Trong hành trình phát triển của một vùng đất, có những địa danh, con đường, hàng quán, sản vật… gắn liền với quá khứ. Và những tên tuổi còn lưu lại đến bây giờ, để những người yêu Tam Kỳ xưa hoài niệm, về một thời rất đẹp trong mắt nhiều người.
Café Chương. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Những quán café nổi tiếng
Một thời, đoạn đường Phan Châu Trinh, từ đầu cầu Tam Kỳ trở ra giáp tới đường Huỳnh Thúc Kháng, được xem là “phố café” nổi tiếng của thị xã Tam Kỳ. Trước 1975, tất cả ngả đường đều đổ về đường Phan Châu Trinh, nhiều quán café nổi tiếng nằm trên trục lộ này như Đợi, Mười Giáo, Quán, Tây Nguyên, Thượng, Đáo, Hoàng Yến… Mỗi quán có cung cách phục vụ khác nhau, và khách đến mỗi quán cũng có sự khác biệt. Có những cái tên rất ngộ nghĩnh, gắn liền với cung cách phục vụ của mỗi quán như: Café Đợi nằm ở gần đầu cầu Tam Kỳ, chủ quán là một ông già người Bắc. Một điều lạ là, một ngày, chủ quán Đợi chỉ bán và thu tiền 30 người khách, từ người thứ 31 trở đi, chủ quán cho nhân viên được hưởng phần lãi. Quá trình chế biến một ly café được thực hiện khá công phu, từ công đoạn trụng ly, trụng bình trà, chế ngấm trà, chờ ra trà rồi mới bưng cho khách. Từ khi bắt đầu cho kết thúc quy trình chế café phải mất đến 45 phút. Và, đúng như tên quán, khách muốn uống một ly café ngon phải đợi mất một tiếng đồng hồ. Thỉnh thoảng có những thanh niên vội vàng hoặc không có nhiều thời gian để đợi, khi thấy nhân viên bưng ly café ra liền nâng cái phin lên rồi để xuống, thì đến lúc thanh toán tiền, ông già Bắc nói với họ: “Khi nào các cháu biết uống café thì bác mới tính tiền – hôm nay chưa biết uống thì bác chưa tính tiền!”.
Gần ngã ba Phan Châu Trinh - Huỳnh Thúc Kháng, café Mười Giáo chuyên phục vụ giới thương gia, giới kỹ nghệ, giáo chức và người cao tuổi. Đến đây, người thưởng thức sẽ được phục vụ café kho khá đặc biệt. Quy trình pha chế café kho được thực hiện qua các công đoạn như: cho cafe vào bao, sau đó chuyển vào bình nước sôi, đợi café ra rồi mang ra cho người uống.
Café Quán nằm trên đường Phan Đình Phùng, phía trước UBND phường Phước Hòa bây giờ. Lượng khách đến với café Quán chủ yếu là những người trung niên và thanh niên hành nghề xe thồ, trồng cây kiểng và các ngành nghề tự do. Rồi đến Chiêu Anh Quán nằm ở khu vực ngã tư Duy Tân – Phan Châu Trinh bây giờ - gần nhà thờ Tin Lành. Chủ quán là một nữ sinh Trung học Trần Cao Vân - cô Chiêu Anh là một thiếu nữ vừa có duyên, vừa đẹp và nết na nên thu hút khá đông khách đến quán, mà chủ yếu là thanh niên thích chiêm ngưỡng giai nhân và một số thầy giáo…
Sau năm 1975, nhiều quán café có tên tuổi, như café sách Rạng Đông nằm trên đường Phan Châu Trinh, café Chương, café số 3 nằm trên đường Tiểu La… Phần lớn các quán café này không chú trọng đến hình thức, bàn ghế bằng gỗ, hoặc mây, không khang trang như café bây giờ và cũng không có tiếp viên chạy bàn, ngoài người giúp việc là con cháu trong nhà. Và khi café quốc doanh ra đời, trăm hoa đua nở trên khắp nẻo đường thị xã Tam Kỳ, các quán café cóc lần lượt xuất hiện, nó xóa đi phần nào các quán café thời thượng một thời chưa xa, để lại niềm tiếc nuối cho không ít người yêu thích sự tĩnh lặng của lối thưởng thức café truyền thống.
Danh trà Tam Kỳ
Cùng với café là trà, mà đặc biệt nhất vẫn là trà ấm – Tam Kỳ vốn là xứ sở nổi tiếng của các loại trà như Mai Hạc, Sanh Hoa, Kim Sơn, Tam Hạc…
Theo cụ chủ hiệu bánh Thái Bình tại ngã ba Trường Xuân, nghề làm trà ở Tam Kỳ xuất hiện trong kháng chiến chống Pháp. Phát triển kinh tế phục vụ kháng chiến là mục tiêu lớn lúc này. Vì vậy, ông là một trong những người được cấp trên cử vào Bình Định học nghề làm trà. Sau đó, xưởng trà được mở tại khu vực Công ty May Trường Giang bây giờ. Nguồn nguyên liệu làm trà được lấy từ đồn điền chè Đức Phú do Pháp khai thác. Khu vực Vườn Lài ở Tam Kỳ ngày nay vốn là nơi trồng hoa lài để cung cấp hương liệu. Hoa lài thu hoạch về được phơi khô, gói ghém cẩn thận trong các bao tải để giữ hương. Khi làm, người ta mới mang hoa ra ướp vào nguyên liệu trà. Trà hoa lài Tam Kỳ ngày ấy là mặt hàng quan trọng. Nó được vận chuyển ra Đại Lộc, qua Đông Giang, vượt qua dốc Bút ra Thừa Thiên Huế đến chiến khu Dương Hòa để bán cho các tư thương từ Huế lên và mua lại các loại tây dược mà chủ yếu là thuốc kháng sinh. Đây là thuốc tối cần thiết cho việc chữa trị các thương binh của ta. Thế mới biết đóng góp của trà Tam Kỳ cho quê hương không phải là nhỏ.
Trải qua thời gian dài, trà Tam Kỳ vẫn giữ được thương hiệu. Đặc trưng của nó vẫn là trà ướp hương lài, hương ngâu. Nguyên liệu trà được lấy từ nông trường chè Quyết Thắng (huyện Đông Giang), trà Lao Bảo - Đà Lạt và có pha thêm trà Thái Nguyên. Trà Tam Kỳ hương vị đậm ngọt, thoang thoảng mùi hoa lài, hoa ngâu. Hương hoa ấy đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa viết nên một đoạn nhạc rất hay: “Tam Kỳ, hỏi em còn có mang những hương trà thả bay trong gió, cho lòng gợi chút bâng khuâng…”. Hiện nay, ngoài cơ sở lớn nhất là Mai Hạc, còn có những cơ sở làm trà như Kim Sơn, Tam Hạc… Thị trường tiêu thụ của trà Tam Kỳ từ Quảng Trị vào đến Tây Nguyên, các tỉnh duyên hải miền Trung, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội...
Dẫu trải qua bao phế hưng của thời cuộc, cho đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều người yêu cái vẻ đặc trưng của hàng quán Tam Kỳ xưa, hay những người ly hương vẫn nhớ về Tam Kỳ với góc hoài niệm của riêng mình. Từ những quán café đến các hàng quán hay danh trà Tam Kỳ, đó không chỉ là niềm nhớ mà còn là “thương hiệu” Tam Kỳ trong tâm thức một thế hệ.
_____
(Viết theo lời kể của thầy Nguyễn Viết Nguyên 77 tuổi – cựu giáo viên Toán Trường THPT Trần Cao Vân)
THANH VÂN