Hoàn thiện pháp luật để bảo vệ di sản tư liệu

LÊ CAO 12/06/2023 07:21

(VHQN) - Chương trình “Ký ức Thế giới” do UNESCO khởi xướng từ năm 1992, chính thức ra đời năm 1994 nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị của di sản tư liệu. Việt Nam tham gia chương trình này từ năm 2007, thế nhưng chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản tư liệu.

Vấn đề di sản tư liệu còn là một khoảng trống cần được quan tâm. Ảnh minh họa Đình làng Sơn Phong. Ảnh: ĐẶNG KẾ ĐÔNG
Vấn đề di sản tư liệu còn là một khoảng trống cần được quan tâm. Ảnh minh họa Đình làng Sơn Phong. Ảnh: ĐẶNG KẾ ĐÔNG

Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được UNESCO công nhận và vinh danh; trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới: Mộc bản triều Nguyễn (được công nhận năm 2009), Bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (công nhận năm 2011), Châu bản triều Nguyễn (công nhận năm 2017) và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (công nhận năm 2012), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (công nhận năm 2016), Mộc bản trường học Phúc Giang (công nhận năm 2016), Hoàng hoa sứ trình đồ (Hành trình đi sứ Trung Hoa, công nhận năm 2018), Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (công nhận năm 2022), Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689 - 1943, công nhận năm 2022).

Có một thực tế là cả một thời gian dài, chúng ta đệ trình hồ sơ, đề nghị UNESCO vinh danh những giá trị di sản tư liệu quý giá nhưng ngay các văn bản pháp luật trong nước lại chưa có quy định như thế nào là di sản tư liệu.

Hiện nay, ngoài Luật Di sản văn hóa 2001 (sửa đổi 2009), thì còn có Luật Lưu trữ 2011, tuy nhiên các văn bản này và các văn bản quy định chi tiết đều không đề cập gì đến di sản tư liệu. Chính việc không điều chỉnh trong luật, dẫn đến thực tế ghi nhận, bảo tồn các di sản tư liệu ở nhiều địa phương chưa được chú trọng và chưa có những đề án, chương trình hành động cụ thể để bảo tồn đối với di sản tư liệu trong thời gian qua.

Chẳng hạn, qua nghiên cứu các văn bản, nghị quyết về chính sách, đường lối phát triển di sản văn hóa ở Quảng Nam những năm qua, vấn đề di sản tư liệu còn là một khoảng trống cần được quan tâm, nêu cụ thể hơn để phát huy, bảo tồn tốt hơn trong thời gian tới.

Có thể nhìn thấy vấn đề di sản tư liệu chưa được đề cập qua một số văn bản liên quan như: Nghị quyết về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 161/2015/NQ-HĐND ngày 7/7/2015 của HĐND tỉnh về hỗ trợ đầu tư tu bổ di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND ngày 17/9/2020 HĐND tỉnh Quảng Nam về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Trong khi đó, có nhiều vấn đề về di sản tư liệu được nhắc đến, như di sản ảnh về Hội An xưa, di sản tư liệu về kiến trúc Hội An, lịch sử Hội An…, là những di sản tư liệu cần được bảo tồn và gìn giữ để xác lập được các danh sách, danh mục di sản tư liệu nào, mức độ quý giá ra sao khi bảo tồn các giá trị này.

Hiện nay, luật chưa có những quy định cụ thể về bảo tồn, lưu trữ các di sản tư liệu, nên có những di sản tư liệu về lịch sử, văn hóa của những vùng đất có thể bị tản mát, chưa được bảo tồn hiệu quả và phát huy đầy đủ giá trị.

Về Quảng Nam, nhiều di sản tư liệu quý giá có những ghi chép, những thông tin về vùng đất này như mộc bản sách “Đại Nam nhất thống chí” (quyển 5, mặt khắc 1), ghi chép về vị trí địa lý của tỉnh Quảng Nam; mộc bản sách “Đại Nam thực lục tiền biên” (quyển 1, mặt khắc 21), ghi chép về vùng đất này đất tốt, dân đông, sản vật giàu có (năm Nhâm Dần, 1602)… Những di sản tư liệu quý giá đó của Mộc bản Triều Nguyễn đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Nhìn vào thực tiễn bảo tồn ở vài địa phương như Quảng Nam, Đà Nẵng cho thấy: do luật hiện hành chưa quy định cụ thể các vấn đề bảo tồn về di sản tư liệu nên các địa phương chỉ có thể tự linh động trong vấn đề chính sách từ thực tiễn của địa phương mình.

Tuy nhiên, chính sự tự linh động này dẫn đến những khoảng trống về ngân sách, tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, quy trình và hệ thống quản lý, bảo tồn di sản tư liệu ở các địa phương. Các di sản tư liệu hiện nay tản mát ở các địa phương nên không thể gom hết về các trung tâm lưu trữ quốc gia, do vậy việc sớm có quy định thống nhất để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản tư liệu quý báu là điều rất cần kíp.

Điều đáng mừng là, theo Tờ trình dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, trong đó các nội dung đang được trình liên quan đến dự thảo luật này thì các quy định về di sản tư liệu được quan tâm đúng với tiềm năng và yêu cầu cấp bách.

Theo chúng tôi, các vấn đề lớn mà dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần hoàn thiện là cần làm rõ khái niệm về di sản tư liệu; các quy định về điều kiện để nhận diện và xác định di sản tư liệu theo những tiêu chuẩn để vinh danh cấp quốc gia, khu vực và thế giới; thẩm quyền quản lý di sản tư liệu từ trung ương đến địa phương; quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến vấn đề sở hữu, bảo tồn di sản tư liệu...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàn thiện pháp luật để bảo vệ di sản tư liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO