Hoa xuyến chi

NGUYỄN TAM MỸ 05/11/2017 10:01

Hậu đã hoàn thành những công việc quan trọng của buổi chiều: nấu cơm, học bài, giải tập toán. Còn khoảng một tiếng rưỡi nữa trời mới sập tối. Lúc đó, ba Hậu sẽ trở về nhà sau một ngày dọn vườn thuê vất vả. Thời gian chờ đợi ba tắm rửa, Hậu sẽ nấu canh, luộc rau, hâm lại trã cá kho… Khi ba giũ bỏ hết những nhọc nhằn bụi bặm cũng là lúc Hậu dọn sẵn cơm canh lên bàn để hai cha con cùng ăn với nhau. Hậu nghĩ thế. Và Hậu tay cầm chiếc ca nhựa, tay xách gàu nước ra sau vườn chăm sóc những khóm hoa xuyến chi trồng quanh phần mộ mẹ…

Còn rất trẻ, mới ngoài ba mươi, nhưng mẹ Hậu đã lặng lẽ từ giã cõi đời để về với ông bà tổ tiên. Hậu nhớ mãi không quên những phút giây mẹ vĩnh biệt ra đi… Hôm ấy, cũng vào một buổi chiều, cách đây gần hai năm. Biết mình không thể vượt qua được căn bệnh quái ác, mẹ vẫy tay gọi hai cha con đến bên giường. Mẹ cầm tay ba. Mẹ cầm tay Hậu. Lâu, rất lâu, mẹ mới khó nhọc nói trong nước mắt: “Em không thể ở bên anh trọn đời. Mẹ không thể ở bên con cho đến ngày lớn khôn trưởng thành. Ông trời bắt vậy thì đành phải chịu vậy. Em mong anh thương yêu và chăm sóc con chu đáo. Mẹ hy vọng con sẽ sớm khôn hơn tuổi để phụ giúp ba lo toan việc nhà…”. Mẹ nấc nghẹn. Rồi mẹ lìa đời. Mới đó mà đã gần hai năm trôi qua. Hậu đã bước sang tuổi mười bốn. Chăm ngoan, học giỏi, Hậu được ba cưng chiều hết mực. Cực khổ, túng thiếu trăm bề nhưng không vì thế mà ba để Hậu thua kém bạn bè cùng trang lứa. Hậu cần gì ba cũng cố gắng đáp ứng đầy đủ, cho dù phải chạy vạy vay mượn bà con hàng xóm láng giềng.

Những khóm hoa xuyến chi được Hậu trồng quanh phần mộ mẹ nở hoa trắng điểm nhụy vàng xinh xắn. Chắt nước từ gàu ra chiếc ca nhựa, Hậu tưới cho từng gốc hoa. Công việc yêu thích dù làm chậm rãi vẫn xong, Hậu xoay sang tỉ mẩn nhổ những bụi cỏ chỉ, những bụi cỏ cú vừa mới nhú lên trên nền đất quanh phần mộ mẹ. Chiều đã xế tà. Mặt trời cũng đã nghiêng hẳn về phía tây - nơi có những dải mây trắng trôi lang thang, ánh nắng hình rẽ quạt hắt lên nhuộm màu son pha, màu mỡ gà trông đẹp tuyệt. Vẫn còn sớm. Hậu ngồi mân mê những dòng chữ khắc trên tấm bia và chuyện trò với đấng sinh thành. “Mẹ ơi! Nhà mình nghèo, ba xây phần mộ cho mẹ bằng gạch vồ ém kẽ xi măng nên rêu bu bám đầy. Con không bóc gỡ những mảng rêu ấy. Bởi hồi mẹ còn sống, mẹ rất thích những thảm rêu mọc trên ngõ đá nhà mình…”. Hậu ngước nhìn trời rồi thủ thỉ với mẹ: “Khi nào lớn lên, đi làm có tiền, con sẽ dành dụm xây lại phần mộ mẹ bằng những phiến đá đen như những ngôi mộ ở nghĩa trang gia tộc ông Ba Thu phía cuối làng…”.

Miên man suy nghĩ, Hậu lại nhớ thuở lên mười.

Hồi đó, Hậu được ba mẹ đèo bằng xe máy về quê ngoại đám giỗ ông ngoại. Ở cùng huyện nhưng khác xã, nơi ấy xa ơi là xa! Lại còn phải lên đò qua con sông rộng mênh mông, nước xanh biêng biếc. Bà ngoại đã mất từ lâu. Vợ chồng cậu Hai là người tiếp quản cơ ngơi do ông bà ngoại để lại. Vợ chồng cậu Hai giận ba mẹ điều gì đó, Hậu không rõ, nhưng chắc chắn là có. Thái độ hững hờ lạnh nhạt của vợ chồng cậu Hai đối với ba mẹ (và cả Hậu nữa!) khiến dì Út không vui. Mẹ cũng rất buồn. Nhìn ánh mắt mẹ, Hậu biết. Còn ba, ba không cười nói như mọi người. Khi vào mâm, ba ăn qua loa chén cơm lót dạ rồi ra ngoài ngõ ngồi hóng gió, vẻ mặt đầy đăm chiêu. Xế chiều. Trên đường trở về nhà, Hậu hỏi, mẹ làm thinh không nói, chỉ thở dài. Ba nửa đùa nửa thật: “Chắc tại gia đình ta nghèo quá, thành ra…”. Nghèo? Rất nhiều người bên ngoại cũng đâu có giàu! Họ đi ăn giỗ nào có khác gì ba mẹ? Cũng quần áo bình thường. Cũng nông dân chân lấm tay bùn quanh năm. Hậu thắc mắc nhưng không dám hỏi.

Rồi Hậu cũng biết được nguyên do. Một hôm rảnh rỗi, mẹ ở nhà nhổ cỏ quanh hè, Hậu cầm chổi giúp mẹ quét dọn. Nhà chỉ có hai mẹ con. Ba đi phát vườn mướn cho ông Ba Thu. Hậu tò mò hỏi. Mẹ cười buồn. Lát sau, mẹ kể cho Hậu nghe tất cả. Gã trai trẻ ở làng bên là em kết nghĩa của cậu Hai. Gã mê em gái của “ông anh kết nghĩa” như điếu đổ. Khổ nỗi, mẹ lại đem lòng thương yêu anh bộ đội ở tạm trong nhà khi đơn vị giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Ông bà ngoại không có ý kiến gì. Ngược lại, cậu Hai phản đối kịch liệt. Cậu Hai bảo, thằng ấy tuy xấu trai nhưng là con một, nhà lại giàu có nhất vùng. Lấy hắn, sung sướng một đời. Mẹ cười: “Em lấy chồng chứ không lấy của làm chi!”. Khi anh bộ đội - là ba con đó, xuất ngũ, đám cưới được hai bên gia đình tổ chức. Cậu Hai ấm ức. Và đấy là nguyên do cậu Hai đối xử lạnh nhạt với gia đình ta. “Thời gian trôi qua, hy vọng có ngày cậu Hai nghĩ lại. Thực ra, cậu Hai là người tốt, có điều hay cố chấp”. Mẹ nói.

Trời bớt oi nồng bởi ngọn gió lang thang.

Nhụy vàng hoa xuyến chi tỏa mùi thơm dịu nhẹ mơ hồ. Loài bướm có khứu giác tinh nhạy, rủ nhau kéo tới bay chập chờn hít ngửi mùi hoa khi trời chiều nhạt nắng. Hậu lại thì thầm với mẹ. “Ba bảo mẹ giống như hoa xuyến chi. Tuy mọc hoang dại nhưng loài hoa ấy lại có vẻ đẹp nền nã ít người nhận ra. Và mẹ cũng thế. Gạt bỏ bề ngoài lam lũ, quê mùa, mẹ là người đàn bà đoan trang thùy mị, lại có lòng nhân. Ba đã nhận ra điều đó khi mẹ còn là một cô gái làng bẽn lẽn”. Hậu mỉm cười. “À, mẹ ơi! Con nghĩ ngợi lung tung, quên nói với mẹ những điều cần nói. Năm học mới này, biết hoàn cảnh “gà trống nuôi con” của ba, nhà trường đã miễn giảm học phí cho con. Cô giáo chủ nhiệm lớp trích tiền lương của mình, giúp con đóng góp các khoản khác như quỹ lớp, nước uống, mua sách báo… Còn các bạn cũng san sẻ cho con nhiều thứ lắm. Từ hộp bút màu đến chiếc nơ buộc tóc... Việc học của con không có gì phải lo mẹ ạ! Mà trời sắp tối rồi, chắc ba đang trên đường trở về nhà. Tạm biệt mẹ, con về đây!”.

Hai tay cầm hai vật dụng quen thuộc, Hậu men theo lối cũ vào nhà. Ba về sớm hơn thường lệ. Vừa trông thấy Hậu, ba hỏi: “Con làm chi mà xách gàu xách ca?”. “Dạ! Con ra phần mộ mẹ tưới nước cho mấy khóm hoa xuyến chi”. “Khi nào rảnh rỗi, con nên thay ba làm việc đó. Lúc sinh thời, mẹ con rất thích loài hoa ấy”. Ba nói. Hậu vâng dạ rồi đi vào bếp lo bữa cơm tối. Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn, khoảng nửa tiếng sau, Hậu đã nấu nướng xong. Bày biện tất cả lên bàn, Hậu nói: “Ba ơi! Mời ba ăn cơm…”. Hai cha con ngồi vào mâm. Ba vừa ăn vừa khen: “Con gái ba cũng có tài nội trợ y hệt  mẹ. Rau muống luộc chín nhưng sắc lá vẫn còn xanh. Nước mắm ớt tỏi cay đậm đà. Cá kho ăn vừa miệng lắm. Cơm nấu không khô cũng không nhão…”. Hậu cười: “Nhờ có ba hướng dẫn, con mới quen với việc bếp núc. Nhớ lúc trước, con đụng đâu hỏng đó…”. Ba cũng cười: “Thì trăm hay không bằng tay quen”. Hai cha con vừa ăn vừa trò chuyện với nhau. Và cuối bữa, ba nói: “Còn hai năm nữa, con học xong bậc trung học cơ sở. Lúc đó, trả hết nợ, ba dành tiền mua cho con chiếc xe đạp điện làm phương tiện đi học…”.

Bao nhọc nhằn, vất vả, chỉ một mình ba gánh.

Thương ba, Hậu học hành siêng năng chăm chỉ và quán xuyến việc nhà.

Qua bên ông Hai Hội hàng xóm uống nước chè xanh, đàm đạo chuyện quê chuyện đời, tám giờ tối ba mới trở về nhà. Hậu cũng đã ôn lại bài vở xong, kiểm tra sách vở, bút thước cho vào cặp để sáng mai cùng bạn bè tới trường học tập. Rồi Hậu đi ngủ. Trong mơ Hậu nhìn thấy mẹ thấp thoáng nơi đầu ngõ. Hậu ào tới khoe với mẹ về chiếc xe đạp điện ba sẽ mua tặng con gái khi lên lớp 10. Mẹ vừa cười vừa vẫy tay và bước thụt lùi rất nhanh. Hậu cũng vừa cười vừa đuổi theo mẹ. Bất chợt cảnh bãi sông quê hiện ra. Hậu chẳng thấy mẹ đâu, chỉ thấy hoa xuyến chi mọc đầy khắp nơi, tạo nên tấm thảm xanh khổng lồ điểm tô vô vàn những đóa hoa trắng mỏng manh…

NGUYỄN TAM MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoa xuyến chi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO