Hoạch định chiến lược phát triển

TÙY PHONG 25/12/2015 09:21

Sự phát triển năng động hướng tới nhanh và bền vững của Quảng Nam in đậm dấu ấn của Sở KH&ĐT - cơ quan hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp địa phương.

1.Hình ảnh những vị lãnh đạo Sở KH&ĐT được “chọn làm nhân vật trung tâm” đăng đàn phát biểu hay giải trình về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư… tại các kỳ họp HĐND hay các phiên họp thường kỳ, kế hoạch đầu tư của UBND tỉnh đã quá thường xuyên. Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp về điều hành kinh tế vĩ mô, trong suy nghĩ của nhiều người, cơ quan này phải có trách nhiệm giải trình mọi sự biến động của nền kinh tế Quảng Nam. Không ít lần lãnh đạo Sở KH&ĐT phải đứng trước những câu hỏi không dễ trả lời, nhưng không thể thoái thác dù đôi khi trách nhiệm không thuộc về họ. Những câu hỏi đặt ra đại loại như đã có cơ chế, nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng tập trung thanh toán nợ, nhưng sao nợ đọng vẫn có chiều hướng gia tăng? Những câu hỏi này đều đặt trách nhiệm giải trình từ cơ quan kế hoạch và đầu tư. Thực tế, mọi cơ chế điều hành thực hiện đầu tư theo vốn ngân sách hay trung ương, nhưng một khi món nợ đầu tư không thể xử lý được lại quy về Sở KH&ĐT, trong khi sở này không có thẩm quyền chế tài mà chỉ thực hiện việc tổng hợp báo cáo. Ngay cả việc phân bổ vốn cho dự án, cơ chế phân cấp thì Sở KH&ĐT cũng không thể làm được bởi cơ chế điều hành là quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

Sự phát triển hạ tầng giao thông có đóng góp rất lớn của ngành kế hoạch – đầu tư.Ảnh: T.P
Sự phát triển hạ tầng giao thông có đóng góp rất lớn của ngành kế hoạch – đầu tư.Ảnh: T.P

Áp lực của người làm kế hoạch - đầu tư là không chỉ nhận lãnh trách nhiệm giải trình mà còn phải “dọn dẹp” những hệ lụy của quá trình đầu tư. Không thiếu những dự án cơ quan này chỉ tham mưu cấp phép nhưng không được triển khai thì họ lại phải kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý. Những cuộc “tuyên chiến” với đầu tư dàn trải, cắt giảm đầu tư… đưa ra cơ quan này cũng gặp khá nhiều rắc rối từ các chính quyền địa phương, chủ đầu tư khi phải trả lời những chất vấn tiêu chí cắt giảm, bố trí vốn… Có thể nói rằng những người làm kế hoạch - đầu tư luôn phải đặt ra câu hỏi cải cách môi trường đầu tư đã thực sự tốt chưa? Lợi thế cạnh tranh của Quảng Nam là gì và đi tìm lợi thế so sánh, từ đó để cho ra đời những cải cách, tham mưu cho lãnh đạo nhằm tạo ra bước đột phá mẻ, hướng tới tăng trưởng nhanh và bền vững.

2.Sứ mệnh của ngành kế hoạch - đầu tư không chỉ dừng lại ở vai trò thư ký tổng hợp hay biện giải những gì xảy ra trên thực tế đầu tư phát triển mà quan trọng là tham mưu hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Mỗi bước phát triển hay thành tựu kinh tế - xã hội Quảng Nam đều mang đậm dấu ấn của ngành kế hoạch - đầu tư. Không phải là “người” quyết định mọi sự phát triển Quảng Nam, nhưng với vai trò cơ quan tham mưu, tổng hợp về điều hành kinh tế - xã hội, trực tiếp soạn thảo các chiến lược phát triển, nên sự tăng trưởng Quảng Nam in đậm dấu ấn của Sở KH&ĐT. Cơ quan này chính là nơi tham mưu hoạch định các chính sách phát triển, chỉ đạo điều hành, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Thời gian qua Sở KH&ĐT đã làm rất tốt vai trò tham mưu thu hút nguồn vốn FDI, ODA, tạo Diễn đàn đầu tư, tăng trưởng xanh hay các chương trình phát triển khác. Các diễn đàn này đã tạo không khí phát triển, thu hút đầu tư của trung ương và các tổ chức, định chế tài chính thế giới rót vốn về Quảng Nam. Sở KH&ĐT đã cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm sát với mục tiêu, thực tế. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội qua từng giai đoạn thực sự là công cụ chủ yếu của chính quyền để quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.

Quảng Nam bước vào “căn nhà” nghìn tỷ, có số thu ngân sách hơn 12.800 tỷ đồng, đứng thứ 14/63 tỉnh thành cả nước năm 2015 có công lớn của ngành kế hoạch - đầu tư. Bức tranh phát triển kinh tế - xã hội 18 năm qua cho thấy nhiều mục tiêu tăng trưởng của Quảng Nam đặt ra cho từng năm hoặc dài hạn đều hợp lý. Kế hoạch tổng rà soát quy hoạch, khớp nối hai vùng đông - tây, bắc - nam hoàn thiện. Môi trường đầu tư kinh doanh đã được cải thiện, hạ tầng dần hoàn thiện để thúc đẩy những dự án trọng điểm. Khối lượng lớn vốn đầu tư vào Quảng Nam và khối lượng vốn đăng ký, bổ sung đáng kể của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động đã chứng tỏ môi trường đầu tư Quảng Nam đang trên chiều hướng tốt.

Sở KH&ĐT cho hay, sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các cơ chế, chính sách, kiến tạo động lực tăng trưởng mới là yêu cầu đặt ra cho từng giai đoạn phát triển. Để hướng đến mục tiêu phát triển Quảng Nam trở thành một tỉnh khá trong khu vực miền Trung, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thời gian tới sẽ điều chỉnh quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, cải thiện môi trường đầu tư nhanh, chất lượng và bền vững hơn.

Những mốc son lịch sử
Ngày 31.12.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 78/SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết (UBNCKHKT) là tổ chức tiền thân của ngành KH&ĐT ngày hôm nay.
Ngày 14.01.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc kệnh số 04/SL cử thêm 10 thành viên vào UBNCKHKT.
Ngày 14.5.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 68/SL thành lập Ban Kinh tế Chính phủ.
Ngày 8.10.1955, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết thành lập Ủy ban Kế hoạch quốc gia.
Ngày 09.10.1961, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 158/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN).
Ngày 25.3.1974, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 49/CP phê chuẩn Điều lệ về tổ chức và hoạt động của UBKHNN.
Ngày 27.11.1986, Hội đồng Bộ trưởng có Nghị định số 151/HĐBT giải thể Ủy ban Phân vùng Kinh tế Trung ương.
Ngày 27.10.1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 7/CP về việc giao UBKHNN quản lý Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
Ngày 12.8.1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 86/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của UBKHNN.
Ngày 21.10.1995, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, tại Kỳ họp thứ 8 đã ra Nghị quyết về việc điều chỉnh tổ chức một số cơ quan của Chính phủ; quyết nghị thành lập Bộ Kế hoạch và đầu tư trên cơ sở hợp nhất UBKHNN và Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư.
Ngày 1.11.1995, Chính phủ ra Nghị định số 75/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ KH&ĐT.
Ngày 17.8.2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 99/2000/QĐ-TTg chuyển Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Việt Nam về Bộ KH&ĐT.
Ngày 6.6.2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&ĐT.
Trong 70 năm hình thành và phát triển, ngành KH&ĐT qua từng thời kỳ với những chặng đường đáng nhớ và nhiều biến cố của lịch sử đã gắn bó với vận mệnh Tổ quốc, kế thừa và phát huy được truyền thống của ngành để luôn luôn xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và Nhà nước. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ đã thực sự là công cụ chủ yếu của Nhà nước để quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Đất nước ta, từ nghèo nàn lạc hậu, đã vươn lên thành quốc gia đang phát triển, có mức thu nhập trung bình, một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo; trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mỗi bước trưởng thành, mỗi một thành tựu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đều mang dấu ấn của ngành KH&ĐT.
Hiện nay, ngành KH-ĐT từ Trung ương đến địa phương đang tổ chức nghiên cứu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 10 (2016 -2020); tiếp tục cụ thể hóa các nội dung của chiến lược 10 năm (2011 - 2020) và tìm các giải pháp để kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) không chỉ dừng lại ở mức đạt các mục tiêu của chiến lược 10 năm mà còn phấn đấu cao hơn, tạo ra bước phát triển đột phá mới, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng phát triển, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, quyết liệt thực hiện 3 hướng đột phá, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển tạo thêm nhiều công ăn việc làm với năng suất và chất lượng cao hơn, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoạch định chiến lược phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO