Hoàn thiện "kịch bản" ứng phó thiên tai

ALĂNG NGƯỚC - THÀNH CÔNG 11/08/2023 08:51

Hôm qua 10/8, chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh sẵn sàng phương án sơ tán dân để chủ động ứng phó với mùa bão lũ 2023.

Năm 2022 Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là các địa phương miền núi. Ảnh: N.C
Năm 2022 Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là các địa phương miền núi. Ảnh: N.C

Chủ động phòng ngừa

Là một trong số địa phương miền núi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, thời gian qua huyện Phước Sơn triển khai nhiều giải pháp ứng phó. Bên cạnh rà soát, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai (PCTT) giai đoạn 2021 - 2025, địa phương điều chỉnh bổ sung các nội dung trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trong đó tập trung quy hoạch, đầu tư các khu tái định cư an toàn cho nhân dân.

Năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi 4 đợt thiên tai cùng 16 đợt dông lốc, sét, mưa lớn cục bộ tập trung trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đại Lộc,... ước tính tổng thiệt hại gần 4.900 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, từ ngân sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, UBND tỉnh phân bổ cho các đơn vị, địa phương với tổng kinh phí gần 230,5 tỷ đồng. Hiện Quảng Nam tiếp tục sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi niên độ ngân sách năm 2022 còn lại để tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 với tổng kinh phí hơn 88,6 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đến nay, địa phương hoàn thành nghiệm thu, bàn giao 7 khu tái định cư thuộc 4 xã, gồm Phước Lộc, Phước Thành, Phước Kim và Phước Chánh, đảm bảo các điều kiện bố trí chỗ ở cho 249 hộ, với tổng kinh phí đầu tư hơn 75 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác phòng chống thiên; tập huấn kỹ năng cho lực lượng xung kích cơ sở với 1.181 lượt học viên tham gia.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, năm 2022 bão lũ tại địa phương làm 3 người chết và 25 người bị thương, nhiều nhà cửa, công trình dân sinh bị ảnh hưởng nặng nề, ước tổng thiệt hại khoảng 234 tỷ đồng.

“Bên cạnh tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, chúng tôi xây dựng các phương án ứng phó với diễn biến thiên tai tiếp theo, đặc biệt là năm 2023 với kế hoạch tổ chức di dời xen ghép, sơ tán người dân tại các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; huy động nguồn lực và nhân lực tại chỗ, đảm bảo chủ động phòng ngừa trước diễn biến phức tạp của thiên tai, mưa lũ” - ông Mẫn chia sẻ.

Tăng cường công tác thông tin

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho rằng, để đảm bảo hiệu quả công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn, cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai đối với nhân dân.

Qua các đợt truyền thông, người dân sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng để chủ động khi có các tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, nhất thiết phải đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn.

Năm 2022 Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là các địa phương miền núi. Ảnh: N.C
Năm 2022 Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là các địa phương miền núi. Ảnh: N.C

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, năm 2023 thiên tai tiếp tục được dự báo có những diễn biến khốc liệt với nhiều đợt mưa lớn, bão, dông lốc và mưa đá trên diện rộng, đặc biệt là tình trạng nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.

Để đảm bảo điều kiện an toàn trong thiên tai, ông Bửu đề nghị các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó, tuyệt đối không chủ quan, hạn chế các trường hợp thiệt hại về tính mạng và tài sản khi triển khai công tác PCTT ở cơ sở.

Ông Hồ Quang Bửu yêu cầu khẩn trương hoàn thành dứt điểm kế hoạch PCTT của các địa phương và phương án PCTT chung của toàn tỉnh. Quá trình triển khai cần chú trọng phương châm “4 tại chỗ” và phát huy tối đa công tác thông tin tuyên truyền.

Các huyện đồng bằng nhân rộng, đẩy mạnh xây dựng phòng, chòi chống bão lũ để giảm áp lực di dân. Các huyện miền núi kịp thời di dân vùng sạt lở, rà soát an toàn tuyến biên giới. Công tác PCTT phải được chủ động triển khai xuống cấp cơ sở.

“Đơn vị, địa phương nào chủ động chuẩn bị tốt, thiệt hại chắc chắn sẽ giảm thiểu. Các địa phương thống kê, hoàn thiện các thủ tục liên quan huy động nguồn lực PCTT, đẩy nhanh tiến độ các dự án liên quan lĩnh vực này. Đối với PCTT, phải chủ động tối đa, chú trọng tuyên truyền. Nếu tuyên truyền tốt, người dân hiểu và hưởng ứng, công việc PCTT sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Các địa phương phải tìm cách để truyền thông đến rộng rãi người dân, chỉ đạo cài đặt ứng dụng “Phòng chống thiên tai” trên điện thoại thông minh, giúp người dân có thông tin sớm nhất về thiên tai. Đồng thời kịp thời phản ánh, kiến nghị những vướng mắc để tỉnh có những điều chỉnh phù hợp, nâng cao nhận thức về PCTT” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàn thiện "kịch bản" ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO