Nông thôn mới

Hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh

MAI NHI 30/01/2024 09:15

Bên cạnh nguồn kinh phí trực tiếp của chương trình nông thôn mới, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương linh hoạt lồng ghép một số kênh vốn khác để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây mới, nâng cấp hệ thống chợ, điện nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Thời gian qua, Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: PV
Thời gian qua, Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn. Ảnh: PV

Xây dựng hạ tầng thủy lợi

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, hằng năm nông dân trên địa bàn canh tác hơn 20.070ha cây trồng các loại. Những năm qua, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương của Điện Bàn nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất.

“Riêng năm 2023, ngoài việc chi 3 tỷ đồng xây dựng công trình đập ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện để chủ động cung ứng nước tưới cho hơn 1.800ha đất lúa thì Điện Bàn còn hỗ trợ các xã, phường gần 3,1 tỷ đồng để bê tông hóa hệ thống kênh mương và giao thông nội đồng” - ông Chơi nói.

Hơn 1.297 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn

Nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, thời gian qua Quảng Nam quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định, đảm bảo mỹ quan.

Theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, trong 3 năm 2021 - 2023, bằng nhiều nguồn vốn huy động, toàn tỉnh đã đầu tư thi công 654km đường dây hạ thế, 432km đường dây trung thế, xây dựng 429 trạm biến áp với tổng kinh phí hơn 1.297 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến nay cả tỉnh đã có 188/193 xã đạt tiêu chí số 4 về điện (chiếm tỷ lệ 97,4%), tăng 4 xã so với năm 2020.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh cho hay, giai đoạn 2021 - 2023 Quảng Nam tiếp tục tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống thủy lợi - phòng chống thiên tai cấp xã, huyện đảm bảo tính bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba năm qua, từ nguồn vốn trực tiếp của chương trình NTM, cả tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 217 công trình thủy lợi các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có hơn 100km kênh mương được bê tông hóa.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết số 03 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh về “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025”, trong 3 năm qua ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương đã lồng ghép đầu tư thêm 91,4 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi.

Theo đó, đối với hệ thống thủy lợi nhỏ, đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa 10 công trình thủy lợi hóa đất màu, 47 công trình trạm bơm và đập dâng... phục vụ tưới cho hơn 1.028ha đất sản xuất.

Đối với hệ thống thủy lợi nội đồng, tiến hành kiên cố hóa 78 tuyến kênh mương với tổng chiều dài 64,7km phục vụ nước tưới cho hơn 2.200ha. Ngoài ra, còn xây dựng 2 công trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

“Theo báo cáo của các địa phương, đến nay Quảng Nam đã có 185/193 xã đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi và phòng chống thiên tai (chiếm tỷ lệ 95,9%), tăng 16 xã so với năm 2020” - ông Ngô Tấn nói.

Xây mới, nâng cấp chợ nông thôn

Ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp (Quế Sơn) cho biết, trước tình trạng chợ Sơn Trung xuống cấp nghiêm trọng, từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của chương trình NTM, năm 2021 chính quyền địa phương đầu tư 1,1 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa nhiều hạng mục của ngôi chợ này.

“Chợ Sơn Trung được nâng cấp khang trang không chỉ đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương mà còn giúp Quế Hiệp thực hiện hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn để được UBND tỉnh xét công nhận đạt chuẩn xã NTM năm 2022” - ông Toàn nói.

Theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay Quảng Nam có tổng cộng 160 chợ. Trong đó, có 2 chợ hạng 1, 13 chợ hạng 2 và 145 chợ hạng 3. Tổng số hộ kinh doanh qua mạng lưới chợ khoảng 23 nghìn hộ, gồm 14 nghìn hộ kinh doanh cố định và 9 nghìn hộ kinh doanh không thường xuyên.

Tuy nhiên, phần lớn chợ nông thôn (chợ hạng 3) trên địa bàn tỉnh được hình thành từ lâu nên cơ sở hạ tầng đã xuống cấp; một số công trình thiết yếu tại chợ chưa đảm bảo như nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, điện, nước, phòng cháy chữa cháy… Nhiều chợ nằm ở vùng nông thôn, miền núi, mãi lực mua bán tại chợ rất thấp; thời gian họp chợ ngắn, có những chợ chỉ họp 2 giờ mỗi ngày.

Ông Ngô Tấn cho biết, trong 3 năm 2021 - 2023 toàn tỉnh có 20 chợ được đầu tư xây mới và cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí gần 100 tỷ đồng. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay Quảng Nam đã có 191/193 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (chiếm tỷ lệ 99%), tăng 8 xã so với năm 2020.

“Thời gian qua, khó khăn đối với việc thực hiện tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn ở các địa phương của Quảng Nam là xây dựng các chợ an toàn thực phẩm cấp xã có nhiều chỉ tiêu mới nên cần nguồn lực đầu tư lớn. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng thí điểm một số chợ để nhân rộng” - ông Tấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO