Hoài Yên nơi này

DUY HIỂN 26/07/2013 08:25

Trở lại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam (Hội An) lần này, tôi thực sự bất ngờ vì vẻ khang trang của cơ sở. Những khối nhà cao tầng vừa mới xây còn tươi màu vôi mới. Khuôn viên  rộng rãi của  trung tâm được bố trí bồn hoa cây cảnh, lầu bát giác xinh xắn như công viên để làm nơi đọc báo, đánh cờ, chuyện trò… của người có công được nuôi dưỡng tại đây. Trung tâm hiện nuôi dưỡng 32 thương binh nặng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ không nơi nương tựa. Hàng năm trung tâm còn đón khoảng 2.800 người có công cách mạng về đây an dưỡng. Điều thú vị là ở trung tâm này, tôi được nghe nhiều câu chuyện đẹp về tình yêu, tình người.

Thương binh Dương Văn Thanh (bên trái) kể chuyện đời mình trong ngôi nhà khang trang xây năm 2011.Ảnh: DUY HIỂN
Thương binh Dương Văn Thanh (bên trái) kể chuyện đời mình trong ngôi nhà khang trang xây năm 2011. Ảnh: DUY HIỂN

Trong ngôi nhà 2 tầng vừa mới xây, thương binh Dương Văn Thanh kể tôi nghe những năm tháng của thời trai trẻ. Ông quê gốc Tam Vinh, huyện Phú Ninh. Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, anh được gọi nhập ngũ, biên chế vào Sư đoàn 95, Quân khu 5. Tháng 10.1979 trong một lần truy kích quân Pôn Pốt trên đất Campuchia ông bị thương một chân, bể xương chậu, thủng bụng… Sau một thời gian cứu chữa, ông được đưa về an dưỡng tại Trại Thương binh nặng Hội An (trung tâm hiện nay). Lúc bấy giờ, chiến trường Campuchia đang hồi ác liệt. Trại Thương binh nặng Hội An lúc cao điểm nuôi dưỡng lên đến 600 người bị thương tật rất nặng. Đang là những chàng trai phơi phới tương lai bỗng biến thành người tàn tật, không ít người rơi vào trạng thái chán đời...

Rất may nhiều chàng trai khi rơi đến tận cùng của sự tuyệt vọng đã lấy lại được niềm tin cuộc sống. Những cô hộ lý, điều dưỡng trong những ngày bón từng miếng cơm, thìa cháo, vệ sinh tắm rửa cho những chàng trai không còn lành lặn đã đem lòng yêu thương họ. Sức mạnh kỳ diệu của tình yêu đã làm cho nhiều thương binh hay quậy phá trở nên hiền dịu hơn. Họ định tâm lại và bắt đầu mơ tưởng về một tương lai tốt đẹp hơn. Và có khoảng 40 đôi trai gái như vậy đã kết duyên với nhau tại trung tâm này. Theo chính sách an dưỡng thương binh tại cộng đồng của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều gia đình đã đưa nhau về quê sinh sống. Một số vẫn sống tại khu tập thể thương binh nặng sát cạnh trung tâm. Và bây giờ cụm dân cư ấy hiện có 15 gia đình, tên gọi là tổ 15B, khối phố Hoài Yên, phường Thanh Hà, TP.Hội An. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh nhưng những gia đình sống tại tổ 15B, khối phố Hoài Yên có một điểm chung là ý chí vươn lên. Họ tuy tàn nhưng không phế, quyết tâm tạo dựng cơ ngơi, nuôi dạy con cái nên người.

Trở lại câu chuyện về thương binh Dương Văn Thanh. Mối tình với cô gái Khổng Thị Lan (quê Khánh Hòa) ở Trung tâm Xã hội Hội An đã làm cho ông “thuần” lại. Những ngày ở Trại Thương binh nặng hội An, ông Thanh được cử đến Trung tâm Xã hội Hội An học làm chổi đót. Cô Lan quản lý nhà bếp ở đây. Họ quen nhau, yêu thương nhau rồi cưới nhau năm 1982. Có vợ, có con, ông hiểu trách nhiệm làm chồng, làm cha. Thế là ông đi học nghề mộc. Nhưng chỉ học được 1 tuần, ông bỏ, về mở xưởng mộc kêu thợ đến làm. Vừa làm ông chủ vừa học việc, thời gian sau ông thành thợ mộc. Làm được vài năm, thôi làm chủ, ông lại vác cưa đục đi làm thuê. Tích góp lần hồi, năm 2011 vợ chồng ông xây ngôi nhà 2 tầng khá khang trang với tổng kinh phí 800 triệu đồng. Chuyện làm nhà của ông, cả khu phố ai cũng nể. Ông mua dàn máy liên hợp giá 12 triệu về ráp, rồi tự tay mua gỗ làm toàn bộ cửa ngõ trong nhà. Nếu đặt thợ làm, giá đắt gấp rưỡi. Xong nhà, ông bán dàn máy, tính ra vẫn lời. Nhưng ông bảo thành tựu lớn nhất của vợ chồng ông là hai cậu con trai nay đã trưởng thành. Đứa con đầu làm cho Công ty Truyền tải điện miền Trung, đứa thứ hai làm nghề lái xe.

Ở tổ 15B, khối phố Hoài Yên, mọi người cũng thường kể về gia đình thương binh Trịnh Công Thanh và Lê Thị Liên. Ông Thanh quê xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, cũng là lính chiến trường K. Trong một lần tuần tra, đồng đội vướng mìn của địch, ông cũng bị thương nát người, may 2 chân vẫn lành lặn. Về Trại Thương binh nặng Hội An, ông gặp cô gái Lê Thị Liên, quê xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, là bộ đội chuyển ngành về trại làm hộ lý. Tình yêu đã tạo nên sức mạnh để hai người vượt qua tất cả và đến với nhau, chung tay xây dựng hạnh phúc gia đình. Giờ đây cô con gái của họ đang theo học năm 4 trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng. Hạnh phúc gia đình bình dị đã tạo nên sự tự tin để vợ chồng tiếp tục phấn đấu hoàn thành công việc. Riêng với hộ lý Lê Thị Liên - nay là Tổ trưởng Tổ điều dưỡng, đó còn là kết thúc có hậu cho quyết định có phần liều lĩnh của mình trước đây.

Nói về những nữ điều dưỡng có chồng là thương binh nặng, ông Nguyễn Đức Liên - Trưởng phòng Hành chính của trung tâm luôn dành những lời khâm phục, quý mến. Đó là những chị Tín, chị Liên, chị Cúc, chị Lan… luôn tận tụy với công việc, có kinh nghiệm và kỹ năng khéo léo trong việc phục vụ người bệnh. Việc nhà, việc cơ quan một tay họ quán xuyến gọn gàng. Gia đình cũng tạo cho những thương binh nặng một không gian sống thực sự của đời thường, khi có môi trường giao tiếp xã hội rộng mở, được tham gia nhiều hoạt động của địa phương, có điều kiện tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập gia đình...

Chia tay những thương binh nặng ở khối phố Hoài Yên, tôi chợt tự hỏi ai đã đặt cái tên “Hoài Yên” cho nơi này. Quả thật những con người ở nơi đây đã trải qua quá nhiều gian lao, chông chênh, nhưng mảnh đất này bây giờ đã bình yên, như ước vọng hoài yên đã thành sự thật.

DUY HIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoài Yên nơi này
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO