Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc hoàn thành tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới (NTM) vẫn là vốn. Tổng nguồn vốn các dự án điện đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được gần 50% nhu cầu vốn cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện ở Quảng Nam.
Lắp đặt trạm biến áp mới ở xã Tam Phước. |
Nhìn từ Tam Phước
Cách đây 3 năm, hệ thống lưới điện ở xã Tam Phước (Phú Ninh) đầu tư chắp vá, không đồng bộ; cả đường dây trung thế và hạ thế bị xuống cấp nặng, tỷ lệ tổn thất điện năng khá lớn. Địa phương có 2 đơn vị quản lý, kinh doanh điện là HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Phước 1 và Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Quảng Nam. Lưới điện của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tam Phước 1 do nguồn vốn của HTX và nhân dân địa phương đầu tư xây dựng vào những năm 80 của thế kỷ trước. Trong thời gian dài không được cải tạo, nâng cấp nên lưới điện xuống cấp nặng, tỷ lệ tổn thất chiếm hơn 30 - 40%. Còn hệ thống điện do Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Quảng Nam quản lý, lưới điện đầu tư từ nguồn vốn OPEC vào những năm gần đây, được đầu tư đồng bộ chỉ cung cấp điện ở các trục chính. Vì vậy, nhiều vùng có dân cư thưa thớt vẫn nằm trong tình trạng “lõm điện”. Nhìn chung, lưới điện ở xã Tam Phước 3 năm về trước chủ yếu là cung cấp điện sinh hoạt, còn cung ứng điện năng phục vụ phát triển kinh tế thì thiếu trầm trọng.
Sau 3 năm được Trung ương chọn là một trong 11 xã điểm để xây dựng mô hình NTM, Tam Phước đã khoác lên mình một “tấm áo” mới. Riêng về đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện để nâng cao chất lượng điện năng cũng là “kỳ tích”. Thực hiện chủ trương của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, ngay từ năm 2010, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã tiến hành tiếp nhận bàn giao lưới điện hạ áp và bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. PC Quảng Nam đã đầu tư gần 11 tỷ đồng mở rộng và nâng cấp 11,7km đường dây trung thế, 32,3km đường dây hạ thế và lắp đặt 8 trạm biến áp; đồng thời tiến hành thay mới 1.842 công tơ, bán điện trực tiếp cho 1.900 hộ dân, đạt 100% số hộ có điện lưới quốc gia. Ngoài đầu tư điện sinh hoạt, PC Quảng Nam còn đầu tư mở rộng lưới điện cho Cụm công nghiệp Phú Mỹ vừa đi vào hoạt động và các khu chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc. Ông Võ Thanh Anh - Chủ tịch UBND xã Tam Phước cho biết: “Nhờ sự đầu tư tổng lực của ngành điện, trong thời gian ngắn hệ thống lưới điện ở xã Tam Phước đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoàn thành tiêu chí về điện trong xã xây dựng NTM. Việc cải thiện chất lượng điện đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí khác, nhất là tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy an sinh xã hội, thực hiện cơ khí hóa ngành nghề và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “ly nông bất ly hương”...
Khó khăn về vốn
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với việc hoàn thành tiêu chí điện xây dựng NTM vẫn là vốn. Theo Quyết định số 800/QÐ-TTg ngày 4.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình NTM giai đoạn 2010-2020, đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM; năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, đến năm 2015 có ít nhất 85% số xã đạt chuẩn NTM về tiêu chí điện, năm 2020 đạt 95%. Ðây là giai đoạn phấn đấu quyết liệt và cần số vốn đầu tư rất lớn cho việc hiện đại hóa lưới điện hạ áp nông thôn. Riêng Quảng Nam, toàn tỉnh có 213 xã nằm trong diện triển khai xây dựng NTM; trong đó đến nay chỉ có 97 xã (46,6%) đạt tiêu chí về điện. Đối với 50 xã phải hoàn thành NTM trong giai đoạn 2011-2015, chỉ có 40 xã nằm trong số 97 xã nói trên, còn lại 10 xã, gồm 7 xã kém về chất lượng lưới điện và 3 xã chưa đạt số hộ có điện. Mặc dù đến thời điểm này tiêu chí về điện phục vụ cho việc xây dựng NTM đã vượt trội so với các tiêu chí khác, song 53,4% số xã còn lại gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có hơn 1.000 tỷ đồng cải tạo nâng cấp mở rộng hệ thống lưới điện mới đảm bảo hoàn thành tiêu chí về điện trong Chương trình NTM ở Quảng Nam.
Tuy nhiên, tổng nguồn vốn đầu tư trên mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu vốn cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện ở Quảng Nam. Số vốn còn thiếu vẫn khá lớn, chủ yếu đầu tư, mở rộng “phủ điện” lại rơi vào ở các xã miền núi, vùng sâu vùng xa. Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc PC Quảng Nam, để đầu tư cho một xã đồng bằng đạt tiêu chí NTM về điện, Nhà nước phải đầu tư trung bình từ 8 - 12 tỷ đồng, nhưng ở miền núi con số này cao hơn nhiều. Tất cả nguồn vốn đầu tư cho các công trình điện hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay thương mại, nhưng tình hình chung là kinh doanh điện nông thôn, miền núi hiệu quả thấp nên việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp khó khăn. Theo ông Vinh, xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, vì thế Quảng Nam cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi để tập trung đầu tư, nâng cấp cải tạo lưới điện nhằm sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
TRUNG LỘ