Sau 18 tháng thi công, nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu ở Hội An đã hoàn thành, dự kiến chính thức bàn giao đưa vào hoạt động từ ngày 1.11 tới.
Nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu sẽ đi vào vận hành từ ngày 1.11.Ảnh: V.L |
Ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, đến nay việc thi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu đã hoàn thành, sẽ chính thức bàn giao vận hành vào ngày 1.11. Dự kiến, sau khi hoạt động khoảng 1 tháng thì dòng nước sẽ được cải thiện. “Tôi nghĩ dự án chắc chắn sẽ thành công vì công nghệ xử lý tại nhà máy là tiên tiến nhất hiện nay do phía Nhật Bản cung cấp” - ông Sơn quả quyết.
Nhiều năm qua, dòng nước kênh Chùa Cầu bị ô nhiễm khá nặng, gây mùi hôi thối. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, vấn đề ô nhiễm Chùa Cầu đã có từ rất lâu, nhất là khi du lịch, dịch vụ phát triển với sự xuất hiện của các nhà hàng, khách sạn xung quanh khu vực đã xả thải ra khe thoát nước khiến kênh dưới Chùa Cầu ô nhiễm. Ngày 20.8.2014, tỉnh đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải thiện chất lượng nước tại khu vực Chùa Cầu. Dự án do UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty Nihon Suido Consultant và Công ty CP Kỹ thuật môi trường và Xây dựng - Ceen. Tổng kinh phí dự án khoảng 243 tỷ đồng, đây là vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước. “Dự án này sử dụng phương pháp hiếu khí, tức phân hủy các chất ô nhiễm hữu cơ nhờ vi sinh vật nên lượng nước sẽ đảm bảo khi trả lại môi trường” - ông Sơn chia sẻ.
Ông Trần Duy Thắng – cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP.Hội An cho biết, nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu được khởi công xây dựng tháng 3.2017 trên diện tích 3.752m2, công suất xử lý 2.000m3/ngày đêm. Trong đó, công nghệ xử lý áp dụng tại nhà máy là công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, được xem là tốt nhất của Nhật Bản từ trước đến nay khi triển khai ở nước ngoài. “Sau khi vận hành hoạt động, nước nhà máy xử lý sẽ đạt tiêu chuẩn loại B (tương đương nước tự nhiên), đảm bảo nguồn nước sẽ ổn định trở lại. Kế hoạch tiếp theo sẽ nạo vét hồ điều hòa để chống tình trạng gây hôi thối trở lại, ước tính khoảng 700m3 bùn sẽ được nạo vét mang đi” - ông Thắng nói.
Theo ông Nguyễn Đình Hùng – Trưởng phòng TN&MT TP.Hội An, việc đưa nhà máy xử lý nước thải Chùa Cầu đi vào vận hành sẽ giải quyết được vấn đề nước thải không chỉ tại Chùa Cầu mà cả nước thải sinh hoạt khu vực phường Tân An và khu dân cư thuộc tỉnh lộ 607 (ước chiếm khoảng 30% lượng nước thải của thành phố) cũng sẽ được xử lý tốt.
VĨNH LỘC