Hoạn nạn có nhau

ANH ĐÔNG - TÂM LÊ 16/11/2017 14:17

Lúc thiên tai ập đến gây khó khăn, thiệt hại cho người dân cũng là lúc mà sức mạnh đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư được phát huy cao độ.

Người dân thôn Tứ Trung 2, xã Quê Lâm, Nông Sơn dựng lại nhà cho gia đình anh Phạm Cược bị hư hỏng do sạt lở đất. Ảnh: T.LÊ
Người dân thôn Tứ Trung 2, xã Quê Lâm, Nông Sơn dựng lại nhà cho gia đình anh Phạm Cược bị hư hỏng do sạt lở đất. Ảnh: T.LÊ

1. Ở tuổi 73, ông Lê Tấn Ích - Trưởng thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải, Núi Thành) vẫn miệt mài với công việc đã gắn bó gần 20 năm nay. Chúng tôi cùng đoàn cứu trợ vào thăm bà con nhân dân ốc đảo Long Thạnh Tây, sau hơn một ngày khu vực này bị trận lốc xoáy càn quyét. Hình ảnh tan hoang là điều mà ai cũng dễ dàng nhận thấy khi tiếp cận với hiện trường. Cả thôn có 97 hộ thì có đến hơn 40 hộ bị hư hỏng nhà cửa. Trong đó, ngôi nhà của Trưởng thôn Long Thạnh Tây Lê Tấn Ích là một trong 2 nhà bị hư hỏng toàn bộ. Căn nhà cấp 4, lợp tôn khá kiên cố nhưng đã bị cơn lốc cuốn sạch phần mái nhà từ đầu đến cuối. Cả nhà gồm 3 nhân khẩu phải tá túc tạm ở nhà con gái gần đó. Lúc đoàn đến thăm, ông Ích không ở nhà vì đang bận cùng đoàn cán bộ của huyện đi kiểm đếm thiệt hại cho bà con. “Nhà mình hư rồi, để đó tính sau, phải lo cho bà con trước đã. Tinh thần là phải khẩn trương, kiểm tra thật kỹ thiệt hại để báo cáo tỉnh, huyện hỗ trợ sớm cho người dân” - ông Ích cho hay.


Sau 10 ngày trận lốc xảy ra, đời sống người dân thôn Long Thạnh Tây nói riêng và các thôn bị thiệt hại tại Tam Hải nói chung đã dần ổn định trở lại. Ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, đến nay đã có khoảng 20 đoàn cứu trợ về với bà con xã đảo, sau khi trận lốc xoáy xảy ra. Qua sự cứu trợ kịp thời của các đoàn từ thiện, người dân bị thiệt hại đã được hỗ trợ nhu yếu phẩm và một phần kinh phí tạm thời để sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống. Các nạn nhân bị thương trong trận lốc xoáy phần lớn đã trở về nhà (chỉ còn lại một người), sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Trong khi đó, chia sẻ với chúng tôi, Trưởng thôn Long Thạnh Tây Lê Tấn Ích cho biết, do ngôi nhà của ông bị thiệt hại quá nặng nên chưa thể sửa chữa. Nhiều khả năng, phải đập bỏ toàn bộ ngôi nhà để làm lại. Còn các hộ dân bị thiệt hại khác nhờ sự giúp đỡ của bà con, họ hàng, đoàn thể trong thôn đã tạm thời sửa chữa được nhà cửa. Và dù đã rất cố gắng, nhưng phận “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như ông Ích vẫn không tránh được những rắc rối trong câu chuyện đánh giá thiệt hại do thiên tai. “Kiểm tra thiệt hại thì có đầy đủ các ban ngành từ huyện đến xã, nhưng xong rồi người dân chưa hài lòng lại đều kêu mình. Nhà mình hư hỏng nặng nhưng dân kêu ở đâu phải đến xem trước, chỗ nào chưa đúng, chưa đủ thì cũng phải báo cáo lại cho cấp trên xử lý kịp thời” - ông Ích tâm sự.

2. Những câu chuyện cảm động về tình hàng xóm láng giềng, giúp đỡ, tương trợ nhau trong hoạn nạn ở huyện Nông Sơn được mọi người truyền tai nhau. Đó là chuyện hộ ở vùng cao giúp hộ vùng trũng thấp sơ tán của cải, bố trí chỗ sinh hoạt tạm thời an toàn; anh thợ sửa xe trẻ tuổi nhận sửa xe ngập nước miễn phí cho bà con vùng lũ; người dân cùng nhau chia sẻ nước sạch, sửa nhà cho những hộ bị thiệt hại... Cơn bão đi qua, sạt lở đất cuốn sập, vùi lấp căn nhà gỗ của anh Phạm Cược (thôn Tứ Trung 2, xã Quế Lâm). Hai vợ chồng anh Cược làm keo thuê, nuôi bốn đứa con, chưa kể đứa lớn phải nghỉ học từ lớp 9 để phụ giúp gia đình. Thôn nghèo trong lũ dữ ai cũng khó khăn nhưng khi hay tin, không ai bảo ai, người góp gạo, người góp nhu yếu phẩm giúp gia đình anh Cược.

Toàn thôn đã huy động gần 50 người tháo gỡ sườn nhà và dựng lại một ngôi nhà tạm để gia đình anh Cược có chỗ ở trước mắt. Cách nhà anh Cược 200m, ông Trần Văn Tri cùng bà con thôn Tứ Trung 2 hỗ trợ gia đình anh Cược trong những ngày qua. Ông Tri tâm sự: “Hàng xóm láng giềng, quý nhau là những lúc khốn khó thế này, chứ bình thường mạnh ai nấy làm, ai cũng lo cho cuộc sống riêng tư”. Chị Lê Thị Phượng (vợ anh Cược) nói: “Không có bà con giúp đỡ, không biết gia đình tôi đã sống như thế nào trong chuỗi ngày vừa qua. Cũng may là các thành viên trong gia đình an toàn, mong rằng gia đình tôi sẽ sớm vượt qua khó khăn”. Sự san sẻ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng giữa lúc thiên tai, hoạn nạn khiến cho lòng người ấm lại.

Ở thôn Trung Phước 1 (xã Quế Lâm), sau lũ nước sạch trở nên quý hiếm hơn bao giờ hết. Nhiều hộ dân giếng nước bị ngâm lụt nhiều ngày, không thể sử dụng. Lúc này, các hộ ở vùng cao, có giếng sạch đã sử dụng máy bơm hết công suất, san sẻ cho các hộ có nhu cầu. Gia đình chị Phạm Thị Thanh Mỹ (thôn Trung Phước 1) là một ví dụ. Chị đã chia sẻ nước cho các hộ gần nhà sử dụng, đồng thời cung cấp nước cho Trường Tiểu học Quế Trung khi có nhu cầu. “Thương người như thể thương thân”, hơn bao giờ hết, truyền thống tốt đẹp của dân tộc lại tỏa sáng, góp phần sẻ chia, ấm lòng hơn khi hoạn nạn…

ANH ĐÔNG - TÂM LÊ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoạn nạn có nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO