Hoàn thiện pháp luật về môi trường, đất đai

TRẦN NGUYỄN 07/05/2020 14:30

Tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ TN&MT với các tỉnh, thành phố vừa diễn ra, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường.

Một dự án khu dân cư, tái định cư ở phường An Phú (Tam Kỳ) chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ảnh: T.N
Một dự án khu dân cư, tái định cư ở phường An Phú (Tam Kỳ) chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ảnh: T.N

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, ngành đã chủ động đề xuất giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, bao gồm các chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, gia hạn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, giảm thuế môi trường, cắt giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công cấp độ 4. Mới đây, nhiều địa phương đề nghị triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ TN&MT, hiệu quả sử dụng nguồn lực tài nguyên được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước. Trong đó, nguồn thu từ đất hàng năm chiếm trung bình 12% thu ngân sách nội địa, riêng trong năm 2019 đạt 172 nghìn tỷ đồng; thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản đạt khoảng 5 nghìn tỷ/năm…

Tình trạng lãng phí đất đai, quy hoạch treo, dự án treo ở các đô thị được giải quyết hiệu quả. Chỉ tính riêng trong năm 2019, xử lý hơn 1.300 dự án với 18,8 nghìn héc ta đất; hoàn thành giai đoạn 1 sắp xếp đất đai của các nông, lâm trường. Tuy nhiên, việc vận dụng chính sách đất đai khá “linh hoạt” ở một số địa phương đã phát sinh không ít bất cập.

Tại Quảng Nam, khó khăn nhất là ách tắc của công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án lớn vùng đông. Vùng đông nam của tỉnh đóng vai trò hạt nhân trong phát triển kinh tế liên vùng. Khu vực này đã được quy hoạch hơn 100.000ha, hiện đã có hàng trăm dự án đầu tư. Tuy nhiên, những vướng mắc về đất đai khiến địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình có 12 dự án đầu tư đô thị, thương mại, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí lớn được cấp phép đầu tư (huyện Duy Xuyên 2 dự án, Thăng Bình 10 dự án). Tuy nhiên, mới chỉ có dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Công ty CP Vinpearl đưa vào hoạt động.

Cái khó nhất của tỉnh hiện nay trong thực hiện chính sách đất đai là chậm giải phóng mặt bằng do trở ngại trong thỏa thuận bồi thường; công tác xác nhận nguồn gốc đất khá phức tạp do lịch sử quản lý đất đai ở vùng đông để lại.

Giám đốc Sở TN&MT Trần Thanh Hà cho rằng, đơn vị đã đề nghị Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh hạn chế việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ đất đai cho doanh nghiệp và người dân; đẩy nhanh công tác kiểm kê đất đai theo tiến độ được UBND tỉnh giao.

Theo Bộ TN&MT, nội dung sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường sắp đến sẽ xác định rõ vai trò kiến tạo của Nhà nước, vai trò nòng cốt của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ môi trường. Cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 . Đồng thời, bổ sung cơ chế đặt cọc, hoàn trả, đóng góp kinh phí để thu gom, tái chế, xử lý bao bì, sản phẩm đã qua sử dụng; thuế, phí bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàn thiện pháp luật về môi trường, đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO