, thôn Tary tâm sự: “Xem phim về đề tài chiến tranh hay quá, thấy được sự hy sinh cao cả của các anh Bộ đội Cụ Hồ, những khó khăn gian khổ của các anh để có ngày độc lập như hôm nay… thấy được tấm lòng bao la của Bác một lòng vì nước vì dân”. 22 giờ, bộ phim “Đường thư” đã kết thúc ánh sáng mờ ảo từ chiếc máy chiếu vụt tắt. Người dân trong thôn chưa kịp về vội mà cùng nhau đốt đuốc, thắp đèn giúp đội chiếu phim dọn dẹp.

Khi mọi thứ đã gọn gàng, đồng hồ điểm 23 giờ, đội chiếu phim lại họp rút kinh nghiệm và lên lịch cho buổi tối mai. Những chiếc võng được mắc làm nơi ngả lưng của đoàn sau một đêm vất vả. (ĐÌNH HIỆP)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoa xuân trên ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO