Năm 1997, Quảng Nam được tái lập, cũng là thời điểm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18.6.1997 về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết 03). Ngay từ khi Nghị quyết 03 được ban hành, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các địa phương, đơn vị tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện, xem công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh.
Trường Chính trị tỉnh khai giảng lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ là đối tượng do Ban Thường vụ Huyện ủy và tương đương quản lý trong năm 2017.Ảnh: N.ĐOAN |
Chú trọng đào tạo
Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy Tiên Phước cho biết, thực hiện Nghị quyết 03 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước thường xuyên quán triệt để các cấp ủy, cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu về công tác cán bộ. Trong đó, vào đầu mỗi nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Thực hiện đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị nói chung, công tác cán bộ nói riêng tại địa phương, từ năm 2010 đến nay Ban Thường vụ Huyện ủy phân công cán bộ huyện theo dõi chỉ đạo các xã, thị trấn, đảng bộ, chi bộ cơ quan. Định kỳ vào ngày thứ Tư tuần cuối tháng hoặc bất thường, các đồng chí trong tổ công tác trực tiếp làm việc với đảng ủy và các ngành, đoàn thể ở xã - thị trấn nắm bắt tình hình để chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, tồn tại và định hướng một số nội dung, giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng Đề án số 03-ĐA/HU về “đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ huyện Tiên Phước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn 2017-2020 và định hướng đến năm 2025”. Đề án này đang được triển khai, đã tạo những điều kiện thuận lợi trong tuyển chọn, xét cử cán bộ đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ.
Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, từ năm 2008 đến nay, toàn tỉnh đã cử 10.402 trường hợp đi đào tạo lý luận chính trị; cử 3.015 trường hợp đi đào tạo chuyên môn sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp. Ngoài ra, đã cử gần 90 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa đào bồi dưỡng, tập huấn trên các lĩnh vực, yêu cầu chuyên môn... |
Tại Đại Lộc, nhằm thực hiện có kết quả Nghị quyết 03, Huyện ủy xác định trước hết phải nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ, từ đó đề ra chủ trương, biện pháp hợp lý, xây dựng đội ngũ cán bộ từ cấp huyện đến cơ sở có phẩm chất và năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Bí thư Huyện ủy Đại Lộc Phan Xuân Quang chia sẻ, qua tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Huyện ủy, chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở có bước phát triển và trưởng thành trên nhiều mặt, trình độ kiến thức và năng lực công tác ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, cơ cấu đội ngũ cán bộ từng bước trẻ hóa, công tác cán bộ nữ được quan tâm; việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo nguyên tắc, quy trình chặt chẽ. Cán bộ sau khi quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm đã thể hiện được năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiếp tục đổi mới
Nhìn nhận chung về 20 năm thực hiện Nghị quyết 03, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là các khâu trong công tác cán bộ được Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện cụ thể, quyết liệt. Chẳng hạn, công tác nhận xét đánh giá cán bộ được thường xuyên đổi mới, công khai, dân chủ, khách quan, đúng quy định, đồng thời kết hợp với tổ chức lấy phiếu tín nhiệm để làm cơ sở quy hoạch cán bộ, bổ sung quy hoạch hằng năm đảm bảo được chất lượng. Cùng với đó, Tỉnh ủy luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vì thực trạng đội ngũ cán bộ của tỉnh ở thời điểm mới chia tách tỉnh còn thiếu về số lượng, hạn chế chất lượng. Trong 20 năm qua, toàn tỉnh đã cử gần 14 nghìn lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn cũng được Tỉnh ủy chú trọng, thể hiện rõ nhất qua việc đã tuyển chọn 519 sinh viên tốt nghiệp chính quy ra trường để đào tạo cán bộ chủ chốt cho cấp xã.
Thời gian qua, Quảng Nam cũng thường xuyên nghiên cứu, triển khai thực hiện các mô hình thí điểm của Trung ương chỉ đạo, như mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp huyện, tỉnh; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, xã ở một số địa phương; thí điểm đại hội đảng bộ trực tiếp bầu bí thư cấp ủy; hay như gần đây, việc thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khối phố được các huyện, thành phố thực hiện có hiệu quả. “Có thể khẳng định, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết 03 về chiến lược cán bộ, Quảng Nam đã chuẩn bị đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, nâng cao chất lượng, trưởng thành về nhiều mặt, phần lớn có bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng địa phương ngày càng phát triển” - ông Dũng nói.
Về định hướng của Tỉnh ủy trong thời gian tới đối với công tác cán bộ, ông Dũng nhấn mạnh: “Toàn tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục đổi mới và tạo đột phá về công tác cán bộ. Trong đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn liền với đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo tinh thần các Kết luận của Trung ương và gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đồng thời xác định việc tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ đột phá của giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”.
HÀN GIANG