Sau 5 năm kể từ ngày bắt đầu đàm phán, thỏa thuận về Hiệp ước đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương vừa được hoàn tất tại thành phố Atlanta, bang Georgia của Hoa Kỳ.
Cuộc họp báo thông báo kết quả của 5 ngày đàm phán sau cùng nhằm hoàn tất TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - Hiệp ước đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương) tại Atlanta diễn ra vào đêm ngày 5.10 (theo giờ Việt Nam). Như lời của Bộ trưởng Kinh tế Mexico - Ildefonso Guajardo khi đang tham dự bàn tròn TPP lần này nói: “Không ai muốn rời hội nghị mà không có được thỏa thuận”. 3 trong số các hồ sơ được cho là gai góc nhất của tiến trình đàm phán TPP trong suốt nhiều năm, từng là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi, bất đồng từ các cuộc đàm phán TPP những lần trước thì nay đã vượt qua. Đó là những vấn đề về xuất nhập cảng sữa, phụ tùng xe hơi và bảo vệ bằng sáng chế thuốc.
Các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao từ các nước tham gia TPP. |
TPP là hiệp định tự do mậu dịch liên kết 12 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam với gần 800 triệu dân nhưng chiếm đến 40% GDP của toàn cầu và 1/3 thương mại trên toàn thế giới. |
TPP khi đi vào hiệu lực sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng, tăng cường cạnh tranh và mang lại công ăn việc làm, cải thiện mức sống, giảm đói nghèo, đồng thời tăng khả năng quản trị và bảo vệ môi trường tại các nước thành viên. TPP có hiệu lực sẽ trở thành là hiệp định thương mại tự do lớn nhất của thế giới, những rào cản thương mại được tháo gỡ và giảm bớt cũng những quy tắc được áp dụng chặt chẽ cho các thành viên TPP - nơi chiếm 40% của nền kinh tế thế giới. TPP dự kiến sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Theo hiệp định, 98% thuế giữa các nước tham gia vào TPP sẽ được xóa bỏ đối với các sản phẩm như thịt bò, sữa, rượu, đường, gạo, thực vật, hải sản, hàng chế biến, khoáng sản và năng lượng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi thỏa thuận này là “một chính sách nhìn xa trông rộng cho tất cả các nước tham gia cùng chia sẻ giá trị và cố gắng xây dựng một vùng kinh tế tự do và công bằng”. Nhưng để TPP có hiệu lực, hiệp ước này phải được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của 12 quốc gia thành viên tham gia TPP.
Hãng truyền thông BBCnews (Anh) trích tuyên bố của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam về một trong những thuận lợi và tác động của TPP đối với Việt Nam: “Thỏa thuận này sẽ khiến lĩnh vực tư nhân được tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường chủ chốt, thúc đẩy cạnh tranh, thu hút thêm đầu tư nước ngoài, và giúp thiết lập hạ tầng cung ứng then chốt, qua đó tạo ra những cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, đem lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người lao động Việt Nam”. Còn kênh thông tin Channel News Asia cho rằng, ngay sau khi TPP có hiệu lực thì giao thương thực sự bùng nổ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam cần giải quyết và ứng phó nhiều khó khăn, thách thức. Ví như tình trạng tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ gia tăng tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ không đủ sức cạnh tranh. Khi TPP đi vào hiệu lực sẽ tạo ra sự dịch chuyển lao động tự do trong 12 nước thành viên nên buộc đội ngũ lao động phải được đào tạo chuyên nghiệp, có tay nghề cao để đáp ứng năng lực cạnh tranh từ các nước thành viên. Các mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh rất cao từ các nước tham gia TPP.
QUỐC HƯNG