Hoài thương một phận người

SONG ANH 28/03/2015 10:08

Nước mắt không còn chảy nữa. Nó đã khô hay lặn sâu vào nếp mặt già nua. Trọn cuộc đời, người phụ nữ ấy bươn bả đi tìm cho mình một danh phận. Tôi vẫn ước, giá nước mắt bà có thể rơi thêm, có lẽ cuộc đời này đỡ đau hơn…

Ở ngay trên một ngọn đồi, bao bọc xung quanh đồng bãi, ngôi nhà - đã từng một thời ông Bốn Gương ăn ở, đánh giặc và cả viết văn. Ở cái tuổi lặng lẽ của một kiếp người, bà Võ Thị Phận – vẫn rắn rỏi từng câu từ, mỗi khi nhắc chuyện xưa, cái thời bà vác súng tham gia đánh giặc ở vành đai Chu Lai - Núi Thành. Vùng đất ác liệt Tứ Mỹ - Kỳ Sanh thuở nào, giờ đã tươi màu sự sống, với cánh đồng xanh và những dòng nước trong, không phải “những con sông không tên, màu nâu, đỏ bầm, vàng đất sét lần lượt thu hình, chảy chậm dần, tan trong biển nước gạo đang cạn dần, đứt thành nhiều vũng bùn sền sệt, để lại từng bãi đá duỗi về phía Đông”… (Mẫn và tôi, Phan Tứ)

Bà Võ Thị Phận với chiếc nhẫn còn giữ lại của nhà văn Phan Tứ, theo lời bà nói.
Bà Võ Thị Phận với chiếc nhẫn còn giữ lại của nhà văn Phan Tứ, theo lời bà nói.

Chuyện xưa, của hơn 50 năm về trước. Năm 1971, “Mẫn và tôi” ra đời. Nhưng cuộc gặp của Mẫn và Thiêm, là ông Bốn Gương và cô Phận ngoài đời, thì đã bắt đầu từ năm 1960. Nhiều người nói, “Mẫn và tôi” là mối tình đẹp nhất của thời kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nhiều người cắc cớ, lấy cái gì chứng minh Mẫn là Phận và Thiêm là Phan Tứ. Lịch sử có cách lý giải để tìm căn nguyên, dù sớm hay muộn. Phải hơn 10 năm sau ngày cuốn sách ra đời, theo lời bà Phận, bà mới biết mối tình của mình đã đi vào văn chương. Và cũng chỉ biết loáng thoáng vậy thôi. Bởi những người nhận ra Út Mẫn – chính là cô Phận của Tam Mỹ Tây, cũng đồng thời nhận ra những cái tên như Tam Sa, Tam Trân, Lộc Chánh… chính là quê hương của vành đai Chu Lai – Núi Thành, là khu Tứ Mỹ - Kỳ Sanh ác liệt thuở nào. Những đồng đội cùng thời với ông Bốn Gương – Phan Tứ, với bà Phận, cũng là chứng nhân để người đời sau khẳng định chắc nịch nguyên mẫu Út Mẫn – là Võ Thị Phận. Nhưng mãi từ thuở còn là cô gái tuổi 18, kinh qua bao nhiêu lằn ranh sinh tử, đến bây giờ, tuổi đã gần 80, bà Phận - vẫn một mình trong những cơn bão đến từ quá khứ.

Theo Báo Quảng Nam, ngày 12.5.2014, thì bà Võ Thị Phận hoàn toàn có đủ điều kiện được hưởng chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công cách mạng và Nghị định số 31/2013/NĐCP ngày 9.4.2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Tuy đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến các cấp tổ chức, nhưng đến nay, bà Phận vẫn chưa nhận được bất cứ chế độ chính sách nào đối với người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày.

Năm 1960, Phan Tứ vào chiến trường Tứ Mỹ - Kỳ Sanh. Mãi đến năm 1965, ông mới đi hẳn, theo điều động của cấp trên. Tình yêu nảy nở trên miệng hầm tránh địch ngay trong ngôi nhà cha mẹ bà. Tình yêu của trai gái thời chống Mỹ, lúc nào cũng đặt Tổ quốc lên đầu. “Khi sinh thằng Huẩn, ổng nói với tôi muốn lấy họ gì. Tôi nói anh còn đó, thì theo họ anh. Chừng nào anh bỏ tôi đi hẳn, anh không coi tôi tồn tại, thì con mới lấy họ tôi. Ổng nói, rứa họ Phan và Lê đó, chọn họ nào cũng được”. Rồi bà cười. Lại nói tiếp: “Mà công nhận ổng nhớ dai thiệt. Ổng bu mấy chị tui hỏi chuyện thời kháng chiến, đánh giặc ra sao, rồi ngồi viết. Tui đọc “Mẫn và tôi”, có nhiều chi tiết mình không nghĩ ổng nhớ tới vậy”, bà lại cười. Nụ cười làm sáng bừng gương mặt người già. Tôi đồ rằng, nụ cười này đến từ những kỷ niệm hạnh phúc. Tình yêu ấy, có lẽ đủ mặn mà để bà Phận, bất chấp bao nhiêu gian truân, một mình nuôi con. Người con duy nhất sinh năm 1963, khoảng thời gian Phan Tứ vẫn còn ở Kỳ Sanh.

“Số phận tôi sao, ai cũng nói ông Bốn Gương khó trần ai. Vậy mà ổng lại ưa mình”. Cô Út Mẫn – của thuở ấy, với gương mặt trái xoan trắng xanh, thân hình dẻo và thon, hơi mảnh khảnh… và bây giờ, đã 79 tuổi, vẫn giữ lại những nét đẹp thiên phú thời trẻ. Duy chỉ có đôi mắt, thăm thẳm buồn. Bà nói chuyện với chúng tôi, giọng sắc sảo, miệng cười, nhưng sao cái khóe miệng và khóe mắt chẳng ăn nhập gì với nhau. Những sóng gió đời bà, chừng như ai mê “Mẫn và tôi” đều biết. Bởi cái nguyên mẫu văn học đẹp như thơ ấy, vin vào cuộc đời, lại gặp nhiều bất trắc. Chiếc nhẫn ông Bốn Gương lén đeo vào ngón chân cái con trai, giờ bà còn giữ. Giữ như một kỷ vật của cuộc đời mình. Giữ còn hơn giữ sự sống cho mình. Nhưng đã hơn 50 năm, bao lần bà cùng con trai nuôi hy vọng bằng những chuyến kiếm tìm, cho tới ngày ông mất, bà vẫn chưa một lần nhìn lại được gương mặt ấy. Ông Huẩn, con trai bà Phận, đã chít vành khăn tang cha, ngày Phan Tứ mất. Nhưng danh phận của người phụ nữ này, vẫn là một nỗi hoài mong, từ thẳm sâu lòng bà. “Con trai với 2 đứa cháu nói, không cho bà nội làm gì nữa hết. Thằng Hoàng nói, con cố gắng học thật giỏi, để người ta biết tên con, rồi con kể chuyện bà nội. Thôi thì rứa…” - nghe giọng, chừng vẫn quạnh quẽ lắm!

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoài thương một phận người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO